Đánh thức Dinh trấn Thanh Chiêm
Một không gian văn hóa vinh danh Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ đang được UBND thị xã Điện Bàn triển khai xây dựng tại xã Điện Phương, mở ra những kỳ vọng về một điểm đến du lịch mới lạ nhiều trầm tích văn hóa hấp dẫn.
Vinh danh chữ Quốc ngữ
Theo thiết kế, khu Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm được đặt tại thôn Thanh Chiêm 1 (đối diện Trường THCS Nguyễn Du) tổng diện tích 1,85ha, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Các hạng mục bên trong bao gồm: phục dựng một phần Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, xây dựng nhà trưng bày hiện vật về dinh trấn; nhà bảo tàng chữ Quốc ngữ, trưng bày các hiện vật liên quan đến chữ Quốc ngữ; tượng các chúa Nguyễn, những người có công mở cõi, người có công đóng góp cho Quảng Nam, tượng các giáo sĩ đầu tiên đặt nền móng khai sinh chữ Quốc ngữ cùng những nhà học giả, nhà báo có công truyền bá, cổ súy cho việc sử dụng mạnh mẽ chữ Quốc ngữ… Hiện dự án đã gần xong giai đoạn 1 (kè chắn, san lấp mặt bằng), dự kiến Công viên Dinh trấn sẽ hoàn thành mở cửa đón khách vào năm 2022.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, sau thành công của hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ (năm 2016), Điện Bàn đã tham mưu tỉnh lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia cho di tích Dinh trấn Thanh Chiêm. Đồng thời tiến hành khoanh vùng, cắm mốc và lập kế hoạch đầu tư xây dựng di tích Thanh Chiêm trở thành Khu công viên Dinh trấn Thanh Chiêm nhằm bảo tồn phát huy giá trị di tích. “Sau khi hoàn thành, công viên không chỉ vinh danh chữ Quốc ngữ mà còn trở thành nơi phục vụ các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn phát huy chữ Quốc ngữ, hướng đến xây dựng Thanh Chiêm trở thành điểm văn hóa phục vụ du lịch” - ông Hà chia sẻ. Cũng theo ông Hà, bên cạnh một số hiện vật được khai quật trước đây, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành sưu tầm thêm hiện vật liên quan. Đặc biệt, sẽ phối hợp với các nhà khoa học tổ chức phát động đóng góp hiện vật cho khu không gian, kể cả các văn bản chính từ giấy tờ ngày xưa của các cha truyền đạo đang lưu ở các bảo tàng nước ngoài cũng sẽ cố gắng sưu tầm hoặc sao chép lại mang về trưng bày.
Điểm đến văn hóa du lịch
Từ năm 2016 ý tưởng về việc xây dựng Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm và vinh danh chữ Quốc ngữ đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm, ủng hộ. Trong đó, phải kể đến GS. Nguyễn Đăng Hưng - Viện trưởng Viện Vinh danh chữ Quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt (Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), người đã vượt hơn 6.000km từ Việt Nam đến thành phố Isfahan (Iran) để đặt bia tôn vinh giáo sĩ Alexandre de Rhodes - một trong những người có công lớn sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhân kỷ niệm 538 năm ngày mất giáo sĩ này (5.11.1540 - 5.11.2018). Chuyến đi của GS. Nguyễn Đăng Hưng được ví như hành trình “Ngược nguồn tiếng Việt”, đây cũng là lần đầu tiên một phái đoàn người Việt đến viếng mộ giáo sĩ Alexandre de Rhodes trên đất Iran.
Trong buổi tọa đàm và chiếu phim hành trình tri ân giáo sĩ Alexandre de Rhodes diễn ra hồi tháng 4.2019, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho rằng, hành trình đặt bia tri ân giáo sĩ Alexandre de Rhodes chỉ mới là khởi đầu, bước tiếp theo sẽ tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham dự của Viện Sử học Bồ Đào Nha; khoa Đông Dương, Trường Đại học Paris; các trường đại học ở Geneve Thụy Sỹ… Hội thảo sẽ làm sáng rõ thêm tầm quan trọng của chữ Quốc ngữ cũng như vinh danh cha Alexandre de Rhodes và những bậc tiền bối, dự kiến diễn ra tháng 12.2019 tại Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm đứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hà cho biết, trong hội thảo này Điện Bàn sẽ thông qua GS. Nguyễn Đăng Hưng vận động, kêu gọi các trí thức, học giả quan tâm đến chữ Quốc ngữ cổ động cho việc hình thành Trung tâm Vinh danh chữ Quốc ngữ. Hiện tại, Điện Bàn đã làm việc với GS. Nguyễn Đăng Hưng và nhận được sư ủng hộ của ông… “Trong chiến lược phát triển du lịch Điện Bàn, các giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, công viên hình thành sẽ không chỉ là điểm đến văn hóa du lịch độc đáo nhằm bảo tồn, vinh danh, tri ân tiền nhân mà còn giúp kết nối các điểm đến trong vùng, nhất là các làng nghề nhằm phục vụ khách tham quan trên con đường di sản phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn” - ông Hà nói.