Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS: "Bệ phóng" Mỹ Sơn
Gắn bó cuộc đời với nghề du lịch, Th.S Lê Tấn Thanh Tùng từng lặn lội, khám phá vô số điểm du lịch, di sản cả trong và ngoài nước. Riêng Mỹ Sơn, với ông là cảm xúc bất tận, bởi ngoài kinh doanh còn mang đầy hoài niệm của những ngày chập chững vào nghề. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông để nhìn lại hành trình của doanh nghiệp với Mỹ Sơn cùng tâm tư gửi gắm vào di sản này.
* Mỹ Sơn là “mối tình đầu” của ông?
Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Đúng vậy. Những kỷ niệm đầu tiên của tôi với Mỹ Sơn diễn ra từ những năm 1997 - 1998, khi nơi này chưa là di sản văn hóa thế giới, còn tôi cũng mới chỉ là một cậu sinh viên thực tập tại Văn phòng Tổng cục Du lịch tại Đà Nẵng. Khi đó, tôi vẫn thường có những chuyến thực tập rong ruổi lên Mỹ Sơn để khám phá, tìm hiểu kiến thức về vùng đất mang nhiều giai thoại này. Những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được khá tình cờ lại nhờ vào Mỹ Sơn. Số là tôi cũng khá thạo ngoại ngữ nên được nhiều nhóm khách quốc tế đi lẻ tham quan Mỹ Sơn thời điểm đó thuê dẫn đường và làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ.
Sau đó mấy năm, tôi được tham gia chấp bút đề án khai thác di sản văn hóa Chăm trong sự phát triển du lịch khu vực miền Trung, trong đó lấy Mỹ Sơn là nhân tố chính do Tổng cục Du lịch Văn phòng tại miền Trung triển khai. Tôi nhớ vào đầu tháng 12.1999, Quảng Nam vừa trải qua mấy trận lụt khủng khiếp và cũng là thời điểm Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khi đó đường sá lên khu đền tháp còn rất khó khăn nhưng tôi vẫn thấy bóng dáng du khách lặn lội tìm đến để khám phá vùng đất này.
Năm 2003, khi đã vào làm ở VITOUR, tôi cùng một lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Du lịch khu vực miền Trung và một doanh nhân nước ngoài đang làm du lịch tại Đà Nẵng phối hợp đưa vào hoạt động tour Hành trình di sản miền Trung - đến giờ vẫn còn hấp dẫn du khách và Mỹ Sơn luôn là điểm đến quan trọng trong hành trình đó. Đối với VITOUR cũng như bản thân tôi luôn tâm niệm Mỹ Sơn là một trong những chất xúc tác - một bệ phóng quan trọng đầu tiên để doanh nghiệp phát triển như hôm nay. Cứ thế, mình gắn với nghề du lịch và Mỹ Sơn đến tận bây giờ… Và tôi nghĩ, Mỹ Sơn, với tất cả giá trị, sự quyến rũ của di sản và vùng đất, chắc chắn đã một “bệ phóng” cho không chỉ riêng tôi!
* Còn ở góc độ một doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về hành trình của Mỹ Sơn 20 năm qua?
Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Cần nhìn nhận việc được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới là bước đệm quan trọng để điểm đến này tạo được sự khởi sắc vượt bậc như hôm nay. Hai mươi năm qua, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng như những đơn vị, tổ chức liên quan đã làm được rất nhiều việc để phát triển du lịch. Trong đó quan trọng nhất là giữ được Mỹ Sơn như một điểm đến an toàn thân thiện, đúng nghĩa một điểm đến về du lịch sinh thái cộng đồng được du khách quốc tế đánh giá cao và cực kỳ yêu thích. Từ sự kết nối chặt chẽ xuyên suốt hai thập kỷ qua giữa nhà quản lý với cộng đồng doanh nghiệp, Mỹ Sơn vừa bảo tồn được hồn cốt của mình vừa hàm chứa nhiều dư địa để phát triển du lịch, tạo ra sự khởi sắc chung cho vùng đất này.
Ở đây còn một điều trăn trở là việc Mỹ Sơn phát triển chưa xứng với tiềm năng, khi lượng khách tham quan địa điểm này còn quá nhỏ bé so với tổng lượng khách đến 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
* Rào cản ở đây có phải là việc thiếu các dịch vụ đi kèm cho du khách?
Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Dễ dàng nhận thấy lượng khách đến Mỹ Sơn hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp trong cơ cấu khách đến Quảng Nam (năm 2019 chiếm khoảng 5,5%). Tuy nhiên tôi nghĩ không vì điều đó mà phải phát triển Mỹ Sơn một cách ồ ạt, tham lam, nhất là ở loại hình lưu trú. Điều cần thiết tất nhiên là phải có quy hoạch bài bản, phát triển sản phẩm đặc sắc hơn. Vùng lõi chỉ nên là nơi tham quan, mua sắm. Còn khu vực vùng đệm của Mỹ Sơn có thể khai thác các loại hình lưu trú dạng du lịch cộng đồng như homestay, camping… đi kèm các dịch vụ trải nghiệm văn hóa, cảnh quan, vật lý trị liệu cơ thể bằng dược liệu, thay vì chú trọng bê tông hóa các khách sạn. Chúng ta cũng cần mạnh dạn xúc tiến quảng bá di sản Mỹ Sơn ngay từ những điểm đầu để tiếp thị với du khách ngay khi vừa đặt chân đến Việt Nam, cụ thể ở các cảng biển, cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
* Ông có thể gợi ý một vài giải pháp xúc tiến hiệu quả cho Mỹ Sơn để thích ứng với thời đại công nghệ?
Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Hiện, cơ cấu khách đến Mỹ Sơn đa quốc tịch nên việc xúc tiến quảng bá trên internet, mạng xã hội cũng cần hướng đến đa ngôn ngữ. Chúng ta cần tính toán các dòng khách chủ lực và tiềm năng để tích cực quảng bá tại các mạng xã hội thông dụng ở từng nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… nhằm đạt hiệu quả quảng bá cao nhất. Theo tôi biết, trước khi có hoạt động bảo tồn di sản thì nhiều di tích thuộc khu đền tháp này cũng đã bị biến mất bởi thời gian và chiến tranh. Chúng ta có thể nghiên cứu phục hồi, trình diễn lại quần thể đền tháp tương đối nguyên vẹn ngày xưa thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo 4D, 5D như một số nơi đã làm để du khách cảm nhận khái quát được một phần nào đó sự hùng vĩ của các cụm tháp phế tích hiện nay không còn nữa.
* Ông có thể đề cập một chút về dấu ấn Chăm ở Mỹ Sơn hiện nay?
Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Thời gian qua các chương trình nghệ thuật, trình diễn văn hóa Chăm trong khu đền tháp Mỹ Sơn được đánh giá cao và nhận phản hồi tích cực từ du khách lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Dù vậy, tôi nghĩ dư địa để chúng ta khai thác sâu hơn về các nét độc đáo, dấu ấn Chăm của vùng đất này vẫn rất rộng mở. Đơn cử như việc nghiên cứu nhu cầu khách để tạo ra các loại quà lưu niệm, đặc sản của người Chăm vừa mang tính chất độc đáo của văn hóa Chăm vừa có giá trị sử dụng hoặc giá trị về phong thủy. Hiện nay, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã làm rất tốt mảng văn nghệ truyền thống Chăm, tuy vậy tôi nghĩ cần mạnh dạn phát huy truyền tải thông điệp đến các vùng lân cận phối hợp với Huế, Đà Nẵng, Hội An để cử đoàn ca múa Mỹ Sơn đi giao lưu biểu diễn mỗi khi các địa phương này có sự kiện.
Ngoài ra tôi cũng ấp ủ ý tưởng muốn chia sẻ về việc trồng cây me vừa có bóng mát, phục vụ ẩm thực, quà lưu niệm, dược liệu hay trồng rừng hoa sứ Chămpa tạo ra không gian lãng mạn cho du khách chụp hình lưu niệm, bởi cả hai loài này đều hợp với thổ nhưỡng vùng Mỹ Sơn và gắn liền với đời sống văn hóa người Chăm.
* Phải chăng Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn nhiều năm qua vẫn nhạt nhòa do không tạo ra được dấu ấn, đặc trưng bản địa?
Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Thú thực là đến khi dự buổi tọa đàm doanh nghiệp với Mỹ Sơn vừa qua tôi mới nắm thông tin cơ bản về Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, bởi khâu quảng bá cho điểm đến này có lẽ còn quá sơ sài. Tôi cho rằng để du lịch cộng đồng tại đây phát triển, điều quan trọng là hình thức phát triển trong đó chú trọng nghiên cứu nhu cầu của khách.
Thêm nữa, muốn tạo ra được sức bật cho làng thì việc hình thành tuyến xe cố định từ Huế, Đà Nẵng và Hội An đến Mỹ Sơn là điều cần thiết để tạo thuận lợi cho du khách muốn tham quan, lưu trú theo hình thức du lịch cộng đồng. Những nhà quản lý cũng có thể nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở đây gắn với các giai thoại vô cùng hấp dẫn ở vùng đất này, nhất là giai thoại chúa Nguyễn với bà Đoàn Quý Phi để khơi gợi tính tò mò, muốn khám phá trong du khách...
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!