Làng nghề trong bóng thời gian

LÊ QUÂN 27/12/2019 13:17

Nếu giấc mộng hồi sinh là có thật, hẳn sẽ rất nhiều người mong một ngày được chứng kiến lại những sinh hoạt chân thành của những ngôi làng - những làng nghề đặc sắc của xứ Quảng mình...

Hình ảnh như thế này chỉ còn trong ký ức ở Làng lụa Mã Châu, Duy Xuyên. Ảnh: Lê Trọng Khang
Hình ảnh như thế này chỉ còn trong ký ức ở Làng lụa Mã Châu, Duy Xuyên. Ảnh: Lê Trọng Khang

Dầu đã có khá nhiều dự án, từ cả phía Nhà nước lẫn sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, nhưng xem ra, việc mặn mà với nghề truyền thống vẫn là... dấu chấm lửng. Vì không chỉ phục hồi một cái nghề, điều to lớn hơn, không gian làng nghề, tinh thần của người làm nghề... vẫn là một “di sản” nếu biết đặt đúng chỗ.

Vàng son một thuở

Càng gần đến những ngày cuối năm, người người lại nhớ nghĩ đến không khí rộn ràng ở những làng nghề truyền thống. Là làng bánh in An Lạc, làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, làng lụa Mã Châu... Mỗi sản phẩm làng nghề đều chờ dịp cuối năm để bung tỏa, khách khứa rập ràng, rổn rảng người mua kẻ bán.

Phong vị tết nhứt, đến từ những ngày đầu tháng Chạp này, kéo đến giêng hai với những hội làng. Nhưng khởi đầu và là chỉ dấu của tết, phải chính từ cái không khí lao động hăng say của những ngôi làng ven sông - những làng nghề tuổi đời trên trăm năm này... Ở đó, nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (làng mộc Kim Bồng) nói, ông vẫn còn nhớ những ngày làng vang tiếng đẽo đục suốt đêm ngày cho kịp hàng mùa tết, dù với nghề này, quanh năm là như vậy, nhưng đến tháng Chạp, cái kiểu làm lại như mang một màu sắc khác. 

Nếu có cuộc sưu tầm về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, thì không gian làng nghề ngày cũ xứng đáng có một vị trí đường bệ của nó. Ở đó có những gắn kết và giá trị riêng biệt về văn hóa cộng đồng ngang ngửa với chính những di sản văn hóa mà người ta gọi tên lâu nay.

Một con số thống kê từ ngành chức năng, hiện nay toàn tỉnh có 61 làng nghề thủ công truyền thống hình thành trên 100 năm và 40 làng nghề hình thành dưới 100 năm. Nghĩa là xứ Quảng đủ sức để gọi tên thành “đất trăm nghề”. Những làng nghề đi cùng sự hình thành của xứ sở, vừa là kế sinh nhai, vừa là bản sắc văn hóa của đất ấy. Đôi khi, chính những nghề nghiệp cộng với không gian sinh tồn bắt đầu từ hoạt động sản xuất, làm nên bản ngã của con người nơi ấy. Nguyên chất, gốc rễ tính chất và tâm hồn mỗi con người, đôi khi được hình thành từ chính không gian sống của mình.

Người ta cứ mãi tấm tắc về những cô gái quê lụa Duy Xuyên, có sự nền nã, sự dịu dàng từ chính sinh kế của gia đình mình. Người ta nói về những người đàn ông làng đúc đồng Phước Kiều, với sự vạm vỡ, cái khẳng khái của người phải xắn hai tay và huy động tổng thể sức lực mới cho ra được những tiếng ngân dài ám ảnh... Rất nhiều những so sánh thú vị để gán cho mỗi con người lớn lên từ những quê hương đặc biệt...

Nhưng đó, chỉ là vàng son của ngày cũ....

Hy vọng hồi sinh

Rồi cũng đến ngày những sản phẩm truyền thống chịu sự quăng quật của thị trường, của kinh tế phát triển theo chiều hướng nhanh, gọn, lẹ. Sản phẩm dồn vào một góc làng, thì người làm nghề còn gì để mặn mà? Và những không gian làng nghề, tiếc thay, từng ngày mai một. Không người sản xuất, hoặc cơ giới hóa sản xuất, là cách nhanh nhất để giết đi những “góc thơ” của một ngôi làng.

Trong vòng 3 năm không chừng, 38 làng nghề truyền thống biến mất. Con số làng nghề truyền thống phát triển, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi con số làng đang thoi thóp, lại chiếm đến 80% trong tổng số. Có rất nhiều nguyên do được viện dẫn, từ thị trường thu hẹp, nguồn vốn làm nghề không đủ đến câu chuyện tìm thế hệ kế cận khó hơn đãi cát tìm vàng. Một thời gian dài, những người làm nghề bỏ ngang để tìm sinh kế mới. Có kẻ ở làng lập nghiệp. Có kẻ lên phố mưu sinh. 

Cho đến khi du lịch phát triển mới kéo theo những sản phẩm (trong đó có sản phẩm làng nghề) dành cho du lịch được mở rộng khái niệm và phạm vi. Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kéo theo những ý tưởng mới, trong đó, có trào lưu phục hưng làng nghề. Và những ai yêu mến các không gian làng thuần khiết, thầm cảm ơn những người làm kinh tế du lịch. Chính họ phả vào đây những tia hy vọng, dẫu ít nhiều, làng nghề được quan tâm nhiều hơn, để chỉnh trang không gian, để vật dụng làm nghề được phủi bụi, được phô bày ra. Nhưng câu chuyện cũng chỉ có vậy. Làng mộc Kim Bồng, một thời gian ấp ủ hy vọng, bây giờ vẫn chỉ là ngôi làng trầm mặc bên sông, lượt khách qua lại một ngày chỉ dừng ở vài cơ sở cố định. Làng đúc đồng Phước Kiều, chờ mãi cái ngày được kết nối trên cung đường du lịch di sản, gần 7 năm ròng, vẫn chưa thể gọi là điểm dừng chân của du khách...

Khá nhiều những câu chuyện tương tự như vậy, ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Chỉ có làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, may thay, nằm ngay ở tuyến đường thuận lợi để được đưa vào tour tuyến du lịch của phố Hội, và từ đây mới có cơ hội trỗi dậy, phục hưng. Nhiều dự án phục hồi các làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh ban hành. Nhưng hiện thực làng nghề nay vẫn còn là một sự khiêm tốn so với hành trình dài mà vùng đất này đã trải qua.

Người làm nghề tâm huyết, các nghệ nhân lớn tuổi vẫn đang chờ đợi nhiều cú hích mới, trong đó, chương trình Quảng Nam đang vận hành “Mỗi xã một sản phẩm” được kỳ vọng có thể là một trong những “chỗ dựa” để tìm lại sinh khí cho làng nghề. Chặng đường này, hẳn phải vượt qua rất nhiều rào cản nữa.

Những làng nghề - điều đầu tiên bây giờ, nên bắt đầu bằng việc giữ lại cái tên làng của mình. Đôi khi, điều này còn khó hơn giữ lại những gia sản khác. Bởi đó không chỉ là di sản văn hóa tinh thần của người kế tục, mà còn là bản sắc của người ra đi từ vùng đất. Đừng để những làng nghề chỉ là “bóng thời gian” đổ dài trong ký ức...

LÊ QUÂN