Chuột trên gốm cổ
(Xuân Canh Tý) - Trong văn hóa Việt Nam hình ảnh con chuột tồn tại cùng với nền nông nghiệp lúa nước và luôn gắn liền với đời sống của người dân. Hình ảnh loài chuột bên cạnh mặt không tốt cũng có mặt tích cực như thông minh, nhanh trí, đại diện cho sự sung túc và thịnh vượng. Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, chuột là nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm thơ, ca, tranh vẽ... Và đặc biệt thỉnh thoảng cũng có thể bắt gặp hình ảnh con chuột trên các hiện vật gốm sứ cổ cách đây hàng trăm năm...
Trong số hàng trăm ngàn cổ vật gốm sứ Chu Đậu có niên đại cách đây hơn 500 năm được trục vớt từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An vào các năm 1997 - 1999, 2004 - 2007), có hàng ngàn cổ vật được trang trí hình ảnh của những con thú trong truyền thuyết như rồng, lân, phượng... đến những con thú gần gũi, thân thuộc với con người như ngựa, dê, sư tử, chim muông, tôm cá... Trong số cổ vật đó, là hình ảnh con chuột vẽ trên thân một chiếc âu, trên thân một chiếc hũ và trong lòng một chiếc đĩa lớn.
Những cổ vật trang trí hình ảnh con chuột đều là gốm hoa lam với hoa văn được thể hiện trên men trắng màu chàm (lam). Tùy theo hình dáng, các hình vẽ trang trí được chia theo bố cục ba hoặc bốn tầng hoa văn từ trên xuống dưới hoặc từ ngoài vào trong với phần trang trí chủ đạo được thể hiện ở phần trung tâm (giữa) và những phần trang trí phụ như dây hoa lá, dải cánh hoa sen cách điệu.
Có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh con chuột cách đây hơn 500 năm với con chuột ngày nay không khác nhau là mấy. Qua nét vẽ tả thực tài tình của người thợ gốm Chu Đậu xưa, hình ảnh con chuột hiện lên rất sinh động với đuôi dài, hai tai to, miệng nhọn và bộ lông rất dày.
Như hình ảnh hai con chuột được trang trí trên thân của một chiếc âu (ảnh 1) thể hiện hai con chuột mập béo có thể đang ẩn nấp, đi kiếm ăn hoặc đuổi nhau dưới bờ tre (trúc).
Hay hình ảnh trang trí trên dải hoa văn gần vành miệng của một chiếc hũ cũng thể hiện mô-tip con chuột đang đi kiếm ăn hoặc ẩn nấp giữa những bụi tre/trúc (ảnh 2).
Khác với hai mô-tip trên, hình ảnh con chuột trang trí trong lòng một chiếc đĩa lớn (đường kính khoảng 33cm) được thể hiện rất nhiều râu đang nằm ẩn mình trong bụi cỏ và đặc biệt bộ lông được thể hiện bằng những nét tròn hoặc cong, phía trên là đám mây cách điệu hình quả cầu lửa (ảnh 3).
Điều thú vị là điểm chung của hình ảnh những con chuột được trang trí trên chiếc hũ, chiếc âu và chiếc đĩa lớn phần nào đó giúp cho chúng ta hình dung ra đặc tính vốn có của loài chuột từ xưa nay. Đó là mặt mày lúc nào cũng lấm la lấm lét, nhìn nghiêng ngó dọc quan sát xung quanh, cơ thể lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng chạy để khi gặp nguy hiểm thì lẩn trốn chui bờ (tre/trúc), rúc bụi (cỏ).
Đặc biệt là những con chuột đều được thể hiện rất béo tốt, mập mạp. Điều này giúp cho chúng ta hiểu được ẩn ý và thông điệp của những nghệ nhân xưa thông qua nét vẽ để phản ánh về xã hội đương thời.
Vì theo quan niệm của người xưa thì con chuột mang đến sự sung túc và thịnh vượng bởi chúng là loài tìm kiếm thức ăn nhanh, sinh sản tốt. Nơi nào có chuột đến nghĩa là nơi đó sẽ có của ăn của để dồi dào, mùa màng bội thu, năm mới sung túc.
Và trên hết thông qua hình tượng con chuột trên gốm cổ Chu Đậu có thể thấy đất nước ta vào thời Lê sơ ở thế kỷ XV, XVI có một nền nông nghiệp rất phát triển, người dân có của ăn của để, thóc lúa đầy bồ, ruộng đồng bội thu.
Nếu như trong cuộc sống, chuột được biết đến là một loài vật đáng ghét, phá hoại thì trong dân gian, người xưa cũng sử dụng hình ảnh của chuột để truyền đạt thông điệp về cuộc sống sung túc một cách ý nhị sâu xa bằng nét vẽ hóm hỉnh, hài hước.