Đình Không Chái qua vết thời gian

HOÀNG LIÊN 09/01/2020 09:13

Trải qua biến thiên, di tích lịch sử cấp tỉnh đình Không Chái (xã Đại An, Đại Lộc) đã bị xuống cấp nặng nề, cần sớm có phương án tu bổ kịp thời.

Đình Không Chái cần sớm được trùng tu. Ảnh: H.L
Đình Không Chái cần sớm được trùng tu. Ảnh: H.L

Đình Không Chái hay còn gọi là đình Quảng Huế, đình Hóa Phú hay Quảng Phú thuộc vùng đất Quảng Huế thuộc phủ Triệu Phong, huyện Điện Bàn, xứ Thuận Hóa (nay thuộc thôn Hóa Phú, xã Đại An, huyện Đại Lộc), đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh này 15.2.2005, tại Quyết định số 441/QĐ-UBND tỉnh.

Khi mới xây dựng, đình gồm 5 gian và 2 chái, nghệ thuật kiến trúc theo dạng hình chữ nhật. Trên mặt của các trụ đá xưa còn sót lại, người ta tìm thấy câu đối: “Tứ tộc kế tiền công đấng lương nhật lự/Lục châu hoàn ngoại viện sơn thủy thiên thành”. Tạm dịch: Bốn tộc kế tục cơ nghiệp tiền nhân ngày ngày lo sao xứng đáng với vai trò rường cột/Sáu châu bao quanh mặt ngoài núi sông này trời tạo lập nên.

Bốn tộc trong câu đối là các tộc: Lê, Nguyễn, Trần, Võ, là các tộc đầu tiên có mặt ở vùng đất hoang ngập nước Quảng Huế khai phá và lập nghiệp. Họ được lịch sử ghi nhận là 4 tiền hiền khai lập làng. Câu đối ghi “Lục châu hoàn ngoại viện” để chỉ 6 châu nằm bao quanh châu xây dựng đình làng là châu Quảng Phú (còn gọi là Hóa Phú). Khi các tộc họ và các vùng dân cư phát triển mạnh, nhu cầu xây dựng những ngôi đình riêng tại các châu nở rộ. Đình Quảng Huế khi mới xây dựng có các gian chính và chái phụ, nhưng rồi các chái phụ ấy được tháo dỡ đi, nên mọi người gọi là đình Không Chái.

Trải qua bao biến thiên, đình chỉ còn lại nền móng, trụ cột, trụ bằng đá cẩm thạch, bức bình phong. Ngôi đình tạm hiện chỉ có gian phụ, đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi đình chính hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một bức bình phong, 2 trụ biểu, 4 trụ đá và một đoạn tường rào. Khu vực xung quanh đình làng có di tích giếng 4 trụ, nay chỉ còn lại mấy cục đá, bia đá sát đình làng cũng bị lấp. Dân làng và địa phương đã xây dựng một cái am nhỏ bên cạnh nền móng cũ để tiện việc thờ cúng, tế lễ việc làng. Nơi đây cũng diễn ra lễ hội Kỳ Yên, 3 năm một lần, vào dịp 20 tháng Giêng... Thời gian qua, con cháu sống ở vùng đã phối hợp với chính quyền xã xây dựng hồ sơ thiết kế của đình làng, song khâu vận động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Vân Trình - Trưởng phòng VH-TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TT huyện Đại Lộc cho biết, cách đây 7 năm, UBND tỉnh đã cấp 300 triệu đồng phục vụ trùng tu, tu bổ di tích; cách đây 1 năm, UBND huyện cấp 150 triệu đồng phục vụ trùng tu, sửa chữa các trụ biểu, trụ cột của đình làng. Năm 2020, huyện sẽ đầu tư xây dựng thêm một tấm bia di tích lớn tại khu vực này. Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh, quá trình phục dựng và trùng tu đòi hỏi nguồn lực lớn, khâu vận động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn và phải được sự cho phép của UBND tỉnh.

“Đây là năm cuối của đề án “Trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích cấp tỉnh 2016 - 2020”, nên không được phân bổ nguồn lực nữa. Huyện chờ giai đoạn kế tiếp của dự án 2021 - 2025”, tiếp tục kiến nghị Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh đưa vào danh mục tôn tạo, tu bổ di tích ở giai đoạn này, bên cạnh nhiều di tích cần tu bổ, tôn tạo cấp thiết khác của huyện” - ông Trình nói.

HOÀNG LIÊN