Tôn vinh giá trị truyền thống

LÊ QUÂN 19/12/2019 14:05

Những sản phẩm mây đan lát của người Cơ Tu với kiểu dáng hiện đại, mang tính ứng dụng cao vừa được giới thiệu tại nhiều thị trường. Cùng với đó, thổ cẩm Cơ Tu đang dần dần được người tiêu dùng lựa chọn...

Sản phẩm đan lát từ mây tre lá của đồng bào Cơ Tu đang được cải tiến về thiết kế, mẫu mã để phù hợp thị trường. Ảnh: L.B.N
Sản phẩm đan lát từ mây tre lá của đồng bào Cơ Tu đang được cải tiến về thiết kế, mẫu mã để phù hợp thị trường. Ảnh: L.B.N

Rất nhiều sản phẩm truyền thống được tạo tác từ nguyên liệu và đôi tay của đồng bào vùng cao đang được nhận chân và tìm cách phát huy.

Biến tấu từ mây tre lá

Những chiếc giỏ xách ra đời từ đôi tay tài hoa của các nghệ nhân đan lát người Cơ Tu. Những chiếc lọ nhỏ nhắn có thể dùng làm quà lưu niệm. Hay các sản phẩm gùi truyền thống được biến tấu để trở thành những vật dụng mang tính ứng dụng cho đời sống hiện đại. Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ, các chuyên gia thiết kế phát triển đang từng bước tạo mẫu mã cho 64 bộ sản phẩm mây tre lá mới, đồng thời tập huấn về thiết kế bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm làm ra được bán ngay tại chỗ cho khách du lịch ở Sông Kôn (huyện Đông Giang), TP.Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng và nhiều nơi khác.

Và không dễ gì để có những sản phẩm mang tính cải tiến về mẫu mã đến được với thị trường như vậy. Ông Bh’Nướch Bảo (huyện Đông Giang) cho biết, người Cơ Tu luôn xem nghề đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống có tầm quan trọng trong đời sống hằng ngày với kỹ thuật đan lát rất phức tạp. Để đan được sản phẩm đòi hỏi sự chịu khó và kiên nhẫn. Tuy nhiên, không phải đàn ông Cơ Tu nào cũng biết đan lát. Tùy thuộc vào từng sản phẩm và công dụng của từng loại mà đan cho phù hợp.

Chính những nỗ lực từ dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam” do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) cùng dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) tài trợ đã dần dà giúp đồng bào nhận thức được sự vô giá của nghề truyền thống mình đang sở hữu. Tận dụng vùng nguyên liệu từ địa phương, giảm phát sinh rác thải nhựa, tạo ra những sản phẩm thân thiện cùng môi trường... Các sản phẩm từ mây tre lá của đồng bào hội tụ đủ yếu tố để được thị trường ưa chuộng trong tương lai không xa. Khi có được sự hỗ trợ về khâu xúc tiến thị trường, niềm tin về cơ hội để đồng bào Cơ Tu phát triển sản phẩm bản địa sẽ không phải là điều quá xa vời...

Và câu chuyện của dệt thổ cẩm

Giấc mơ về việc đưa các hoa văn thổ cẩm Cơ Tu đi xa hơn nơi nó ra đời, vẫn đang từng ngày được các nghệ nhân của cộng đồng này nỗ lực. Từng ngày một, họ nắm bắt xu thế của thị trường để làm nên những sản phẩm tiệm cận với đời sống hiện đại. Từng nhóm dệt không chỉ phát triển riêng lẻ nữa mà kết nối để hỗ trợ nhau về nguyên liệu, kỹ thuật dệt, thông tin về thị trường. Có 8 nhóm dệt của của đồng bào vùng núi Quảng Nam đang tạo thành một mạng lưới để định hình về sản phẩm thổ cẩm, thông qua sự kết nối của tổ chức FIDR. Sản phẩm của họ được tổ chức trưng bày và giới thiệu tại các cuộc triển lãm, phiên chợ từ Quảng Nam, TP.Đà Nẵng đến nhiều tỉnh thành khác. Đang có một cú hích mới để các sản phẩm thổ cẩm truyền thống từ đôi tay tài hoa của những phụ nữ vùng cao được tôn vinh. Và hơn hết, được người tiêu dùng hiện đại sử dụng để đưa vào trang phục của mình. Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, hiện các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu của làng dệt Za Ra đang được thay đổi để bắt kịp xu thế thời trang hiện đại, ngoài các sản phẩm trang phục truyền thống mà lâu nay các chị vẫn làm.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, trong đợt tham gia Festival Tơ lụa và thổ cẩm quốc tế tại Hội An hồi tháng 8 vừa rồi, đã không ngại ngần “móc túi” vài chục triệu đồng để sưu tầm các loại thổ cẩm truyền thống đến từ nhiều cộng đồng khác nhau. Ông nói, sẽ không có chất liệu nào làm nên tính độc đáo của thời trang được như thổ cẩm, nếu người thiết kế biết cách để đưa chúng vào bộ sưu tập của mình. Thổ cẩm có thể bước ra khỏi bản làng, trở thành một sản phẩm giúp cho đồng bào cải thiện sinh kế. Với những người phụ nữ Cơ Tu, dệt vải cũng chính là một sinh hoạt văn hóa truyền thống, được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của cuộc sống. “Họ biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt. Hoa văn đều hướng vào đời sống thực và hướng vào thiên nhiên. Giữa thiên nhiên và con người được nghệ thuật phản ánh là một sự hòa đồng, gắn bó không thể tách rời. Các mô típ hoa lá, động vật được trang trí trên đồ dệt đều có thực trong cuộc sống và hữu ích cho con người” - nhà thiết kế Minh Hạnh - người chuộng việc đưa các hoa văn thổ cẩm vào trang phục mình thiết kế, chia sẻ.

Nhìn ra được sự vô giá của các vuông thổ cẩm, cũng như những giá trị quý báu từ vốn liếng văn hóa vùng cao, thì lúc đó, mới định hình được những chỉ dấu của bảo tồn, phát huy sau này.

LÊ QUÂN