Sứ mệnh mới của tơ tằm

MINH KHÔI 10/05/2020 04:14

Những kén tằm đầu tiên trên đất Gò Nổi đã bắt đầu cho người vùng này khấp khởi những hy vọng mới. Dòng sông tơ lụa đang thành hình từ những mảnh đất biết gieo trồng “giấc mơ” về phục hưng tơ lụa xứ Quảng…

Tơ lụa xứ Quảng đang bắt đầu có những chỉ dấu phục hồi... Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Tơ lụa xứ Quảng đang bắt đầu có những chỉ dấu phục hồi... Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

1. Lê Thái Vũ – ông chủ của Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, vẫn không thôi những cuộc đi của mình để chắp nối lại những mảnh vỡ trong hiện tại từ quá khứ vàng son của tơ lụa xứ Quảng. Làng lụa Hội An là nơi trong suốt nhiều năm liền khẳng định được mô hình gắn nghề tơ lụa – thổ cẩm với phát triển du lịch, dùng du lịch để thúc đẩy, ổn định nghề.

“Có thể hiểu ý nghĩa bảo tàng sống của Làng lụa Hội An trong ý tưởng phục hồi con đường tơ lụa ở thời đại mới trên đất Hội An, bảo tồn nghề và là điểm đến tiếp xúc giao dịch quốc tế” - ông Lê Thái Vũ nói.

Từ mô hình Làng lụa Hội An, một “dòng sông tơ lụa” khởi đi với những dự án dành cho các địa phương dọc theo triền sông Thu. Vùng Gò Nổi, hay xứ của Bà chúa Tằm tang… thuở nào sẽ lại vang tiếng tằm rỗi, bắt đầu từ những nương dâu đang lên xanh mỗi ngày… Một quy hoạch về diện tích trồng dâu nuôi tằm ven sông Vu Gia - Thu Bồn trên địa bàn các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Đại Lộc với diện tích hơn 2.500ha đã dần đi vào thực tế.

Dọc các triền sông Vu Gia - Thu Bồn, những nương dâu bắt đầu phủ lên các bờ bãi. Trước đó, Công ty CP Tơ lụa Hội An đã tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm về nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

“Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền, người dân xã Điện Quang làm thí điểm ở Gò Nổi khoảng 5ha dâu. Sau khi đánh giá kết quả sẽ tiếp tục mở rộng thêm ra nhiều vùng. Thuận lợi hiện nay là ngoài việc có nhiều giống dâu mới cho năng suất cao cũng như công thức nuôi tằm hiện đại, thì chúng tôi cũng đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương chuyển giao công nghệ về cách nuôi tằm, trồng dâu cho bà con. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm đầu ra. Do đó, tôi tin tưởng triển vọng phục hồi nghề này là rất lớn” - ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Điện Quang, người dành rất nhiều tâm huyết cho câu chuyện dâu tằm tơ xứ mình, chia sẻ, khi những kén tằm đầu tiên thành hình từ cuộc chuyển giao công nghệ mới, thì người làng này đã thở phào vì những nỗ lực của mình đã có thành quả. Trong khi đó, ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho biết, địa phương đã quy hoạch khoảng 300ha tại các xã Duy Châu, Duy Hòa, Duy Trinh để trồng dâu nuôi tằm.

2. Sản phẩm của những làng nghề dâu tằm xứ Quảng hàng thế kỷ qua được thị trường các nước trong và ngoài khu vực biết đến. Nhà truyền giáo Christophoro Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 ghi nhận: “Lụa dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình và còn bán cho Nhật Bản và gửi sang Lào để rồi đưa sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu…”.

Trong khi đó, ở cuốn Hành trình và truyền giáo, Giáo sĩ Alexandre de Rhode viết: “Xứ này nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”. Quá khứ vàng son đã làm nên nền tảng để khi bắt đầu phục hưng lại nghề tằm tang, người xứ Quảng sẽ không có những bỡ ngỡ buổi đầu.

Ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Tơ tằm Việt Nam, cho biết, muốn ngành dâu tằm tơ đạt hiệu quả cao, tương xứng với giá trị của nó, trước hết cần phải có giống dâu năng suất cao, có quy trình thâm canh cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm tiên tiến trên cơ sở chuyển giao công nghệ mới, cho nông dân áp dụng đại trà để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khi giải quyết được các vấn đề này mới có thể nâng cao được hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ đó, tăng thu nhập cho người trồng dâu nuôi tằm, tạo vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững. Tiếng tằm ăn lá dâu rào rào đã quay trở lại ở nhiều vùng đất của xứ Quảng, từ Hội An, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên cho cả đến làng Đại Bình ở thượng nguồn sông Thu.

Lụa tơ tằm không phải là sản phẩm thời trang bình thường. Nó được xếp hạng vào sản phẩm cao cấp vì thuần tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe. Và hơn hết, đó là vốn liếng quý giá mà dân tộc Việt sở hữu từ thuở xa xưa. Người ta có quyền làm ra những mẫu thiết kế na ná nhau, nhưng không ai có thể mạo danh “lụa Việt”. Đã có những cuộc phanh phui từ vài doanh nghiệp, để cho thấy, bản sắc văn hóa và giá trị “lụa Việt” sở hữu. Thế nhưng, những sợi tơ từ đôi tay người nông dân cần mẫn làm ra, cần sự kết nối để đưa ra những sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng để định danh với người tiêu dùng. Tơ lụa là văn hóa, là đời sống của một quốc gia, dân tộc. 

Những mường tượng về cuộc phát triển mới trong tâm trí của người chăn tằm, người ươm tơ, người dệt lụa và cả những người mong tìm cho tơ lụa xứ Quảng một chỗ đứng, một danh phận xứng đáng... đang được định hình rõ ràng hơn.

MINH KHÔI