Thâm thúy của hò khoan đối đáp

HUỲNH NGỌC SÁU 18/09/2019 15:39

Không biết hát hò khoan Quảng Nam sau này có được ngồi “chung chiếu” với hát bả trạo và trở thành là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không? Nhưng những câu hát hò khoan xưa thì như còn vang vọng đâu đây…

Hò khoan đối đáp trên sông. Ảnh: K.L
Hò khoan đối đáp trên sông. Ảnh: K.L

Hát hò khoan có nhiều phong cách hát: Hát ghẹo, hát chào, hát trách, hát nhân ngãi, hát đố… Có khi là lời hát tán tỉnh, có khi là lời hát thử tài, có khi là lời hát chọc hay đố kỵ nhau thái quá, nhưng chung quy thì các câu hát đều thể hiện sự linh hoạt ứng biến, đáp trả chuẩn xác tài tình. Tôi đã bắt gặp câu hát khá hay của cả người hỏi lẫn người đáp cho dù anh nam chưa có câu trả lời làm hài lòng chị nữ.

Nữ: Gặp người thương xin hỏi người thương

Xin chàng cho thiếp biết vua Hùng Vương họ gì?

Nam:  Ta lớn lên chưa biết hết bổn hương

Vẳng tai nghe tiếng hỏi vua Hùng Vương tới chừ

Phải chi ta một trăm tuổi có dư

Thì ta sẽ kể tận từ cùng ngươi

Vẳng tai nghe tiếng hỏi mà nực cười

Phải chi ta cũng là người xưa xa

Phải chi người hỏi chuyện nhà

Hay hỏi đã có đàn bà hay chưa

Hỏi gì ta cũng mến cũng ưa

Hỏi chi ba cái chuyện đời xưa... ớ người.

Qua câu hát nghe giọng nữ cất lên với một câu hỏi tưởng chừng như dễ thở nhưng xem ra đây là một câu hỏi hại não của người chơi, đòi hỏi đối phương phải là bậc tri thức uyên thâm mới mong có lời đáp.

Gặp người thương xin hỏi người thương

Xin chàng cho thiếp biết vua Hùng Vương họ gì?

Lời hát nhẹ nhàng sâu lắng cách xưng hô “người thương” cũng đậm nét tình quê để rồi sau đó là một câu hỏi khó. Có lẽ ai đã đọc “Đại Việt sử ký toàn thư” thì may ra mới biết Vua Hùng đầu tiên của nước ta là Kinh Dương Vương có tên họ Lộc Tục nên họ ông ta sẽ là Lộc. Còn với anh chàng trai trong câu hát này có lẽ đây là kiến thức rất mới đối với anh. Cũng là lẽ thường thôi. Bởi kiến thức thì mênh mông vô hạn mà hiểu biết của con người thì hữu hạn nhỏ bé thôi. Nhưng cái tài của anh ta là đối đáp. Hát làm sao để phía bên kia còn cảm mến cảm thông.Với một điều kiện cần ứng khẩu ngay, sau trong vài giây suy nghĩ. Xem ra anh chàng trai này cũng là tay gạo cội trong làng chơi.

“Ta lớn lên chưa biết hết bổn nương”. Đó cũng là lý do để anh ta biện minh cho mình vì sao không lời giải. Chưa lên nguồn xuống biển, chưa ngõ hẻm hang cùng,  chưa chu du thiên hạ, thậm chí cả một đời chưa ra khỏi lũy tre thì làm sao anh ta biết… Hay! Rất hay, rất có lý, ngay cả bổn hương anh còn chưa biết thì nói gì tới Hùng Vương.

“Phải chi ta trăm tuổi có dư”

Đúng rồi, phải chi anh ta là bậc cao niên gia lão đã từng trải nghiệm thời gian. Phải chi anh đã già nua trăm tuổi, ăn trên ngồi trước chiếu làng, đằng này anh ta trẻ đấy hỏi gì mà khó vậy.

Thường thì khi gặp câu hát hỏi khó, hay câu treo ghẹo thái quá, đố hiểm xấc xược của đôi bên “ngang tài ngang sức” thì ta thường bắt gặp các câu hát đáp trả “chan chát” như :

Nam: Trên sơn dưới thủy bạn giữ kỹ làm gì

Tiền thân hậu phúc kiếm chút ấu nhi mà bồng.

Nữ: Trên sơn dưới thủy ta có giữ kỹ cũng ra đám đất bằng

Mai sau bạn có chết thì ra chỗ nớ lập cái lăng mà thờ.

Hay:

Nữ: Sớm mai vác kiểng ra sân

Kiểng xây lá hẹ chín mười phần thương anh...

Nam: Lâu ngày anh mới ghé thăm chơi

Phản bên ni mắc dâu, phản bên kia mắc tằm

Thôi anh nằm phản giữa sơ sơ

Nằm lâu anh ngó trật lên bàn thờ

Ủa chứ kiểng mô em xây ngoài nớ, kiểng mô em thờ trong ni.

Hát ghẹo hay hát đố mà thái quá, hay khó quá thường có câu hát trả lại là sự “bông đùa” chua chát  không thì cũng nhận về câu trả lời “ác độc” để đối phương thẹn, nghen, hay xấu hổ mà “tắt đài” đi.

Quay lại với câu hát mà tôi muốn nói. Cái hay ở đây là anh chàng nam của chúng ta không chọn giải pháp đó mà lại chọn kiểu cách dịu êm trách lại.

Phải chi người hỏi chuyện nhà

Hỏi thăm đã có đàn bà hay chưa

Nếu hỏi vậy thì anh sẽ vâng thưa và trả lời gọn ghẽ vì đó là lĩnh vực trong tầm suy nghĩ của anh. Anh trách. Trách để làm gì? Trách cũng là để biện minh cho mình không lời đáp.

Sự tài tình ở đây là đối đáp gọn nhanh. Giải pháp nào cho câu hát mà người bên kia tiến chiến còn cảm phục, mến yêu. Không thể trợt lớt bâng quơ một lời “không biết” trống rỗng nghe xấu hổ thế à, cũng không thể chửi cha con hát hay chửi mẹ thằng bày để bỏ chạy, càng không thể xốc nổi thiếu lịch lãm ở đây. Thế nên giải pháp mà anh nam của ta chọn là hay khi xét về cả tình lẫn lý.

Và câu kết: Hỏi chi ba cái chuyện đời xưa... ớ... người.

Việc dùng từ “ớ” ở câu cuối mà không dùng từ “hỡi” theo tôi là cũng có ý. Thông điệp mà anh ta gửi lại đối phương là anh ta hát đáp rồi đó. Người ơi, người hãy trả lời lại ta đi!  Vì sao không hỏi chuyện nhà.? Hay hỏi của chuyện đàn bà đàn ông ở đây?....

Chuyển một câu trả lời thành một câu hỏi cho đối phương. Xem ra thật thâm thúy.

HUỲNH NGỌC SÁU