Tập thơ xướng họa Ngũ Hành Sơn

NGUYỄN DỊ CỔ 14/03/2020 21:19

Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập là tập thơ của nhóm thi nhân cùng xướng họa với nhau khi đi chơi núi. Đây là một hiện tượng thi tập đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Song, nó ít được nhắc đến, và bị rơi vào số phận “sách bị mối xông một số chỗ”.

Trang đầu tiên văn bản Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập.
Trang đầu tiên văn bản Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập.

Cơ duyên tiếp cận

Năm 2005, khi thực hiện việc đọc sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm theo chương trình học bổng Havard-Yenching, tôi có điều kiện tìm hiểu về các thư tịch liên quan đất Quảng. Thông qua bộ Thư mục đề yếu Di sản Hán Nôm Việt Nam do Trần Nghĩa - Francois đồng chủ biên (Nxb KHXH, 1993), tôi đã phát hiện tập thơ xướng họa này. Mặc dù với trình độ giải mã văn bản Hán Nôm khi ấy còn hạn chế, cộng thêm văn bản chữ thảo rất khó đọc, nhưng nhận thấy đây là một văn bản có giá trị về đất Quảng, nên tôi đã xin photo một bản.

Trong bài viết Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn đăng trên Báo Quảng Nam ngày 30.7.2016, tôi đã đề cập và trích dẫn tác phẩm Du Ngũ Hành Sơn. Đến quý III/2017, tác giả Nguyễn Công Thuần xuất bản Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn (Nxb Đà Nẵng) có phần phụ lục là Du Ngũ Hành Sơn. Trước đó, ít nhất bắt đầu từ năm 2010, nhóm tác giả bộ Tổng tập thơ văn Chí Đình Nguyễn Văn Lý (Nxb KHXH, 12.2015) cũng đã xử lý văn bản, phiên dịch hơn 10 chùm thơ trong Du Ngũ Hành Sơn.

Lai lịch tác phẩm

Du Ngũ Hành Sơn hiện được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2505, một bản viết tay, 16 trang, khổ 28 x 16cm, gồm 44 bài thơ xướng họa của 3 tác giả: Minh Trọng, Nguyễn Chí Đình (Nguyễn Văn Lý) và Chu Thần (Cao Bá Quát) khi cùng nhau đi chơi núi Ngũ Hành ở Quảng Nam.

Theo nhóm tác giả bộ Tổng tập thơ văn Chí Đình Nguyễn Văn Lý, “tập thơ này được làm trong thời gian Nguyễn Văn Lý từ Bình Định được triệu về kinh đô Huế phục chức năm 1846. Nguyễn Văn Lý có ghé thăm Tuần phủ Quảng Ngãi là Ngụy Thiện Phủ và mượn thuyền đi chơi Ngũ Hành Sơn”. Cuộc đi chơi gồm 3 người Nguyễn Văn Lý, Cao Bá Quát và Minh Trọng. Ba người này đã làm thơ xướng họa về Ngũ Hành Sơn, tạo thành “một tập thơ riêng biệt, kết cấu hoàn chỉnh, có lời bình; mỗi chùm xướng họa đều có đủ 3 bài” của 3 người. Đồng thời, nhận định “thơ hay, được viết theo lối chữ thảo, đạt tiêu chuẩn cao về mặt thư pháp; về văn bản, tập thơ không có điều gì nghi ngại, đáng tin cậy”.

Nguyễn Văn Lý (1795 - 1869), tên tự là Chí Am, tự Tuần Phủ, hiệu Chí Hiên và Đông Khê, người Hà Nội. Ông đậu Tiến sĩ khoa Minh Mạng năm thứ 3 (1822), được bổ Hàn lâm Biên tu, thăng Đốc học Hưng Yên. Năm 1865 xin cáo Đốc học về nhà dạy học, học trò nhiều người thành đạt như Hoàng Tướng Hiệp, Nguyễn Trọng Hợp. Ông có một số bài thơ liên quan đến đất Quảng như Quá Hải Vân quan, Quảng Nam đạo trung.

Cao Bá Quát (1809 - 1854), tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên (người Bắc Ninh). Ông nổi tiếng với tôn xưng “Thánh Quát” và “tội đồ” dùng muội đèn chữa cho những quyển bài thi phạm húy, bị phái đi “hiệu lực” ở Indonesia và Campuchia. Khi đi “hiệu lực” ngang qua địa phận đất Quảng, ông đã để lại vài bài thơ Châu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử (Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gửi lời từ biệt các học trò), Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm (Ở viện hơn một tháng, được tin lại phải phát phối đi Đà Nẵng, đêm ấy cùng ông Vũ Hoài Phủ uống rượu thực say).

Minh Trọng hiện nay chưa rõ tiểu sử, chỉ biết rằng trong thơ văn của Cao Bá Quát hay nhắc đến nhân vật này, có tên đầy đủ là Bùi Minh Trọng.

Bóng thơ Ngũ Hành

Mặc dù tập thơ không cho biết thời lượng bao lâu để 3 thi nhân này du lãm khắp Ngũ Hành Sơn, nhưng những bài thơ xướng họa lưu lại cho thấy gần như toàn bộ các di tích ở danh thắng này đã trở thành bóng thơ của 3 thi nhân. Đó là Ứng Chân tự, Thiên Trúc tự, Tam Thai tự, động Thiên Phúc địa hành cung, Huyền Không động, Tàng Chơn động, Vọng Hải đài, Vọng Giang đài…

Ba người này mượn “Thuyền khách đi ven theo bờ/ Buồm mượn sức gió đưa thuyền lướt nhẹ” nên trước hết là hình ảnh mây trời, sóng nước: “Trên không, trời rực đỏ/ Thấu đáy biển trong xanh” (những câu thơ trích trong bài đều của Băng Thanh dịch). Đó là hình ảnh “tiên xướng” của Minh Trọng, và lần lượt các hình ảnh họa lại: “Nước ngậm bóng mây xanh” của Chí Đình, “Trời ở Trà Sơn sáng/ Sông Điện cùng trong xanh” của Chu Thần.

Cả ba thi nhân đều nhận định “Kỳ quan sơn Ngũ Hành” là “ngọn núi, ngờ như trồi lên từ biển”, “Núi Ngũ Hành, bầu trời thấp, như nuốt mặt trăng, mặt trời”. Hình ảnh càng chi tiết hơn qua những câu thơ: “Ẩn trong lớp lớp bậc đá là cửa hang đá/ Một ngọn núi, phong cảnh chia ra nửa ngọn núi/ Ngòi nước ở đài phía đông rót vào ngòi nước đài phía tây/ Mây ở núi Cây che trùm mây núi Lửa/ Hoa ở hang Trăng rạng rỡ, ở hang Rồng xem thấy/ Chuông sớm ở Tàng Chơn thì nghe được ở Ứng Chân”…

Với bản tính “vốn sẵn thú ham chơi núi đã thành mê nghiện”, cộng thêm “cảnh sắc núi Ngũ Hành tràn ngập sự khéo léo của tạo hóa” là cõi “Tiên động”, “nào chốn Thiên Thai trước mắt mình”, thậm chí có lúc khiến cho tác giả cảm giác “chẳng biết ai là tiên trong động này”, là xứ “thiền môn”, “Bồng Lai”, là sự dung hợp thế giới “hoa Tiên, liễu Phật”… đã làm cho Cao Bá Quát ít nhất hai lần viếng thăm Ngũ Hành Sơn.

Bóng thơ Ngũ Hành càng trở nên ảo hóa qua hơi men của ba thi nhân. Phần lớn các bài thơ thường có chữ “tửu” chữ “túy” hay các hình ảnh, nhân vật, điển cố gắn với rượu thể hiện ở tiêu đề bài thơ hoặc trong câu thơ: “chu trung túy thư”, “túy trung”, “ba đấu rượu Nhữ Dương”, “ba bình rượu”, “ẩm tửu”, “uống thả sức”, “một hồ rượu say la đà”, “lại rất mừng vì cùng nâng chén trong cảnh phong lưu”…

Tao nhân - thắng cảnh - mỹ tửu là bộ ba làm cho Ngũ Hành Sơn vừa thực vừa ảo, không rõ đâu cõi Tiên Phật đâu cõi trần tục. Điều đó làm nên giá trị đặc sắc của Du Ngũ Hành Sơn.

NGUYỄN DỊ CỔ