Đi tìm bí ẩn mặt nạ gỗ

TẤN VỊNH 15/02/2020 10:04

Các dân tộc sinh sống ở Tây Bắc, Tây Nguyên và đại ngàn Trường Sơn có nghệ thuật điêu khắc gỗ rất độc đáo. Tác phẩm điêu khắc gỗ trang trí nhà ở, nhà làng, nhà mồ, cổng làng... mang tính nghệ thuật cao và gắn với đời sống tâm linh của đồng bào. Nếu như các tác phẩm điêu khắc khác để trang trí làm đẹp cho công trình thì chiếc mặt nạ gắn với cơ thể, gương mặt của con người, là phục sức mang đậm dấu ấn nguyên thủy.

Mặt nạ gỗ trong lễ hội dân tộc Dao Tuyển.
Mặt nạ gỗ trong lễ hội dân tộc Dao Tuyển.

Mặt nạ của người Dao

Mặt nạ là vật gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Dao. Nó thể hiện sức mạnh huyền bí, có thể xua đuổi tà ma ác xấu, đem lại sự bình yên cho mọi nhà.

Mặt nạ gỗ của người Dao Tuyển, Dao Họ được làm từ gỗ cây sung hoặc cây thố. Loại gỗ này mềm nên dễ tạo hình và nhẹ nên không làm người sử dụng bị vướng và mỏi khi đeo lên mặt trong thời gian dài. Người ta khoét rỗng bên trong mỏng khoảng 1cm để úp vào mặt rồi mới đục mắt mũi, miệng và dán râu dê lên trán, đầy khắp khuôn mặt, phía trên đỉnh đầu có cái sừng nhọn.

Để tạo hình mặt nạ, người chế tác sử dụng kỹ thuật đục, đẽo, làm bóng gỗ… tạo cho chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống một vị thánh thần như trong sách cổ người Dao đã ghi chép.

Những bộ phận chính trên mặt nạ như: mắt, mũi, miệng và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm... được cách điệu với đường nét tạo hình hết sức hoang sơ. Mặt nạ thường được dùng trong các nghi lễ cấp sắc của người Dao. Mặt nạ còn là đạo cụ để múa nhảy trong lễ hội.

Thầy cúng đeo mặt nạ, phía sau đầu buộc ảnh ông thần Sán Cô. Thầy cúng vừa đeo mặt nạ, vừa đi vừa múa các động tác mang tính chất phồn thực, trêu ghẹo các cô gái, đàn ông…

Mặt nạ các dân tộc Tây Nguyên

Các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng... ở Bắc Tây Nguyên thường bôi phẩm màu, đeo mặt nạ để hóa trang trong lễ hội. Các chàng trai đeo mặt nạ để nhảy múa, diễn trò. Nó được làm bằng một loại gỗ mềm và nhẹ, thể hiện những bộ mặt kỳ dị, quái đản.

Bên cạnh bộ trang phục truyền thống, trong lễ hội cộng đồng thường xuất hiện vài người với bộ y phục khác lạ, ngộ nghĩnh. Đó là những người đeo mặt nạ, mặc áo lá chuối khô, hòa lẫn trong nhóm biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa rối, múa trống, múa chiêng...

Họ sắm vai hề, diễn trò, làm cho không khí ngày hội sôi nổi hẳn lên. Với bộ trang phục này họ được hóa trang trở thành người rừng thời viễn cổ. Động tác biểu diễn của những người đeo mặt nạ luôn cuốn hút người xem bằng những cử chỉ bất ngờ, vui nhộn.

Các nghệ nhân dân tộc Ba Na đeo mặt nạ gỗ trong lễ hội đường phố.
Các nghệ nhân dân tộc Ba Na đeo mặt nạ gỗ trong lễ hội đường phố.

Đặc biệt, trong lễ bỏ mả, những người mang mặt nạ vừa đánh chiêng vừa nhảy múa xung quanh nhà mồ. Mặt nạ trong lễ đâm trâu khác với mặt nạ trong lễ bỏ mả. Lễ hội bỏ mả của người Ba Na luôn có những con rối (brim, bram) được làm bằng lá chuối khô phủ khắp người đeo mặt nạ, dáng đi khệ nệ.

Trước đây, đồng bào thường bôi phẩm màu lên da mặt người để hóa trang trong lễ hội, về sau cách thức trang điểm này ít thấy xuất hiện mà thay vào đó là những chiếc mặt nạ bằng gỗ.

Mặt nạ gỗ dân tộc Cơ Tu

Người Cơ Tu ở núi rừng Trường Sơn sử dụng mặt nạ phổ biến hơn các tộc người khác. Họ chạm trổ những chiếc mặt nạ từ một đoạn cây gỗ có chiều rộng từ 20 - 25cm, chiều dài từ 30 - 35cm. Các nghệ nhân lão luyện, thợ điêu khắc tài giỏi nhất mới làm được mặt nạ. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, một đường cong trên má, đủ để thể hiện được tính cách của chiếc mặt nạ hung dữ hay hiền lành.

Nghệ thuật làm mặt nạ của người Cơ Tu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài nghệ gọt đẽo và sử dụng sắc màu để tạo nên một chiếc mặt nạ hoàn hảo. Màu trắng, đỏ, đen là những màu chính thường dùng trong hội họa truyền thống của tộc người và cũng là sắc màu cơ bản thể hiện trên mặt nạ.

Có thể chia mặt nạ gỗ người Cơ Tu thành hai dạng hình cơ bản: loại dữ ác và loại hiền lành. Mặt nạ thể hiện tính cách hung dữ thì thoạt nhìn đã toát lên nỗi lo sợ, khiếp đảm cho người xem. Trước đây, loại mặt nạ này được các chiến binh dùng trong các cuộc chiến đấu với kẻ thù.

Đối lập với mặt nạ dữ là dạng mặt nạ hiền. Khi nhìn loại mặt nạ này ta thấy hiện rõ nét thân thiện, gần gũi. Để tạo ra khuôn mặt hiền, người ta không tô vẽ nhiều màu sắc mà đục đẽo một cách chân phương, mềm mại. Nó ánh lên nét nhân từ, tươi vui, gần gũi, là hiện thân của những gương mặt tích cực, mang lại niềm thương yêu, tin cậy cho đồng bào như già làng nhân từ, tốt bụng, thanh niên đứng đắn, giỏi giang.

*
*            *

Mặt nạ gỗ được xem là một vật phẩm liên quan đến thần linh, được  sử dụng trong các lễ hội có liên quan đến thần linh. Ngày nay, mặt nạ gỗ trở thành hiện vật dân tộc học mà người chơi cổ vật thích được sở hữu trong bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, mặt nạ gỗ của các dân tộc ít tìm thấy được, chỉ còn rải rác ở một số ở thôn bản vùng cao.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Kon Tum, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lào Cai... đã sưu tầm, lưu giữ và trưng bày nhiều mặt nạ gỗ xưa cổ, giới thiệu nét độc đáo trong di sản văn hóa các tộc người vùng Trường Sơn, Tây Nguyên và Tây Bắc.

TẤN VỊNH