Giật mình cái sự xuống hàng...
Cách đây mấy năm, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về 2 tấm pa-nô tuyên truyền bị biến nghĩa hoàn toàn chỉ vì lỗi xuống hàng. Một câu là khẩu hiệu về phong trào tình nguyện, gồm có 7 chữ “Thanh niên làm tình nguyện hết mình”, mạch lạc và rõ nghĩa, chỉ có điều nó được ngắt dòng ngay sau chữ “tình”, khiến cho người xem giật mình, tá hỏa.
Một câu là khẩu hiệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình: “Mỗi gia đình có hai con vợ chồng hạnh phúc”; oái oăm thay là câu này được xuống hàng ngay sau chữ “vợ”... Sau một thời gian trôi nổi với rất nhiều lời bình phẩm - đa số là dè bỉu, la lối, may là sau đó 2 bức ảnh này được một số chuyên gia hình ảnh phân tích và chỉ ra rằng đó chỉ là ảnh “chế” bằng kỹ thuật photoshop.
Nhưng cũng từ câu chuyện về 2 bức ảnh “chế” nói trên, kiểm tra lại trong thực tế, có thể thấy cái kiểu lỗi xuống hàng như thế là có thật. Có lần, khi dừng chờ tín hiệu đèn giao thông ở một ngã tư, người viết bài này tình cờ nhìn thấy tấm biển phụ đặt ngay dưới hộp đèn với dòng chữ “Đèn đỏ được/ rẽ phải”. Đọc qua, ai cũng hiểu là tại nút giao thông ấy, ngay cả khi đèn tín hiệu màu đỏ được bật lên, người tham gia giao thông đi về hướng bên phải được quyền đi tiếp. Chỉ có điều, chữ “được” lại nằm không đúng chỗ cho lắm. Lần khác, là dòng thông tin mang tính khuyến cáo “Không hút thuốc lá nơi công cộng”. Hầu như ai cũng có thể tiếp nhận và hiểu được thông tin mà câu khẩu hiệu này đặt ra; song vẫn không khỏi cảm thấy khó chịu, buồn cười khi nó được xuống hàng sau chữ “thuốc”. Khi được phản ảnh, người đứng đầu đơn vị nơi có câu khẩu hiệu được ngắt dòng chưa đúng chỗ này thừa nhận đó là một sơ sót và giải thích thêm, rằng lỗi ấy có thể là do... kích thước của tấm bảng quá nhỏ, không đủ chỗ để viết nên phải xuống hàng(!). Chưa đầy một ngày sau khi được phản ảnh, đơn vị trên đã cho thay tấm bảng mới với câu khẩu hiệu được viết thẳng dòng, không xuống hàng.
Ở hai ví dụ nêu trên, đúng là tấm bảng để viết khẩu hiệu có kích thước khá nhỏ. Tất nhiên, tấm bảng dù nhỏ thì vẫn có thể viết được những thông điệp chính xác, rõ nghĩa, đúng nhịp nếu biết chọn kích cỡ chữ phù hợp. Còn như với những tấm pa-nô cỡ lớn được dựng ngoài trời sẽ được dẫn ra dưới đây, không rõ người ta sẽ nói là lỗi do đâu? Ở một thôn nọ, để tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, người ta cho dựng tấm pa-nô với nội dung sau: “Nhân dân thôn X. quyết tâm xây/dựng thành công nông thôn mới”. Phải là “xây dựng” một cách mạch lạc chứ sao lại là “xây/ dựng”? Hay trên trục quốc lộ 1 đoạn qua xã Tam An (Phú Ninh), lâu nay có một tấm biển chỉ dẫn khá lớn, trên đó ghi dòng chữ như sau: “Di tích lịch sử địa đạo/ Kỳ Anh”. Mắc lỗi xuống hàng tương tự (nhưng mức độ gây ra sự “giật mình” thì hơn hẳn) là dòng chữ trên tấm biển chỉ dẫn về di tích Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên), được viết như sau: “Di tích quốc gia lăng mộ/ bà Đoàn Quý Phi”. Làm gì có cái gọi là “Di tích lịch sử địa đạo” và cũng không hề có cái gọi là “Di tích quốc gia lăng mộ”! Tên gọi của 2 di tích vừa nêu cũng không phải là “Kỳ Anh” hay “bà Đoàn Quý Phi” mà chính xác phải là “Địa đạo Kỳ Anh” và “Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi” chứ!
Mà đâu chỉ trên các tấm pa-nô, khẩu hiệu, ngay trên mặt báo, lỗi xuống hàng, qua dòng ngớ ngẩn và tai hại ấy cũng xảy ra không ít. Có lần, một tờ báo nọ đã phải tạm ngưng phát hành, gấp rút cho người tỏa đi các nơi để thu hồi những bản in “lỡ” phát hành trước đó, chỉ vì một dòng chú thích ảnh dính lỗi xuống hàng. Bên dưới bức ảnh được in trên trang nhất ngay dưới măng-set, dòng chữ “Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ...” đầy đủ và trang trọng là vậy nhưng hóa ra lại hỏng chỉ vì nó được ngắt dòng ngay sau chữ “vòng”, khiến ai nấy khi nhìn vào đều ngớ cả người. Mới đây, trong một bài viết về nghệ thuật thứ bảy của một tờ báo nọ, người đọc cũng không khỏi giật mình khi tít bài bị ngắt nhịp, xuống hàng như sau: “Hướng/ tới diễn/ xuất tinh/ tế và đa/ chiều”. Không chỉ làm gãy hoàn toàn kết cấu câu, tạo ra những cụm từ vô nghĩa và đặc biệt là cả một cụm từ có nghĩa nhưng... hết sức kỳ cục ở đây.
Vậy mới thấy, nếu thiếu tỉnh táo, thiếu tinh tế và cẩn trọng, thao tác xuống hàng thuần túy mang tính kỹ thuật vẫn có thể làm cho câu văn thay đổi nghĩa hoàn toàn, gây nên những hiểu lầm hết sức tai hại...