Bệnh đổ thừa - nhìn từ sân cỏ SEA Games

LIÊU HÂN 19/12/2019 10:08

Ngày hội SEA Games, biết bao nhiêu là trò thi đấu, biết bao cuộc tranh tài, cơ bắp và trí thông minh có được sân chơi để phô diễn kỹ năng. Nhưng có một điều lạ là đối với nam giới, hàng trăm trò thi đấu ở cái sân chơi rộng lớn đó đều lu mờ trước một bộ môn: bóng đá! Cho dù có giành được hàng trăm huy chương vàng ở các môn khác đi nữa, nhưng nếu không giành được huy chương vàng môn bóng đá, mà phải là bóng đá nam, thì SEA Games đó cũng đầy tiếc nuối.

HLV Campuchia đổ lỗi cho trọng tài sau trận thua đậm U22 Việt Nam tại bán kết SEA Games. Ảnh: Internet
HLV Campuchia đổ lỗi cho trọng tài sau trận thua đậm U22 Việt Nam tại bán kết SEA Games. Ảnh: Internet

Theo dõi một loạt các trận đấu cũng như thông tin trước và sau các trận đấu ở bảng B có Việt Nam, tôi bỗng phát hiện ra nhiều điều lý thú: đó là “căn bệnh đổ thừa”!

1. Nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, trong bài Xét tật mình từng nói cái tật xấu của người Việt là hay cười: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Đã hẳn. Nhưng qua các giải đấu, ta không thấy cái gọi là “tật xấu” đó, mà lại một tật xấu khác, vốn là căn bệnh trầm kha trong xã hội: đó là “bệnh đổ thừa”. Khi xảy ra một điều sai lầm hay tệ hại nào, ít ai dám đứng ra công khai nhận lỗi mà thường dùng mọi cách để chống chế để cái lỗi đó sang người khác, sang đối tượng khác, hoặc đơn giản nhất là đổ lỗi cho... ông trời. Nhiều lý do khôi hài đến mức có lẽ cỡ “ông trùm hài hước” như Azit Nexin cũng phải kêu bằng sư tổ! Đường sá ngàn tỷ vừa làm xong đã hỏng là do mưa bão hoặc ít sử dụng, trụ bê tông bị gãy đổ là do bị trẻ em nghịch phá hoặc do trâu bò cạ lưng, nam nữ ôm nhau trong nhà nghỉ là do... sốt rét.

Hàng ngày đọc báo, chúng ta không khỏi ngán ngẫm khi thấy căn bệnh này đang tàn phá nhân cách và lòng tự trọng của con người. Hồi còn bé, chúng tôi được học câu cách ngôn “Hãy tự trọng để được trọng”. Ta không tự tôn trọng bản thân thì sẽ không ai tôn trọng ta cả. Đó là điều đương nhiên. Mà một trong những biểu hiện lòng tự trọng chính việc can đảm nhìn nhận sai lầm của bản thân mà không đổ lỗi cho ai hay cho cái gì khác.

Nhưng hóa ra, bệnh đổ thừa đó không phải là căn bệnh của riêng người Việt ta đâu, mà là căn bệnh chung của nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là nó hiện rõ ra trong các trận bóng đá ở SEA Games. Trước các trận đấu, đặc biệt với đội tuyển Việt Nam, từ các ông huấn luyện viên, đương nhiệm lẫn về vườn, cho đến các cầu thủ, nào là tiền vệ, hậu vệ, nào là thủ môn của các đội đua nhau khẳng định trình độ và đẳng cấp để hạ quyết tâm “làm gỏi” đội tuyển Việt Nam. Đến khi xách gói ra về lại đua nhau đổ lỗi cho sân cỏ, cho thời tiết, cho thiếu may mắn... Nói chung, trước trận đấu thì đưa ra 5 lý do để khẳng định sẽ thắng, sau trận đấu thì đưa ra 10 lý do để biện minh vì sao lại thua, và chắc chắn trong các lý do mà họ dùng để đổ lỗi cho thất bại sẽ không bao giờ có lý do trình độ thua kém. Có ông cầu thủ Thái Lan trước trận đấu thì nói chuyện thắng đội tuyển Việt Nam giống như lấy đồ trong túi ra, khi xách gói ra về thì lại nói trận đấu vừa qua chỉ là thử nghiệm để vươn đến những trận đấu cao hơn. Giống như chuyện con cáo hái không được chùm nho bèn cười khẩy, chê “nho còn xanh quá, không đáng để ăn” trong truyện ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine.

2. Có lần, tôi đọc một bài viết ngắn nói về một giáo sư nổi tiếng của đại học Thanh Hoa Trung Quốc đi dự một hội nghị khoa học ở Mỹ. Tại hội nghị, trong buổi báo cáo của một  giáo sư người Mỹ rất nổi tiếng, có một khán giả đứng lên đặt câu hỏi, vị giáo sư người Mỹ lắng nghe câu hỏi rất trân trọng và cuối cùng trả lời  đại khái rằng vấn đề nêu trong câu hỏi, ông xin lỗi không thể giải đáp ngay được, mà ông sẽ về tham khảo thêm ý kiến của những đồng nghiệp có kiến thức chuyên sâu hơn. Câu chuyện chỉ có thế thôi, nhưng để lại trong lòng vị giáo sư Trung Quốc một ấn tượng vô cùng sâu đậm. Ông về nước, viết lại câu chuyện này trên báo và cho rằng đây là điều đáng để giới học thuật Trung Quốc phải học hỏi. Ở Trung Quốc (cũng như ở Việt Nam và có lẽ ở nhiều nước Đông Nam Á khác) chắc hẳn không một giáo sư nổi tiếng nào dám công khai cái “sự không biết” của mình trước đám đông. Họ luôn tìm đủ cách để chống chế, tìm mọi lý do để biện minh, thậm chí còn tung hỏa mù với người hỏi bằng đủ kiến thức hàn lâm mà bản thân họ chưa chắc đã hiểu rõ.

Trong thời gian qua, ta cũng thấy “căn bệnh đổ thừa” lan lây rất nhanh võ đài Trung Quốc, thành trò cười cho cư dân trên mạng. Các võ sư cổ truyền Trung Quốc, khi thách đấu với Từ Hiểu Đông thì hùng hổ sẽ hạ gục đối thủ trong vòng một phút; đến khi thua sấp mặt, kẻ gãy răng người dập mũi, trong vòng chưa đầy một hiệp thì vẫn không chịu nhận mình non kém mà đổ thừa cho giày trơn, sàn đấu mềm, ăn chưa no bụng...

Cái thói xấu tưởng chừng như chỉ đem lại trận cười vô hại này thật ra là căn bệnh xã hội cực kỳ nguy hiểm trong việc phá hủy niềm tin và nhân cách. Khi ta can đảm và thành thật nhận sai lầm hoặc “sự không biết” thì những lời khẳng định của ta về cái đúng và cái biết của ta mới có tác dụng tốt với người khác. Khổng Tử nói “Tri sỉ cận hồ dũng” (Biết xấu hổ là đã đến gần được với sự dũng cảm). Biết xấu hổ khi đổ thừa, đổ lỗi chính là cái “sỉ” trong câu đó vậy, vì nó giúp ta can đảm nhận sai. Đâu phải cần phải xông pha nơi đầu tên mới được gọi là dũng đâu!

LIÊU HÂN