Nét xuân trong giọng Quảng

LÊ KỲ HƯNG 10/01/2020 12:52

Giọng Quảng Nam, cái giọng mà triều đình nhà Nguyễn xưa đã có lần bàn bạc xem có thể chọn làm “giọng chuẩn”? Nhưng đấy là chuyện xưa! Giọng thuần Quảng bây giờ, qua cảm nhận của khách phương xa, vẫn còn nghe lạ lắm! Lạ không chỉ ở giọng mà còn ở chất!

Thiếu nữ và hoa cải (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Văn Huân
Thiếu nữ và hoa cải (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Văn Huân

Nhà thơ Tú Rua, người Đại Lộc, trong một bài thơ vui, đã từng khái quát:

Rứa mới là kêu chất Quảng Nôm
Ăn cục nói hòn chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xốm người Hà Nội
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Trong bài thơ này, không chỉ các địa danh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế (Phú Cam) được phát âm một cách “lạ lùng” mà cả những từ tham lam, càm ràm, hàng xóm, tọa đàm cũng được phát âm theo “chuẩn địa phương” khiến người Quảng chính tông đọc lên cũng phải cười ngặt nghẽo. Viết như Tú Rua là chuyện của “người Quảng trêu người Quảng” chứ người xứ khác “chọc quê” là có chuyện liền!

Ông N.V.A nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Tam Kỳ kể về một hồi ức thuở là sinh viên đi thực tập: “Một nhóm sinh viên, trong đó có nhiều anh ở Nam Bộ được giới thiệu đến một huyện lỵ ở Quảng Nam thực tập. Họ ở trong một nhà dân. Bà chủ nhà niềm nở và mến khách; chỉ phiền là nói giọng địa phương rất khó nghe. Các bạn miền Nam không biết bà ta nói gì như: “Chu choa, quý húa quóa! Tui cua các cậu như em trong nhòa, các cậu bữa ni eng ở nhà tui, vui quóa hỉ?” hay “Sáng ni, tui muoa gộ thơm, nấu chố gòa mời các cậu eng”... Chừng vài ngày sau, nghe quen, họ hiểu được. Rất tinh nghịch, một sáng nọ, có cậu sinh viên gặp bà chủ, nhại giọng Quảng: “Bòa! Bòa! Sáng ni bòa roa chợ mua gộ nấu chố gòa cho tụi cháu eng hỉ! Chố gà bòa nấu với gộ thơm Quảng nôm eng ngon lém!”. Thấy người khác xứ nhái giọng quê mình, bà chủ nhà bừng bừng lửa giận: “Chửi choa không bèng pha tiếng! Các cậu có ven học mòa dô nghĩa lý, tui trình với thầy phụ trách đủi các cậu roa ngay”.

Bà chủ kia trách các cậu sinh viên “có văn học mà vô nghĩa lý” cũng đúng thôi! Bởi người Quảng chỉ chấp nhận người cùng địa phương “giễu” cái giọng quê mình với hàm ý tự phê bình cách phát âm nhiều khi “trật lất”.

Nhà thơ Tường Linh rất nổi tiếng, quê ở Quế Sơn, lúc da diết nhớ cái giọng quê, đã từng viết bài thơ sử dụng vần “ơm” theo thổ âm Quảng Nam thay cho đúng chính tả là “ôm” hoặc “om”. Bài thơ như vầy:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều về xớ rớ đứng câu tơm
Mùa đông tơi lá che mưa bấc
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Bài thơ thật tuyệt vời! Không chỉ ở chỗ sử dụng thuần thổ ngữ địa phương mà còn gợi lên bao hình ảnh chân chất của người Quảng nông tang một thời khốn khó. Giá như các cậu sinh viên Nam Bộ kia biết bài thơ này! Và, thay vì nhái giọng, chịu khó đọc cho bà chủ nhà nghe, ắt hẳn bà sẽ không nổi tam bành dọa đuổi khỏi nhà chỉ vì bị xúc phạm theo cái lẽ thường tình “chửi cha không bằng pha tiếng”.

Trên đây là nói vui về những chuyện ứng xử thông thường. Còn trong  lĩnh vực “không cần nói nhiều” như chuyện tình yêu, người ta đâu có phân biệt rạch ròi giọng xứ này hay xứ khác? Chuyện nội dung tình yêu xin được miễn bàn! Chỉ xin giới thiệu một bài thơ “tỏ tình theo giọng Quảng Nam” thú vị truyền miệng trong giới thanh niên Quảng, được cho là của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người sinh ra, lớn lên, học hành trên đất Quảng, từng lấy nhiều chuyện tình yêu của bản thân và bạn bè thuở anh còn học ở Thăng Bình, Tam Kỳ, Đà Nẵng để hư cấu thành những mối tình lãng mạn mà cũng đầy tinh nghịch làm say sưa bao người trẻ tuổi.

Bài thơ tình mà nhân vật chính xưng “tau” và gọi người đẹp là “mi” theo đúng cái “chất Quảng Nam” ấy nguyên văn như vầy:

Nè mi mới dọn tới bên nhà
Dị òm tau cũng bước chân qua
Boa đi một cấp răng về kịp
Mẹ chắc giờ ni bõa ở nhà
Mi ở Điện Bàn hay Duy Xuyên?
Tết ni không nói chuyện tình duyên
Tết mô mới nói cùng mi hỉ
Không nói làm răng ván đóng thuyền?
Nói thiệt chớ ai thèm nói lung
Nghĩ chi lọa rứa tội tau không!
Gặp mi bữa nớ ưng mi gớm!
Cái nhớ mỗi ngày thêm nhớ hung!
Quà xuân tau nhét vô trong thụng
Xí nữa gặp mi tau lấy roa
Còn y nguy đó răng mà mất!
Rủi mất thì tau sắm lại quòa!

“Quòa” ở đây là quà mà anh chàng thanh niên Quảng Nam phải sắm, phải trao, phải tỏ bày… vì nếu không thế thì “làm răng ván đóng thuyền” cho được!

LÊ KỲ HƯNG