Sắc xuân trong mùa lễ hội

HOÀNG LIÊN 04/02/2020 10:22

Đầu xuân, trên khắp vùng Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung, nhiều lễ hội diễn ra thu hút người dân và du khách thập phương trẩy hội.

Lễ hội đua ghe đảo thủy ở Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Lễ hội đua ghe đảo thủy ở Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Rộn ràng lễ hội sông nước

Mùng 6 tháng Giêng, theo lệ, vùng sông nước Vu Gia, đoạn qua Ái Nghĩa lại rộn ràng với lễ hội đua ghe huyện Đại Lộc. Tầm 5 - 6 giờ sáng, hai bên bờ sông Vu Gia, dòng người tấp nập, ai nấy tranh thủ đi sớm để chọn cho mình vị trí tốt nhất để có thể xem toàn bộ cuộc đua.

Để đảm bảo công tác chuẩn bị, ngay từ chiều mùng 5 Tết, ban tổ chức lễ hội và đại diện nhiều thuyền đua đã có mặt trên sông và mâm lễ cúng thần sông, cúng đất. Nghi lễ cúng đất, cúng ghe theo lệ xưa, thể hiện tín ngưỡng tâm linh cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vụ mùa bội thu.

Tham dự giải đua năm nay có 9 thuyền nữ và 14 thuyền nam đến từ các xã/thị trấn của Đại Lộc.

Các đội đua tham gia tranh tài với 2 giải đua: giải hòa bình dành cho thuyền nam với 3 vòng đôi; giải chính dành cho thuyền nam với 6 vòng đôi, cự ly 5.000m và thuyền nữ 4 vòng đôi cự ly 3.000m.

Kết quả, ở giải hòa bình, thuyền đua đơn vị xã Đại Nghĩa giành giải nhất, thuyền đua đơn vị xã Đại Hòa giành giải nhì, thuyền đua đơn vị xã Đại Hồng giành vị trí thứ 3.

Ở giải nữ chính, thuyền đua đơn vị xã Đại Sơn giành giải nhất, thuyền đua đơn vị xã Đại Cường giành giải nhì và xã Đại Nghĩa giành giải ba.

Ở giải nam chính, đơn vị xã Đại Hồng giành giải nhất, giải nhì thuộc về đơn vị xã Đại Nghĩa và giải ba thuộc về đơn vị xã Đại Hòa.

Tại thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, cứ sáng mùng 8 Tết, người dân chen kín khu vực Bàu Ông xem đua ghe trong khí thế phấn khởi đầu xuân mới.

Ông Võ Văn Thu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nghĩa Tây chia sẻ, trên vùng Nghĩa Tây, nơi có Bàu Ông rộng lớn, cư dân hay truyền tụng những câu chuyện tín ngưỡng văn hóa dân gian từ xưa, rằng có những năm hạn hán khắc nghiệt, làng tổ chức lễ đảo thủy, sau khi hành lễ, đua ghe thì sau đó trời đổ mưa, tưới cho mùa màng. Từ đó, lễ hội đua ghe cứ duy trì hết đời này sang đời khác.

Lễ hội đua ghe đảo thủy dù diễn ra ở hội làng, ở quy mô cấp xã, cấp huyện thì vẫn đảm bảo được 2 nội dung chính là phần lễ với hai nghi thức: túc yết và chánh tế; phần hội là đua ghe, tiệc khao các đội đua. Ngày nay, phần lễ nghi dù vẫn giữ nguyên hình thức song về thời gian, chi tiết được rút ngắn và giảm sự rườm rà, tục rải giấy tiền, vàng mã trên sông được giản lược, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. 

Mùa trẩy hội Bà

Mùng 7 tháng Giêng, làng An Định, Phước Lộc - vùng giáp ranh giữa 2 xã Đại Quang và Đại Đồng (Đại Lộc) lại sôi nổi lễ hội Dinh Bà Chúa Ngọc, cũng là mở màn cho lễ hội khai sơn (khai truông) trong vùng.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn ở huyện Duy Xuyên dung hòa giữa nghi thức cổ lễ và tân lễ với các hoạt động hội hè. Ảnh: H.L
Lễ hội Bà Chiêm Sơn ở huyện Duy Xuyên dung hòa giữa nghi thức cổ lễ và tân lễ với các hoạt động hội hè. Ảnh: H.L

Dịp trẩy hội Dinh Bà trong vùng diễn ra trong không khí hết sức ấm cúng, thiêng liêng với niềm thành kính, tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, thu hút hàng trăm người dân bản địa và đông đảo du khách xa gần tụ hội về trẩy hội, xin lộc.

Sáng mùng 10 tháng Giêng, tại khu Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa), cư dân trong vùng lại linh đình với lễ tế sắc phong bà Phường Chào trong niềm thành kính, suy tôn công đức Bà với các nghi lễ: rước sắc phong, lễ cúng tế, dâng hương và hát tuồng (hát bội) và phần hội là liên hoan chiêu đãi dân làng, du khách. Kế đó, vào đêm 15 và ngày 16 tháng Giêng, dân làng Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa) lại tế lễ, khai hội cúng tế Bà Ngũ Hành Tiên Nương tại khu vực miếu Bà... 

Từ Đại Lộc, trên mảnh đất Thăng Bình, Duy Xuyên, mùa trẩy hội Bà cũng tiếp nối với lễ rước Cộ Bà Chợ Được (11 - 12 tháng Giêng), lệ Bà Thu Bồn (25.2 âm lịch), lễ hội Bà Chiêm Sơn (12 tháng Giêng)… Những lễ hội nhằm suy tôn công đức Bà, vốn là hóa thân của vị thần nữ bổn xứ, mong cầu chở che, phù hộ độ trì cho một năm yên bình, thuận buồm xuôi gió.

Theo các nhà nghiên cứu, lễ hội thờ bà trên đất Quảng là thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và cuộc tiếp biến văn hóa Việt - Chăm trên xứ này. Đầu xuân, dù có đi ngược về xuôi, song có thể thấy, các lễ hội tại vùng Đại Lộc nói riêng và cả xứ Quảng đều diễn ra trong niềm thành kính thiêng liêng nhưng không có hiện tượng “biến tướng” lễ hội, an ninh trật tự được giữ vững, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội được chú trọng nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm.

HOÀNG LIÊN