Chuyện ở zơng của người Cơ Tu
Kho tàng các giá trị văn hóa về không gian kiến trúc làng truyền thống, dân vũ, nhạc cụ dân tộc..., người Cơ Tu có rất nhiều lễ nghi liên quan đến mẹ rừng. Trong đó văn hóa ở Zơng mang đậm bản sắc tộc người.
Zơng (nhà Duông) của người Cơ Tu được dựng gần khu đất canh tác nương, rẫy hay trồng trọt và chăn nuôi trâu, bò, heo, gà trên các sườn núi hoặc ven con suối để thuận tiện cho việc lấy nước sinh hoạt. Mỗi khu Zơng có từ 10 đến 15 nóc nhà sàn được làm bằng vật liệu gỗ, tre, nứa, mái lợp bằng lá cọ, lá tranh.
Thường khu Zơng cách làng chính khoảng 1 - 3 giờ đi bộ. Mọi sinh hoạt ở khu Zơng tuân theo lời hướng dẫn của già khu Zơng - thường là người cao niên, vốn sống lâu ở khu đất Zơng, am hiểu sâu sắc văn hóa, truyền thống và lịch học của người Cơ Tu. Già khu Zơng giúp bà con chọn thời điểm tìm đất canh tác làm nương, rẫy, đốt, tỉa lúa, ngô, trồng hoa màu hay đi đặt bẫy chim, thú đúng ngày lành, tháng tốt để được mùa màng bội thu, dân làng khu Zơng được no đủ, an lành.
Theo lịch học của người Cơ Tu, mọi người đi ở khu Zơng theo các mùa chủ yếu: mùa chọn đất phát nương, rẫy vào tháng 12 - 1; mùa đốt tỉa vào tháng 2 - 3; mùa làm cỏ lúa tháng 4 - 5; mùa tuốt lúa, phơi lúa và bảo quản lúa trên kho thóc tháng 6 - 7.
Ở Zơng, người Cơ Tu có tục cúng tìm đất canh tác. Họ cấm kỵ phát chặt rừng già, rừng đầu nguồn nguyên sinh có nhiều cây to và nhiều gỗ quý. Khu đất rẫy được chọn thường là nương rẫy cũ có độ tuổi từ 3 - 6 năm, khu đất này chủ yếu là cây tre, nứa, lau lách và chuối rừng, không có cây gỗ to, người Cơ Tu gọi là Arứi. Ai vi phạm hương ước và luật tục của làng, của khu Zơng sẽ bị già làng và già khu Zơng phạt rất nặng, nếu tái phạm sẽ bị đuổi ra khỏi làng, khỏi khu Zơng… Văn hóa và triết lý sống hài hòa với núi rừng sông suối và bảo vệ tốt mẹ rừng của người Cơ Tu được thể hiện rõ nét trong văn hóa Zơng.
Ngày xưa, khu Zơng của người Cơ Tu giống như một tổ chức xã hội thu nhỏ. Khu Zơng được rào quanh bằng gỗ hoặc tre, có cửa kéo ra vào tự động được làm bằng cây gỗ nhằm phòng thú giữ. Có khu chăn nuôi tách biệt được rào ngăn bằng con suối để giữ gìn vệ sinh môi trường. Chòi thóc (Cơr’lăng haroo) dựng cao ráo, cách Zơng từ 100 đến 500 mét để tránh hỏa hoạn và chuột, sóc phá lúa. Khách quý đến Zơng được khu Zơng nuôi chung, ai có gì góp nấy.
Ở Zơng văn hóa chia phần luôn được đề cao, ai hái, bắt, kiếm được gì đều được chia phần cho các nóc Zơng tùy theo sản vật, ít thì chia theo nóc Zơng, nhiều thì chia theo nhân khẩu của các nóc Zơng, người mới mất chưa được 6 tháng cũng có phần, thai nhi trong bụng mẹ cũng có phần. Người ốm đau nặng được người dân trong khu Zơng chung sức khiêng võng, cõng đi bộ băng rừng về tới bệnh viện để chữa trị. Đây là nét văn hóa độc đáo, nhân văn của người Cơ Tu ở Zơng.
Thiết nghĩa, văn hóa ở Zơng cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong điều kiện hiện nay, khi đất sản xuất ngày càng ít đi, nhằm hạn chế việc du canh du cư, đốt rừng làm nương, rẫy của người miền núi. Có thể khảo sát, quy hoạch lại các khu Zơng có đủ điều kiện để khoanh vùng, phân khu đất canh tác, đất chăn nuôi theo mô hình vườn, ao, chuồng, đất trồng dược liệu, hoa màu, đầu tư đường ống dẫn nước và giao thông.
Những khu Zơng có nhiều hộ dân ở và canh tác rất thuận lợi cho việc sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi tập trung, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng sạch của từng vùng, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế cho địa phương.