Địa danh… truyền miệng
Nhân chuyện nhóm 12 nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử gửi đơn kiến nghị TP.Đà Nẵng không nên lấy tên 2 vị giáo sĩ Tây phương có công hình thành chữ Quốc ngữ để đặt tên đường, tôi nhớ có những vùng đất không cần ai “đề xuất”, cũng chả thấy chuyên gia nào lên tiếng “bác bỏ”, mà tên gọi vẫn lưu truyền trong dân gian.
“Phải, cua rang đây!”
Địa danh Đà Nẵng hay Hiện Cảng, Tu Gián, Tou-nan, Touarane, Turaone, Turon, Touron… liên quan đến TP.Đà Nẵng, xin dành cho các nhà nghiên cứu tiếp tục tranh luận. Trong mục “lai rai” này, chỉ đề cập những câu chuyện truyền miệng về vùng đất bên sông Hàn. Gọi là truyền miệng, nhưng ít nhất cũng đã chính thức được nhắc đến trong công trình thú vị của tác giả Võ Văn Dật, cuốn “Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975” (NXB Hồng Đức 2019). Tác giả, người viết từ điển Nhà Nguyễn (2012) và biên khảo “Trong ngõ ngách sử Việt” (2015), sau khi dẫn ra các giả thuyết đứng đắn cũng không quên liệt kê thêm một số mẩu chuyện truyền miệng “đượm tính chất hài hước nhưng vẫn có người tin là thật”.
Chuyện rằng, khi người Pháp mới đổ bộ lên vùng Đà Nẵng, họ gặp một bà già đang ngồi rang cua, không biết nơi này gọi là gì, bèn hỏi. Do ngôn ngữ bất đồng, tưởng người Pháp muốn hỏi “món gì đó?”, bà già mau mắn trả lời: “Phải, cua rang đây!”. Thế là “ông Tây” lấy sổ tay ra ghi thành… Tourane.
Chuyện thứ hai, trong cuộc viễn chinh của Pháp và Tây Ban Nha tại Đà Nẵng vào năm 1858-1860, họ đem theo nhiều lừa để chuyển vận. Họ dựng một cái tháp trên bãi thả lừa để canh chừng, người Pháp gọi đó là Tour d’âne (tháp coi lừa). Từ đó gọi thành Tourane.
Chữ “âne” (con lừa, trong tiếng Pháp) cũng làm suy diễn địa danh qua câu chuyện thứ ba. Khi đó, Đà Nẵng chỉ là một thị trấn nhỏ bé, cưỡi lừa (âne) đi dạo một vòng (un tour) thì hết thành phố. Vì vậy, người Pháp gọi Đà Nẵng là thành phố đi một vòng lừa (un tour d’âne), lần lần biến thành Tourane.
Như đã thưa trước, tác giả Võ Văn Dật đã chép những chuyện này trong biên khảo (trang 41), và tôi cũng chỉ xem đó là “ngoại truyện”. Nhưng mỗi khi câu đối đáp đầy nghi hoặc của bà già bán cua “phải, cua rang đây!” vang lên, tôi lại nhớ lan sang câu trả lời tương tự từng được kể ở một đô thị cách đó chừng vài chục cây số: “Phải, Phố!”.
Chuyện đã nhiều người biết: Xưa, những người Hòa Lan đến Hội An giao thương, từ thuyền bước lên bờ đã hỏi người dân địa phương: “Đây có phải Phố?”. Phố (viết hoa) để chỉ thương cảng sầm uất bấy giờ. Liền có người đáp: “Phải, Phố!”, có thể hiểu “Phải rồi, đây đúng là Phố!”. Từ đó, “Phải, Phố” biến thành Faifoo. Tất nhiên, đó chỉ là một cách giải thích dân dã, trong rất nhiều nghi vấn, về nguồn gốc địa danh Hội An.
Bặt tăm “mõm” Cà Mau
Có một nhà văn từng bày tỏ sự hoang mang khi địa danh được gọi theo quá nhiều cách. Ngay cả vùng đất được gọi tên cũng… ngẩn ra, ngơ ngác. “Nó làm cho một số làng mạc núi sông bỗng nhiên ngẩn ra không biết mình tên gì”, ông viết. Nhà văn ấy chính là Tràng Thiên, tác giả tùy bút “Hội An”.
Như một sự trùng hợp, tác giả Tràng Thiên không chỉ bối rối chẳng biết nên gọi đèo Mụ Giạ ở Quảng Bình là đèo Mụ Già hay Mộ Giạ, mà ông cũng lăn tăn với cụm Đà Nẵng – Tourane – Thuộc Giản và Hội An – Faifoo – Phải Phố. Ông lăn tăn cả với Sài Gòn – Củi Gòn. Ấy là vì Đà Nẵng và Hội An nằm bên nhau, ở vào miền có tiếng là sớm phát triển về văn học, “từng sản xuất những bậc sĩ phu lừng lẫy trong lịch sử cận đại của nước nhà”. “Như vậy, làm sao đến nỗi cả hai thành phố lớn của Quảng Nam đều phải mang tên Tây? Tên tuổi cả hai chắc chắn là đã có từ trước; làm sao đến nỗi người Tây còn chen vào đặt tên. Trường hợp ấy không hề xảy đến cho những thành phố, những tỉnh lỵ khác trong toàn quốc Việt Nam”, Tràng Thiên nhận định trong tùy bút viết năm 1966.
Có điều, tác giả cũng sớm nhận ra, những Thuộc Giản (tức Tourane, theo ông Lê Văn Hòe giảng trong cuốn “Tầm nguyên tự điển”), Phải Phố, Củi Gòn kia chỉ là chuyện “để các nhà học giả nói với nhau”. Ngày nay, cư dân địa phương không còn biết tới chúng nữa. Nhưng dẫu sao, từ những cái tên đã mất dấu vết và bặt tăm ấy, lại có những địa danh khác kế tục rồi hiện hữu. Và thú vị hơn hết, chính những giai thoại “chen” vào mới làm nên hồn cốt của một địa danh, khiến địa danh trở nên đa nghĩa và vùng đất trở nên có chiều kích, có câu chuyện, có quá khứ...
Đề cập chuyện bặt tăm, tôi nghĩ xa hơn đến địa danh trong thơ. Tôi hơi ngạc nhiên khi đến giờ này, không thấy ai “nhập tâm” để gọi mũi Cà Mau là “mõm”. Liệu có phải ý thơ của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng chưa đủ sức làm thay đổi cách gọi cũ, hay do địa danh mũi Cà Mau đã trở thành biểu tượng của vùng đất mở phương Nam nên chẳng thể tùy nghi chỉnh sửa?
Nhưng dù bởi lý do gì, tôi vẫn tiếc khi đọc những dòng lục bát trong bài thơ “Miền Nam” viết từ năm 1961, với nhiều địa danh quen thuộc:
(…) Mùa thơ trắng mộng thu phong
Về phơi trải ngọn nguồn trong trăng mờ
Miệt mài Mỹ Thọ Cần Thơ
Cồn sương Rạch Giá đợi giờ nguyên tiêu
Mõm Cà Mau ruộng Bạc Liêu
Sóng trùng khơi vọng hoang liêu lên trời
Ngậm ngùi đàn lệ buông rơi
Xô màu kỷ niệm lại đời lang thang (…)
(Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Văn học).
Trong đoạn trích thơ, xuất hiện “mõm Cà Mau” và cả địa danh hơi lạ, “Mỹ Thọ”. Thọ, chứ không phải Tho, nhưng tôi nghi ngờ đây là lối gieo cho thuận vần để nhắc đến Mỹ Tho, vùng sông nước Tiền Giang.
Vậy xem ra, địa danh trong thơ đôi khi không có sức phổ biến rộng rãi bằng lối đặt để theo giai thoại thú vị mà dân gian lưu truyền. Mỗi câu chữ đều mang một “sứ mệnh” nhất định. Thí dụ với Hội Khách, chợ phiên của dân tộc Cơ Tu trên bãi đất phù sa bên bờ sông Vu Gia. Đến đầu thế kỷ 20, chợ phiên chấm dứt, giờ chỉ còn trơ lại cái tên của một thôn ở miền núi Đại Lộc. Nhưng cũng có tên gọi được cho là sai lệch, như “xứ Bà Thân” mà nhà nghiên cứu Võ Văn Dật có nhắc trong sách đã dẫn. Theo ông, xứ này ở tả ngạn sông Hàn, “bà Thân” là một trong những bậc tiền hiền của làng An Hải, dân làng gọi là xứ Bà Thân. Nhưng rồi do ai đó sai lầm khi gọi tên, chép vào sách vở, thành ra xứ Hà Thân.
Không phải địa danh nào cũng được dân gian ghi thành “điển tích”, dù là điển tích kiểu… truyền miệng và hài hước.