Nhà văn xứ Thanh với đất Quảng
Trong số những nhà văn, nhà thơ có tác phẩm viết về Quảng Nam và để lại ấn tượng sâu sắc, có 3 người quê Thanh Hóa là Nguyễn Bảo, Từ Nguyên Tĩnh và Đỗ Viết Nghiệm. Họ đã đến, sống, chiến đấu và viết về xứ Quảng, cho xứ Quảng, không chỉ vì tình cờ mà còn vì nghĩa tình sâu đậm giữa hai vùng đất...
Quà tặng xứ Quảng
Đọc tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn” của Từ Nguyên Tĩnh, nhiều người cứ nghĩ nhà văn người Thanh Hóa này nếu không phải là chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn thì chí ít cũng từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Nhưng thực ra, ông có mặt lần đầu ở Quảng Nam vào năm 1985. Năm ấy, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức một trại sáng tác văn học. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (lúc bấy giờ là phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa) đăng ký dự trại, với ý định sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn của Thanh Hóa từng chiến đấu, hy sinh trên đất Quảng anh hùng.
Hai tháng dự trại, trong khi ai nấy đều cặm cụi viết, ông phải lặn lội đến hầu khắp các huyện, thị trong tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lên tận Đà Lạt, vào đến Đồng Nai để tìm tư liệu và gặp gỡ nhân chứng... Lúc bế mạc trại, ông chỉ có vài cái truyện ngắn để nộp, còn tiểu thuyết thì đành khất lại. “Mình là lính, nhưng không tham gia chiến đấu ở Quảng Nam nên chẳng có chút trải nghiệm nào về cuộc chiến đấu ở vùng đất này, thành ra khó mà viết được ngay chỉ sau 2 tháng đi tìm tư liệu” - nhà văn Từ Nguyên Tĩnh giãi bày.
Đem “món nợ” văn chương trở về, nhưng vì công việc cứ cuốn đi nên mãi đến cuối năm 2005, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh mới có điều kiện quay trở lại Quảng Nam, tiếp tục đi tìm tư liệu sáng tác. Đến năm 2008 - đúng 23 năm sau chuyến đi thực tế đầu tiên, tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn” ra đời. Ông kể: “Từng in 13 đầu sách, nhưng chưa bao giờ tôi xúc động đến rơi nước mắt như khi cuốn tiểu thuyết này được in xong. Tôi thật sự kính phục cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ và bao nghĩa tình sâu đậm của nhân dân xứ Quảng. Và cuốn tiểu thuyết ấy chính là món quà tôi dâng tặng đất này”. Có lẽ, vì tình cảm ấy mà từ ý định ban đầu là viết về Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, ông đã mở rộng biên độ cho “Truyền thuyết sông Thu Bồn” khi mô tả không chỉ về các chiến sĩ đặc công Lam Sơn mà còn nói về những hy sinh, mất mát của người dân xứ Quảng. Và có lẽ cũng vì thế mà “Truyền thuyết sông Thu Bồn” đã vượt ra khỏi giới hạn của một tiểu thuyết tư liệu để trở thành một tiểu thuyết mang tầm sử thi...
Gắn bó và tri ân
“May mắn” hơn nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, 2 nhà văn Nguyễn Bảo và Đỗ Viết Nghiệm đều từng sống, chiến đấu ở Quảng Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Đỗ Viết Nghiệm vào chiến trường Khu V năm 1969. Theo chân đơn vị chiến đấu ở nhiều vùng đất khác nhau, nhưng nơi ông lưu lại nhiều hơn cả là chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà. Ở đó, ông và đồng đội đã cùng chia sẻ và chứng kiến sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, những hy sinh, mất mát, để qua đó nhìn thấy rõ hơn phẩm chất của con người. Sau chiến tranh, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm nhiều lần về thăm Quảng Nam, và lần nào ông cũng tìm về những vùng đất nơi đơn vị từng đóng quân...
Trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, ông xúc động bộc bạch: “Có ngắm nhìn và suy ngẫm về cuộc sống hôm nay mới hiểu hết được giá trị của sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Và chính mảnh đất Quảng Nam này đã cho tôi thấy rõ hơn điều ấy”. Trong số 3 tập truyện ngắn và 2 tập tiểu thuyết đã xuất bản, “Đường đen nước đỏ” là tiểu thuyết được Đỗ Viết Nghiệm dành nhiều trang viết về xứ Quảng, và ông bảo đấy chính là sự tri ân của mình đối với mảnh đất này... Việc mở cửa xuống đồng bằng, tổ chức lực lượng vận tải xuyên qua hệ thống đồn bốt của đối phương để đem lương thực, đạn dược lên chiến khu, phục vụ chiến trường... được mô tả trong tiểu thuyết này không chỉ là câu chuyện về sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng hậu cần trong chiến tranh mà còn là câu chuyện về sự hy sinh, cưu mang của người dân, trong đó có người dân Quảng Nam, Đà Nẵng anh hùng...
Với Nguyễn Bảo, trong hơn 40 năm quân ngũ thì anh có 7 năm liền gắn bó với đất Quảng. Vào chiến trường năm 1971, Nguyễn Bảo thường xuyên theo chân các đoàn quân đi chiến dịch, có mặt trong hầu hết trận đánh lớn ở Quảng Nam, Quảng Đà, với tư cách là phóng viên chiến trường. Sau năm 1975, ông làm trợ lý tại Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu V, và lại được theo chân các nhà văn về các miền quê Quảng Nam tìm tư liệu sáng tác. Ông tâm sự: “Gắn bó nhiều năm liền, được sống với anh em du kích, được nhân dân đùm bọc, cưu mang... nên Quảng Nam với tôi trở thành máu thịt. Tôi tự hứa, tự dặn mình, nếu viết được thì phải viết gì đó về xứ Quảng”.
Sau khi về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Bảo đã nhiều lần quay lại xứ Quảng, thăm thú những nơi mình từng đi qua và đặc biệt, ông đã giữ đúng lời hứa với lòng mình. Năm 1989, ông công bố tiểu thuyết “Giám định của đất” - viết về anh hùng lao động Lưu Ban. Trong các tập sách xuất bản sau đó, như “Khoảng sáng không mất”, “Người cùng sư đoàn”, “Những người sẽ vào thành phố”..., hình ảnh về vùng đất, con người người Quảng Nam tiếp tục được ông tái hiện ở các cấp độ khác nhau. Đặc biệt, trong 2 tập tiểu thuyết đồ sộ là “Thượng Đức” (2005) và “Đỉnh máu” (2013), ông đã mô tả trực diện, chân thực và sống động cuộc chiến đấu ngoan cường, khốc liệt trên đất Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.