Vài câu đối lưu lạc trong dân gian xứ Quảng

HUỲNH NGỌC CHIẾN 09/02/2020 06:49

Một đôi lần, có người nhờ tôi đọc hộ mấy câu đối ở từ đường, nhà thờ tổ... còn lưu lại trong tộc họ ở Quảng Nam, từ cái thời mà Hán học còn in dấu vàng son lên sinh hoạt dân gian. Thông thường thì những câu đối trong dân gian đó mang nội dung khuôn sáo na ná như nhau, nhưng thỉnh thoảng có một vài câu đối làm tôi không khỏi ngạc nhiên về sự uyên bác trong câu chữ và tài hoa trong phong cách.

Câu đối “Cầm triệt Lam giang bình nộ lãng. Đạc tuyên quế hải kích thư trào “.
Câu đối “Cầm triệt Lam giang bình nộ lãng. Đạc tuyên quế hải kích thư trào “.

1. Có một lần tôi về chơi ở làng quê Thanh Quýt, đến thăm nhà cũ của một người bạn. Người bạn nguyên gốc Điện Bàn này chỉ biết rằng ông cố mình từng thi đậu dưới thời vua Thành Thái, làm quan ở Nghệ An một thời gian, rồi cáo quan về hưu ở Điện Bàn. Khi về quê hưu trí thì có giúp việc cho quan Tri huyện Quế Sơn theo lời mời của ông này. Cũng như bao gia đình thuộc dòng dõi khoa bảng ngày trước, trong nhà tổ của bạn tôi còn lưu lại một số câu đối. Rất tiếc do không được bảo quản nên nhiều câu bị hư hỏng và biến thành củi để cung cấp lửa cho những nồi bánh chưng ngày tết ở vùng quê! 

Ba chữ Hiếu liêm đường (孝 廉 堂 - gian nhà của sự hiếu kính và liêm khiết) còn mới và không bị hỏng theo thời gian nhờ treo cao trên tận nóc nhà, làm tôi ngỡ như mình đang bước vào lại cái thế giới vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Tôi còn tìm thấy vài ba câu đối khác còn nguyên vẹn, dù nhiều chữ đã nhòe.

Câu “Quân tử lập thân nhật đầu phụ mẫu. Đại phu trí sự tự lạc điền viên” (君 子 立 身 日 頭 父 母 。大 夫 致 事 自 樂 田 園 - Bậc quân tử lập thân, xem cha mẹ như mặt trời chiếu sáng trên đầu. Quan đại phu về hưu, tự vui với cảnh điền viên); với phần lạc khoản ghi “Bản tộc đồng hạ” (本 族 仝 賀) cho ta biết đây là câu đối toàn gia tộc chúc mừng ông cố người bạn tôi khi về hưu. Nội dung câu đối không có gì xuất sắc nhưng cho ta thấy được đạo lý của người xưa, nhất là những gia đình thuộc nòi thi lễ. Về hưu để an nhàn đọc sách và vui cảnh điền viên là điều tuyệt vời để di dưỡng tinh thần của những nhà Nho từ bỏ quan trường, nhưng thú vui tao nhã đó không phải là thứ dành cho những người bước vào hoạn lộ bằng kim ngân cùng cái lưng khom và cái đầu gối khuỵu.  

Một câu đối khác cũng khá hay. “Thiên hướng quất lâm đàm huệ vũ. Địa hoàn quế lĩnh chiếm xuân phong” (天 向 橘 林 覃 惠 雨 。地 寰 桂 嶺 佔 春 風 - Trời hướng về rừng quít để rải trận mưa lành. Nơi mặt đất, đỉnh núi quế dành trọn những ngọn gió xuân). Nội dung câu đối theo nghĩa đen nói đến phong cảnh yên bình đẹp đẽ hay cảnh tượng mưa thuận gió hòa, hoặc theo nghĩa bóng là nói đến sự nhân từ của người cai trị đối với dân chúng địa phương. Có lẽ “quất lâm” (rừng quít) có liên quan đến Thanh Quýt, và quế lĩnh (đỉnh núi Quế) hẳn dùng để chỉ Quế Sơn. Phần lạc khoản ghi “Hàn lâm viện biên tu lĩnh Quế Sơn huyện Tri huyện Trần Bá Nhu trang hạ” (翰 林 院 編 修 領 桂 山 縣 知 縣 陳 伯 燸 莊 賀 - Trần Bá Nhu, chức Hàn lâm viện Biên tu nhậm chức Tri huyện Quế Sơn, trang trọng chúc mừng).  “Trang” cũng như “kính”, thể hiện sự trang trọng.

Hàn lâm viện Biên tu là chức quan chánh thất phẩm trong hệ thống văn giai triều Nguyễn, phụ trách việc biên tập, tu chỉnh sách vở tài liệu. Một trong những Hàn lâm viện Biên tu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Phan Huy Chú đã dâng bộ sách do mình soạn là Lịch triều hiến chương loại chí (49 quyển) vào năm 1821,  được vua Minh Mạng thưởng cho một cặp áo sa và 30 lạng bạc. Năm 1822, vua Minh Mạng quy định, trong các kỳ thi Hội, người nào đỗ Hoàng giáp sẽ được trao chức Hàn lâm viện Tu soạn, đỗ Tiến sĩ được trao chức Hàn lâm viện Biên tu. Khi vua Tự Đức trị vì đã có quy định đầy đủ hơn: ai đỗ Cử nhân thì được bổ chức Hàn lâm viện Điển bạ, ai đỗ Phó bảng bổ nhiệm làm Hàn lâm viện Kiểm thảo, ai đỗ Tiến sĩ được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu. Như vậy quan Tri huyện Quế Sơn Trần Bá Nhu đã đỗ tiến sĩ, nhưng lại không thấy tư liệu nào nhắc đến, và không rõ quê quán ông ở đâu.

2. Có một câu đối gây cho tôi ấn tượng rất sâu đậm, dù nét chữ đã khá mờ. Câu đối như vầy: “Cầm triệt Lam giang bình nộ lãng. Đạc tuyên quế hải kích thư trào” (琴 徹 藍 江 平 怒 浪 。鐸 宣 桂 海 激 紓 潮 - Tiếng đàn trải dài suốt trên sông Lam, làm lặng yên những cơn sóng cuồng nộ. Tiếng đạc vang vọng về phương Nam làm dậy dòng nước yên tĩnh). Phần lạc khoản ghi “Duy Tân bát niên thu” (維 新 八 年 秋), có nghĩa là “Mùa thu năm Duy Tân thứ tám”; và “Hà Tĩnh án sát sứ Mai Đình Nguyễn Tất Đễ trang tặng” (河 靜 案 察 使 梅 亭 阮 必 悌 莊 贈), có nghĩa là “Quan án sát Hà Tĩnh là Nguyễn Tất Đễ, hiệu Mai Đình, kính tặng”. Vua Duy Tân lên ngôi năm 1907, vậy câu đối này được viết vào mùa Thu năm 1915, là năm diễn ra khoa thi phong kiến cuối cùng nơi đất Bắc.

“Quế hải” không phải là địa danh của xứ Quảng, hoặc của một vùng biển nào của nước Việt Nam, mà đây chỉ là cách diễn đạt mang tính hàn lâm theo điển cố Trung Quốc. Ngày trước, ở vùng biển Đông, tức Nam hải theo cách gọi của người Trung Quốc thời trước, có nhiều nơi trồng quế nên họ gọi là Nam hải là “Quế hải”.  Các bậc túc học người Trung Quốc và người Việt dùng từ “Quế hải” để chỉ vùng biên viễn ở phương Nam. Do đó, “Quế hải” trong câu này được dùng như một từ phiếm chỉ để nói về Quảng Nam, vì đất Quảng Nam được coi như là miền biên viễn, là đất “trọng trấn” của triều đình không chỉ dưới thời nhà Lê trong quá trình Nam tiến, mà cả dưới thời nhà Nguyễn, khi đất nước đã nối liền một dải từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Vế đầu gây cho tôi một ấn tượng rất sâu xa về phong vận tiêu sái của người được tặng lẫn người tặng. “Cầm triệt Lam giang bình nộ lãng”. Nghe giống như Hoàng Dược Sư trong truyện Kim Dung dùng tiếng tiêu trấn áp sóng biển trong trận đấu với tiếng đàn tranh của Âu Dương Phong. Lam giang, tức sông Lam, thì ai cũng biết. Làm quan ở Nghệ An để quay về Quảng Nam trí sĩ, mang cây đàn qua sông Lam, mà “Cầm triệt Lam giang bình nộ lãng” thì quá tuyệt. Giả dụ người được tặng không phải là người biết chơi đàn đi chăng nữa thì câu đối vẫn vẽ nên được phong vận tao nhã của một người từ quan trí sĩ ở giai đoạn Nho học suy tàn.

Vế sau, “Đạc tuyên quế hải kích thư trào”. Đạc là một nhạc cụ cổ xưa của Trung Quốc, nó là cái chuông lớn, có hình dạng như một chiếc chũm chọe, hoặc cái chiêng nhưng có tay cầm và có lưỡi, có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Đụng vào lưỡi thì phát ra tiếng. Thời cổ, nó được sử dụng rất phổ biến ở Trung Quốc, từ thời Xuân Thu cho đến đời nhà Hán, để tuyên bố pháp lệnh về chính trị và giáo hóa. Chữ “trào” (潮) thường được đọc là “triều” để chỉ con nước như trong các từ “thủy triều”, “giang triều”... nhưng cũng được đọc là “trào” như trong các từ “phong trào”, “trào lưu”. Khi hiểu được “Quế hải” là phương Nam thì ta thấy “trào” ở đây có thể không còn giới hạn trong nghĩa con nước, mà có nghĩa là phong trào.

Tiếng đạc vang vọng về phương Nam đó rất có thể là muốn nhắc đến những phong trào yêu nước, vì lúc bấy giờ phong trào chống Pháp đang diễn ra mạnh mẽ ở Quảng Nam. Đến ngày 3.6.1916, một năm sau khi câu đối được tặng, tại phủ Tam Kỳ đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội do các nhà Nho yêu nước khởi xướng gây chấn động miền Trung, dù sau đó phong trào bị thất bại và các cụ Trần Huỳnh, Trần Tùng Vân, Trần Thu, Trần Khuê… đều bị Pháp xử tử. Cuộc khởi nghĩa dù không thành nhưng tấm lòng son của  những nhà Nho yêu nước đó mãi sáng soi cùng nhật nguyệt, đáng để đời sau kính ngưỡng. “Đạc tuyên quế hải kích thư trào” - biết bao hoài bão gửi gắm vào trong câu đối đó!

Còn bao nhiêu câu đối hay như vậy lưu lạc trong dân gian xứ Quảng? Rất tiếc chưa có một phương án nào giúp sưu tầm và phục hồi lại chúng để góp phần làm đẹp thêm gương mặt của mảnh đất “Ngũ phụng tề phi”.

HUỲNH NGỌC CHIẾN