Vàng Chămpa hơn ngàn năm trước

TRƯỜNG AN 07/02/2020 20:59

Trên vùng đất Quảng Nam, nhất là những nơi có các di tích đền tháp, đã phát hiện rất nhiều cổ vật thời Chămpa là đồ trang sức, trang trí, vật dụng quý bằng vàng, bạc được chế tác tinh xảo...

Hiện nay các nhà sưu tập tên tuổi trong cả nước, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh đã thu thập được rất nhiều cổ vật quý của nền văn hóa Chămpa. Bài viết xin giới thiệu những cổ vật Chămpa bằng vàng được chế tác tinh xảo có niên đại cách đây hơn ngàn năm đã được phát hiện và tìm thấy tại Quảng Nam...

Trang sức vàng chạm hình thần Surya.
Trang sức vàng chạm hình thần Surya.

Trang sức chạm hình thần Surya

Phát hiện tại phế tích Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, trang sức này được chế tác bằng vàng lá, tuổi vàng thấp, khá cứng; cắt thành hình bầu dục, chiều dài 10,8cm, chiều rộng 9,1cm.

Mặt trước gồm hai phần, có bố cục trang trí khá hài hòa. Phần trung tâm có gắn 5 viên đá quý. Viên chính giữa lớn nhất bằng đá mã não đỏ, được chạm cẩn thận trong khuôn nổi hình bầu dục, mặt trên viên đá nhẵn, phẳng có chạm hình thần nhân – linh vật trong tư thế trang nghiêm, huyền bí.

Quanh viên đá này có gắn bốn viên đá quý nằm trong những ô hình tròn hoặc hình vuông làm bằng vàng lá cắt uốn thành hình bông hoa bốn cánh ôm lấy viên đá.

Trên bề mặt viên đá dưới viên đá trung tâm có chạm hình một con chim đang ở tư thế đứng, đầu có mào ngả về phía sau, đuôi dựng, có thể là chim công.

Bao quanh là 16 đường dập nổi tỏa đều đến sát mép ngoài và cuối mỗi đường rãnh có một lỗ nhỏ, có thể để xỏ dây cột. Mặt phía sau có gắn một miếng vàng mỏng cuốn thành ống tròn.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu thì thần nhân và linh vật chạm khắc ở viên đá trung tâm là biểu tượng của vị thần mặt trời (Surya) đang điều khiển vật cưỡi là ngựa thần… Đây có thể là đồ trang sức được dùng để gắn trên mũ miện của các tượng thần của đạo Hindu, có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ 7 - 8.

Trang sức hình bình hoa bằng vàng.
Trang sức hình bình hoa bằng vàng.

Trang sức hình bình hoa

Món đồ này được tìm thấy tại phế tích Đồng Dương, huyện Thăng Bình, cao khoảng 7,8cm đến 8cm, được chế tác bằng kỹ thuật dập khuôn, gò hàn, khắc vạch, nạm gắn khá công phu.

Điều đặc biệt là lõi của nó bằng đất sét và bên ngoài được bọc vàng lá dát mỏng, tạo thành hình bông sen phía trên, hình bình hoa phía dưới. Hình bông sen có vành tròn gắn 2 hạt thủy tinh màu lam ở trên đài sen, phía dưới là hai lớp lá vàng cắt thành tám cánh hoa sen đính vào miệng bình hoa…

Bình hoa có miệng vuông, cổ ngắn, thân thấp, phình to ở phần dưới. Bốn chóp bình hoa dập nổi hình hoa mai bốn cánh. Chân đế loe và có lỗ để xâu dây cột ở bốn góc.

Cổ vật này là một sản phẩm trang trí bằng kim hoàn đặc sắc trong văn hóa Chămpa. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu đây là vật gắn trên chóp mũ miện của các tượng tôn giáo. Niên đại của cổ vật này vào khoảng thế kỷ 9 - 10.

Trang sức vàng hình các loại cánh hoa.
Trang sức vàng hình các loại cánh hoa.

Trang sức hình bông hoa

Đây là đồ trang sức bằng vàng được chế tác khá công phu, bằng nhiều phương pháp và công đoạn phức tạp như dập khuôn, gò – nạm, cắt hàn… Nó được tìm thấy tại phế tích Đồng Dương, huyện Thăng Bình, chiều dài khoảng 5,1cm, rộng 3,1cm và dày khoảng 1,5cm.

Hình bông hoa có nhụy được chạm nổi thành hình thoi, bên trong nạm hạt thủy tinh trong màu lam. Bông hoa có tám cánh tỏa ra tám hướng, cánh hoa hơi uốn cong và nổi u tròn ở phía đầu. Riêng hai cánh lớn dài có nạm hạt thủy tinh màu nho tím hoặc màu mận vàng.

Đồ trang sức này có thể được sử dụng để trang điểm trên mũ miện đội lên tượng các vị thần Chămpa. Niên đại của cổ vật vào khoảng thế kỷ thứ 9 - 10.

Khuyên tai hình chim công bằng vàng.
Khuyên tai hình chim công bằng vàng.

Khuyên tai hình chim công

Đồ trang sức có hình dáng giống chim công được chế tác bằng kỹ thuật dập khuôn gắn hàn, móc thanh, phát hiện tại phế tích Đồng Dương. Chiều cao toàn bộ khoảng 4,2cm, quai móc cao 1,4cm, thân rộng khoảng 2,2cm.

Thân tựa hình quả nhót, dưới nở, trên thu nhỏ, bên trong rỗng, mặt ngoài dập nổi tạo thành hình các bộ phận cổ, ngực, bụng chim ở mặt trước. Mặt sau dập hình bông hoa bốn cánh. Mặt dưới và hai bên dập hình hai cánh và đuôi chim.

Đầu và mỏ chim được làm riêng và được hàn dính vào thân. Trên đầu có gắn mào. Quai đeo là một móc vàng uốn cong một đầu, đầu còn lại được hàn vào mặt trong thân chim. Niên đại vào khoảng thế kỷ 9 - 10.

Dải yếm cổ bằng vàng.
Dải yếm cổ bằng vàng.

Dải yếm cổ bằng vàng

Được phát hiện tại phế tích Đồng Dương, đây là một lá vàng mỏng hình cánh cung, được chế tác bằng kỹ thuật dập khuôn, dát – nạm, hàn gắn… Kích thước mép ngoài là 13,3cm, mép trong là 8,3cm, nơi rộng nhất khoảng 4,5cm, hẹp nhất khoảng 1,8cm.

Hoa văn trên bề mặt dải yếm gồm ba lớp cánh hoa nổi nối tiếp nhau và nhỏ dần từ ngoài vào trong; mép trong trang trí một dải các ô hình chữ nhật, giữa các ô này nạm các hạt thủy tinh màu đen bóng hoặc màu lục. Mặt lưng các ô đều có gắn các miếng vàng nhỏ hình chữ nhật để giữ cố định các hạt thủy tinh. Hai đầu hình cung có gắn hai sợi dây vàng uốn cong để làm quai đeo.

Đồ trang sức này được thể hiện như một phần bông sen nở, phía trong là nhụy hoa và bên ngoài ba lớp cánh hoa, có thể được sử dụng để đeo trước ngực các tượng tôn giáo, có niên đại vào khoảng thế kỷ 9 - 10.

*
*             *

Ngoài ra còn có nhiều trang sức hình cánh hoa các loại được phát hiện tại Đồng Dương, niên đại vào khoảng thế kỷ 9 - 10. Loại trang sức này đều bằng vàng lá dát mỏng với kích thước khác nhau, có thể được sử dụng để gắn trên mũ miện của các tượng tôn giáo. 

Cổ vật Chămpa vẫn còn nằm rải rác đâu đó trong lòng đất miền Trung hay trong các bộ sưu tập cổ vật tư nhân chưa được biết đến. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều bộ sưu tập quý về cổ vật Chămpa được trưng bày để công chúng chiêm ngưỡng.

TRƯỜNG AN