Đào tạo... khán giả
Một khái niệm hẳn không còn mới mẻ với thế giới, nhưng ở Việt Nam, nó vẫn chưa thật sự quen thuộc: đó là một lớp khán giả hiểu biết về loại hình nghệ thuật truyền thống.
Không còn bó hẹp trong khuôn khổ với ý nghĩa chỉ để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, dự án “sân khấu học đường” nay nhẹ nhàng hơn với mục tiêu đào tạo nên những khán giả hiểu biết. Đó không hẳn là những học sinh có năng khiếu biểu diễn, có giọng ca, điệu bộ thấp thoáng dáng hình của nghệ sĩ. Đó chỉ cần là những người trẻ có chút kiến thức về nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật đôi khi không cần sự hiểu biết để thưởng thức. Nhưng một khi nắm giữ kiến thức căn bản, việc tiếp cận sẽ không còn là thứ mang tính “ép buộc”.
Em hiểu gì về dân ca, bài chòi?
Trong một tiết sinh hoạt ngoại khóa về văn nghệ địa phương, tại một trường THCS ở Hội An, anh Nguyễn Văn Quý, nghệ danh Dương Quý, thành viên của Đội Nghệ thuật lưu động TTVH TP.Hội An, hỏi các em học sinh: “Các em hiểu như thế nào là nghệ thuật bài chòi?”. Và thật lạ lùng, đa số các em khối lớp 8 và 9 của địa phương này đều có thể nói năng khá rành mạch về các làn điệu mà bài chòi sở hữu, về các thẻ bài, cách chơi trò dân gian này. Chưa hết, một số em có khả năng hô hát vài câu mà các em thường nghe được trên phố.
Những lớp học dân ca trong nhà trường không còn chỉ mang tính hình thức nữa. Nghệ thuật dân gian truyền thống thật sự đã chạm vào tâm thức của những người trẻ ở tầm tuổi từ 14 - 16. “Mỗi năm chúng tôi tổ chức dạy bài chòi ở 2 trường THCS. Mỗi tuần sẽ dạy một buổi vào sáng hoặc chiều thứ Hai. Ban đầu, chỉ dự kiến mỗi lớp có khoảng 15 – 20 em nhưng số lượng học sinh đăng ký rất đông nên mỗi lớp bây giờ lên đến 40 – 60 em. Ngoài ra, các lớp học dân ca vào dịp hè cũng thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Nhiều em mới 5 – 6 tuổi cũng được bố mẹ dắt đến” - anh Nguyễn Văn Quý nói. Cuối khóa, học trò được xếp hạng, có điều tất cả đều được xếp xuất sắc hoặc giỏi để khuyến khích và khơi dậy niềm đam mê loại hình nghệ thuật dân gian này trong học sinh.
Sân khấu học đường ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mục tiêu chính của dự án ở khắp các nhà trường trên toàn quốc, là hướng sự quan tâm đến nghệ thuật sân khấu của đối tượng công chúng trẻ, rất trẻ, ngay từ khi còn là những em bé đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, một ý niệm mới được đề cập, thiết thực hơn: đào tạo một lớp khán giả hiểu biết. Các em được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống thông qua một số buổi biểu diễn chọn lọc của các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp. Cùng với các trích đoạn, các nghệ sĩ giao lưu, giới thiệu những nét tiêu biểu, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống bằng những hình thức phong phú, sinh động. Sau đó, những học sinh có năng khiếu tham gia một khóa đào tạo ngắn ngày, chủ yếu tập biểu diễn một số trích đoạn chọn lọc. Các hiểu biết cơ bản về một bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ không còn xơ cứng nữa, nhất là với lứa tuổi đang cần trực quan sinh động để dễ dàng tiếp cận.
Chờ đợi...
Và thật may mắn, khi đã có sự góp mặt của những nhóm học trò này trong các buổi diễn nghệ thuật quần chúng, từ cả sân khấu của địa phương lẫn những cuộc giao lưu lớn hơn. Nó mang đến một tia hy vọng, dù hẳn sẽ còn rất lâu nữa, lớp trẻ này mới đủ sức để truyền tải tinh thần của tinh hoa nghệ thuật truyền thống... Nghệ thuật cần công chúng. Nghệ sĩ như cái cây, công chúng là đất. Khi có quá ít đất cho cái cây nghệ thuật có thể sinh tồn, thì khó thể nào để đưa các giá trị nghệ thuật đi đường dài.
Một vài nghệ sĩ nhìn nhận, không chỉ đối với các nghệ thuật kén người thưởng thức, ở mức độ hàn lâm, mà ngay cả với nghệ thuật truyền thống, thường kiến thức cơ bản về nghệ thuật của người Việt rất thấp, thành ra nảy sinh tâm lý sợ, dẫn đến xa lánh nghệ thuật và gần gũi hơn với giải trí dễ dãi. “Trong một xã hội như thế, nỗ lực của riêng ngành văn hóa là không đủ. Nền tảng gia đình (quan trọng nhất); truyền thông (đứng thứ nhì) và giáo dục thẩm mỹ cơ sở phải là những đối tượng đi đầu trong việc xây dựng một cộng đồng văn hóa lành mạnh, có trình độ am hiểu và thưởng thức cao” - bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ.
Mấu chốt của vấn đề khi đưa nghệ thuật vào trường học, cụ thể ở dự án sân khấu học đường, không chỉ giúp các em biết được hồn cốt của xứ sở thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống, mà phải tạo sự tương tác bằng cách để các em cảm nhận được sự gần gũi, thân quen. “Dân ca phải như thế nào và dạy làm sao để các em yêu thích dân ca. Làn điệu chỉ là cái nền, các tác giả giờ đã phả vào dân ca hơi thở cuộc sống thông qua ca từ; chứ dân ca chừ đâu có chuyện tình chàng ý thiếp, lời kỹ nữ ru buồn. Bây giờ, cũng vẫn làn điệu cũ, nhưng với việc đặt lời mới, cái chất than thở đã không còn bi lụy sầu thương, mà nội dung lời ca là những gì diễn ra xung quanh cuộc sống các em. Từ đấy, các em mới yêu thích dân ca được” - một nghệ nhân đang tham gia dự án Sân khấu học đường tại Quảng Nam nói.
Đã gần 10 năm trôi khi triển khai Dự án Sân khấu học đường tại Quảng Nam, những quả ngọt đã thấy từ các lớp “truyền vai tuồng cổ”, đưa bài chòi vào trường học hay các đội tuồng đồng ấu từng bước được kế thừa ở các địa phương vùng ven sông Thu. Đây hẳn là những tín hiệu tích cực để có hình thành nên một lớp công chúng am hiểu nghệ thuật trong tương lai.