Hồi hương di sản Quảng Nam
Quảng Nam, như đúng tên gọi, mở ra một vùng đất rộng lớn phương Nam của Đại Việt, sớm trở thành trọng trấn từ thời chúa Nguyễn - vua Nguyễn, là bàn đạp chiến lược về Nam và cửa ngõ thông thương quốc tế qua cảng thị Hội An nổi tiếng.
Bộ tài liệu quý giá
Trên phương diện văn hóa, Quảng Nam là vùng đất luôn được các chính thể Nhà nước từ thời Lê - Nguyễn đặc biệt quan tâm để “Việt hóa”, xây dựng nên trọng trấn phương Nam này. Tất cả đã làm nên bức tranh văn hóa làng xứ Quảng đa dạng, đặc trưng mà trong chương trình khảo sát về làng quê Quảng Nam của chúng tôi trong mấy năm qua, bước đầu đã tiếp cận được, tiêu biểu như trường hợp bộ tài liệu Hán Nôm quý giá: Quảng Nam tỉnh tạp biên.
Trong chương trình nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trường Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương đã tổ chức đợt khảo sát về tận các làng xã, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung. Đáng chú ý ở miền Trung, Quảng Nam là vùng đất rất được quan tâm thu thập, tập hợp tư liệu nên bộ Quảng Nam tỉnh tạp biên, với gần 100 ngôi làng được khảo sát, thu về gần 4.000 trang tài liệu Hán Nôm sao chép lại từ hòm bộ cổ của các làng quê.
Nội dung chính trong bộ tạp biên này là sao chép lại toàn bộ văn bản Hán Nôm của làng xã mà đoàn khảo sát tiếp cận được, trong bối cảnh làng quê Quảng Nam đầu thế kỷ 20. Theo phương cách làm việc của họ thì trong số nhiều làng xã Quảng Nam, tập trung chọn ra khoảng gần 100 làng “tiêu biểu” để tiến hành thu thập thông tin tư liệu. Kết quả thu được cho thấy hầu như các làng xã được ưu tiên chọn lựa nằm dọc sông Thu Bồn, nay cơ bản thuộc địa bàn thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Quế Sơn. Đối với mỗi một làng xã, nhóm khảo sát tìm hiểu sơ bộ lịch sử văn hóa của làng, tiếp cận các loại hình tài liệu Hán Nôm để phân loại và ưu tiên sao chép một cách đầy đủ nhất.
Phân tích nội dung các loại hình tư liệu, có thể thấy trong Quảng Nam tỉnh tạp biên có hoành phi câu đối, hương phả, những tài liệu phân định tiền hiền trong lịch sử lập làng, những lệ định dạng hương ước, cấm ước, các văn bản về ruộng đất - kinh tế làng xã và đặc biệt là rất nhiều sắc phong, sắc chỉ, chế phong... ban tặng cho các nhân vật lịch sử, các vị thiên thần, nhân thần nổi bật trong đời sống làng xã. Tất cả đã thể hiện rõ nét những dấu ấn đặc trưng riêng có trong lịch sử hình thành và phát triển của mỗi một làng quê xứ Quảng.
Giải mã lịch sử văn hóa làng xứ Quảng
Tài liệu thu thập được từ các làng xã Quảng Nam hồi đầu thế kỷ 20 có thể chưa đầy đủ nhưng đối với một vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai địch họa, gây nên nhiều biến động, tổn thất nặng nề thì đây là di sản được bảo lưu đầy đủ, đáng tin nhất. Vì vậy mà vấn đề đặt ra cho chúng tôi khi tiếp cận, xử lý bộ tài liệu quan trọng này là muốn có sự kiểm tra đối chứng tại chính ngôi làng đó để thấy được sự trùng khớp, có thể bổ sung nhau cho mỗi một làng xã sau hơn trăm năm. Qua khảo sát, những tài liệu khác hiện có tại làng sẽ thiết thực bổ sung cho danh mục này để làm rõ hơn những giá trị đặc trưng của văn hóa làng xã xứ Quảng. Đặc biệt, trong trường hợp xấu nhất có thể, do thiên tai địch họa mà di sản Hán Nôm làng xã bị mai một, thất tán thì đây sẽ là sự bổ sung trở lại một cách thiết thực, theo phương thức “hồi hương di sản”.
Từ sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu đồng nghiệp tại Hội An, qua đối chiếu bước đầu, chúng tôi nhận thấy bộ tài liệu làng Thanh Hà từ kho lưu trữ này có thể thiết thực bổ sung cho danh mục di sản Hán Nôm hiện có tại làng và trong trường hợp thực sự bị mai một, đây là cơ sở tái hiện chính xác, đầy đủ và tin cậy nhất. Nổi bật trong di sản Hán Nôm làng Thanh Hà là nhiều sắc phong thần Cá Ông (Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân, 4 sắc phong, từ thời Minh Mạng tới thời Tự Đức), thần Thành Hoàng (4 sắc phong, từ thời Minh Mạng tới thời Tự Đức), Đại Càn Nam Hải Tứ vị (4 sắc phong, từ thời Tự Đức đến thời Duy Tân), thần Bạch Mã (5 sắc phong, từ thời Minh Mạng đến thời Duy Tân), Tứ Dương Thành phủ quân (3 sắc phong, từ thời Tự Đức đến thời Duy Tân), cùng nhiều sắc phong thần Ngũ Hành tiên nương, thần Thủy Long, Quan thánh đế quân, Bà Chúa Ngọc.
Đặc biệt là sắc phong, chế phong triều Nguyễn ban tặng cho các ngài Nguyễn Viết Tường, Nguyễn Văn Tảo, ngài Võ Đình Chính, Nguyễn Văn Thắng, Bùi Phúc Chu, Bùi Văn Biều, Nguyễn Thị Giàu, Bùi Phúc Ứng, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Yến, Văn Thị Tần, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Hiển, Võ Văn Hòa.
Việc phiên âm dịch chú di sản Hán Nôm đồ sộ này sẽ góp phần giải mã, khẳng định nhiều giá trị lịch sử văn hóa về làng quê xứ Quảng. Trong trường hợp “hồi hương” di sản này trở về quê hương bản quán, sẽ kịp thời bổ sung, thiết thực phục hồi nhiều di sản văn hóa độc đáo đã bị mai một. Chúng tôi mong muốn công bố tên làng xã kèm danh mục tài liệu, xác định địa chỉ cụ thể trong địa giới hành chính xã huyện hiện nay để có thể cung cấp trở lại cho bà con nếu có nhu cầu, thì câu chuyện hồi hương di sản sẽ càng bội phần ý nghĩa.