Thúc đẩy quy hoạch Mỹ Sơn

KHÁNH LINH 25/03/2020 05:59

Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn, giai đoạn 2008 - 2020 (Quyết định 1915/QĐ-TTg) gần kết thúc. Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng nhiều hạng mục vẫn còn dang dở. Nhằm có cơ sở pháp lý trong bảo tồn phát huy giá trị di sản, việc phê duyệt quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết.   

Quy hoạch Mỹ Sơn giai đoạn tiếp theo sớm được thực hiện sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuận lợi hơn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quy hoạch Mỹ Sơn giai đoạn tiếp theo sớm được thực hiện sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuận lợi hơn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hồi sinh Mỹ Sơn

Qua 12 năm thực hiện, nhiều hạng mục của dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020 đã hoàn thành. Rõ nét nhất là việc cải tạo, đầu tư hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình quản lý, dịch vụ; trồng rừng, cải tạo cảnh quan...

Đặc biệt, công tác phối hợp xúc tiến, kêu gọi hỗ trợ bảo tồn, trùng tu di tích đạt kết quả khá tốt. Nổi bật là các dự án hợp tác 3 bên UNESCO - Việt Nam - Ý; dự án bảo tồn tôn tạo di sản văn hóa Việt Nam - Ấn Độ; ký kết hợp tác dịch thuật văn bia với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa New Delhi - Ấn Độ; phối hợp với Viện Sinh thái và bảo vệ công trình thực hiện và ứng dụng đề tài “Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn”…

Qua đó, đã phục hồi, định hình nguyên trạng tháp G, trùng tu khu tháp K, gia cố chống đỡ khu tháp H, đào tạo nghề bảo tồn, trùng tu di tích Chăm; bóc tách, phát lộ, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị...

Cùng với đó, việc đổi mới, nâng cao các dịch vụ du lịch tại khu di tích cũng được triển khai rộng rãi như sưu tầm, trưng bày các hiện vật có giá trị, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Chăm; trung chuyển xe điện; ghi hình vé tham quan… góp phần thu hút khách và doanh thu tăng theo từng năm.

Dù vậy, quá trình triển khai dự án cũng còn những hạn chế, vướng mắc. Tồn tại dai dẳng là nhóm tháp F vẫn chưa được trùng tu, các tháp B3, B5, E4, F2… chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả; việc cắm mốc phân giới rừng vẫn chưa hoàn thành.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, dù dự án đã bước vào giai đoạn II từ năm 2015 nhưng đến nay một số hạng mục vẫn chưa được thực hiện do vướng nguồn kinh phí, hỗ trợ, do đó việc bổ sung điều chỉnh quy hoạch Mỹ Sơn giai đoạn tiếp theo hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý, đẩy mạnh các chương trình hành động ưu tiên mà dự án giai đoạn trước còn dang dở.

Chờ quy hoạch mới

Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.12.2008 bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn giới hạn bằng các đỉnh núi bao quanh thung lũng, tổng diện tích phạm vi đề xuất nghiên cứu quy hoạch là 1.158ha, tổng nguồn vốn 282 tỷ đồng.

Ngoài quy hoạch sử dụng đất, nội dung dự án cũng tập trung vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích như rà phá bom mìn, vật liệu nổ, xử lý chất độc hóa học; nghiên cứu điều kiện tự nhiên, vật liệu xây dựng…

Ông Phan Hộ thừa nhận, so với yêu cầu đặt ra, một số phần việc vẫn chưa thực hiện được nên phải điều chỉnh dự án giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, trước khi lập dự án quy hoạch mới, Ban quản lý phải báo cáo đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch Mỹ Sơn giai đoạn đã qua về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, sự cần thiết phải lập quy hoạch mới… đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Hiện tại, đơn vị đã nhờ Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) tư vấn lập hồ sơ báo cáo đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020, sau đó mới có thể làm quy hoạch tiếp theo giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2040.

“Việc chậm trễ quy hoạch khiến phát triển Mỹ Sơn gặp trở ngại, nhất là các hạng mục về xây dựng hạ tầng, dịch vụ… do chưa có quy hoạch không thể thực hiện được” - ông Hộ chia sẻ.

Theo KTS.Đặng Khánh Ngọc – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, việc lập hồ sơ đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch dự án sẽ phải hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, ngoài kết quả thực tế thì việc lập hồ sơ báo cáo cũng phụ thuộc các luật định, văn bản như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư… và các phần việc, thành phần liên quan khác như kinh phí đầu tư của nước ngoài, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đường sá, trồng rừng, cải tạo cảnh quan…, trong khi những số liệu này phải lấy từ nhiều nguồn, nhiều nơi do đó việc chậm trễ hồ sơ báo cáo là khó tránh khỏi.

KHÁNH LINH