Quế Sơn nỗ lực khôi phục nghệ thuật truyền thống

MAI LINH - DUY THÁI 11/12/2019 14:12

Thời gian qua, huyện Quế Sơn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng và dân ca ở địa phương.

Đội tuồng xã Quế Phú diễn xuất tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca huyện Quế Sơn năm 2019. Ảnh: T.L
Đội tuồng xã Quế Phú diễn xuất tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca huyện Quế Sơn năm 2019. Ảnh: T.L

“Truyền lửa” cho người trẻ

Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca năm 2019 được huyện Quế Sơn tổ chức trong 2 đêm 4 - 5.12, với sự tham gia của 13/14 xã, thị trấn trên địa bàn (trừ xã Quế Cường).

Tại đây, mỗi đơn vị thể hiện một tiết mục dân ca và một trích đoạn tuồng. Đến với liên hoan lần này, ông Thái Hoàng Năm (74 tuổi, xã Quế Phong) xem đây là cơ hội để ông “truyền lửa” nghệ thuật tuồng cho người trẻ tuổi. Ông Năm cũng chu đáo chuẩn bị, chọn vở diễn “Lê Lai cứu chúa” và trực tiếp hướng dẫn cho 3 diễn viên khác cùng tập.

“Đây là lần thứ 11 tôi tham gia liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca do huyện Quế Sơn tổ chức. Cũng như các lần trước, vở diễn lần này nhận được sự tán thưởng của người xem. Đó chính là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục gắn bó với loại hình nghệ thuật này” - ông Năm nói.

Còn chị Trần Thị Thanh Tâm - một thành viên trẻ của đội tuồng xã Quế Phú cho biết, chị được phân công thủ vai chính trong vở diễn “Đổi hồn Đắc Kỷ”. Dù có khá nhiều áp lực nhưng chị Tâm đã nỗ lực cùng với cả đội luyện tập từng điệu bộ, giọng hát để cống hiến cho người xem một vở diễn trọn vẹn.

“Diễn tuồng không khó nhưng muốn diễn hay, cuốn hút người xem thì diễn viên phải nắm chắc kịch bản và hoàn cảnh của nhân vật. Liên hoan là cơ hội tốt để người trẻ như tôi được giao lưu, học hỏi kỹ năng biểu diễn nghệ thuật tuồng từ những người đi trước, đồng thời thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật tuồng” - chị Tâm chia sẻ.

Những năm gần đây, số lượng CLB tuồng và dân ca được thành lập mới trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể. Nếu trước năm 2012 Quế Sơn chỉ có 7 CLB tuồng và dân ca thì đến nay toàn huyện đã có 21 CLB. Trong đó, có 6 CLB tuồng ở Quế Phú, Quế Long, Quế Phong, thị trấn Đông Phú, Quế Châu; 9 CLB dân ca ở Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Long, Quế Phong, Đông Phú, Quế Hiệp, Phú Thọ, Quế Châu; 6 CLB tuồng - dân ca ở Quế Cường, Hương An, Quế Thuận, Quế Minh, Quế Châu, Quế An. Mỗi CLB tuồng, dân ca có từ 10 - 15 thành viên gồm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, thư ký và các thành viên.

Ông Huỳnh Văn Sáu - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao & Truyền thanh - truyền hình huyện Quế Sơn cho biết, tại liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca lần thứ 11 này, các đơn vị đã đem đến những trích đoạn tuồng đặc sắc, làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Hơn 150 diễn viên được các đơn vị chọn tham gia liên hoan đã cho thấy sức sống của nghệ thuật tuồng và dân ca ở Quế Sơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ không chuyên đã nỗ lực tập luyện, cống hiến hết mình vì phong trào văn hóa - văn nghệ của huyện.

“Ngoài việc tạo sân chơi cho những người yêu mến loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca, liên hoan được huyện tổ chức nhằm phát hiện, bồi dưỡng những người có năng khiếu, tố chất diễn. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 06-NQ/HU (ngày 10.8.2012) của Huyện ủy Quế Sơn về khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020” - ông Sáu nói.

Tập trung khôi phục

Ông Lê Quang Tiên Sơn - Trưởng phòng Văn hóa & thông tin huyện Quế Sơn cho biết, để các CLB tuồng, dân ca có điều kiện duy trì và phát triển, huyện Quế Sơn đã có cơ chế hỗ trợ. Cụ thể, CLB thành lập mới được hỗ trợ 5 triệu đồng, CLB củng cố lại là 3 triệu đồng. Khoản kinh phí hỗ trợ vừa nêu được dùng để mua sắm nhạc cụ, trang phục và tổ chức ra mắt CLB. Ngoài ra, hằng năm huyện Quế Sơn cũng hỗ trợ cho mỗi CLB 1 triệu đồng để sinh hoạt.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức các kỳ liên hoan nghệ thuật tuồng - dân ca và tổ chức các cuộc tọa đàm về nghệ thuật tuồng nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để sớm khôi phục, phát triển loại hình nghệ thuật này. Các đơn vị liên quan của huyện còn phối hợp với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức nói chuyện chuyên đề và tập huấn cho tổng phụ trách đội, giáo viên âm nhạc của các trường học và thành viên CLB tuồng về nghệ thuật tuồng. Đồng thời biên soạn tài liệu dân ca, xây dựng đĩa tuồng làm tư liệu giảng dạy ngoại khóa cho các trường học trên địa bàn huyện...

Ông Lê Quang Tiên Sơn nhìn nhận, dù đã có nhiều cố gắng để khôi phục và phát triển tuồng, dân ca nhưng thực tế cho thấy loại hình nghệ thuật này vẫn còn gặp phải không ít trở lực. Bởi, phần lớn các CLB thiếu kinh phí hoạt động, các thành viên tham gia CLB tuồng chủ yếu người lớn tuổi, lực lượng trẻ kế cận thiếu nên việc duy trì sinh hoạt trong các CLB tuồng rất khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết CLB tuồng và dân ca không có người biểu diễn kèn, đàn ghi-ta phím lõm và đàn nhị, trang phục và đạo cụ phục vụ cho loại hình nghệ thuật tuồng không nhiều…

“Nghệ thuật tuồng, dân ca trên địa bàn huyện Quế Sơn được khôi phục và có bước phát triển đã làm sống lại những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên, để loại hình nghệ thuật này phát triển hơn nữa, ngoài sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của các cấp thì chính quyền, các hội đoàn thể ở cơ sở phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về bảo tồn vốn quý của nghệ thuật tuồng và dân ca; thôi thúc thế hệ trẻ gắn bó, đam mê và tham gia biểu diễn” - ông Sơn nói.

MAI LINH - DUY THÁI