Biểu tượng cố kết cộng đồng

TẤN VỊNH 12/09/2019 14:06

Người miền núi nước ta, từ Đông Bắc, Tây Bắc đến vùng Trường Sơn, Tây Nguyên có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, giàu tính nhân văn, đặc biệt là tinh thần cố kết cộng đồng. Truyền thống này được hình thành từ rất lâu đời, là nhân tố quan trọng để cộng đồng các dân tộc tồn tại và phát triển, tạo nên sức mạnh trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương.

Cõng nhau vào nhà- nghi thức thể hiện tình thân ái của hai người bạn kết nghĩa anh em của dân tộc M’nông. Ảnh: T.VỊNH
Cõng nhau vào nhà- nghi thức thể hiện tình thân ái của hai người bạn kết nghĩa anh em của dân tộc M’nông. Ảnh: T.VỊNH

Tinh thần cố kết cộng đồng được thể hiện rõ nét trong di sản văn hóa như kiến trúc nhà làng, nghệ thuật tạo hình, lễ hội, tập quán, nếp sống, văn học dân gian... với một ngôn ngữ biểu tượng phong phú, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, ước mơ bình dị trong đời sống của các cộng đồng tộc người.

Ngôi nhà chung của làng

Nhà làng truyền thống là loại hình kiến trúc tiêu biểu của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên; người Xê Đăng, Ba Na gọi là nhà rông, người Giẻ Triêng gọi là nhà ưng, người Cơ Tu gọi là gươl. Đây là di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc, là không gian kết nối các thành viên trong cộng đồng. Nhà làng là điểm giao thoa/hội tụ giữa các thế hệ trong gia đình, trong dòng họ, trong làng và có khi mở rộng ra các làng. Nhà làng được đồng bào miền núi xem như một trường học, ở đó diễn sự trao truyền, bày dạy những kinh nghiệm trong sản xuất, sinh hoạt, ứng xử giao tiếp với con người, với tự nhiên... của các thế hệ. Ở đó truyền thống tộc người được nuôi dưỡng, khơi nguồn qua các điệu lý, câu chuyện kể...

Xưa kia, nhà làng là nơi sinh hoạt tâm tình, canh gác và ngủ hàng đêm của lớp thanh niên làng chưa vợ. Ở đó, quây quần quanh hai bếp lửa bập bùng nằm đối xứng qua cây cột lớn, họ được ông, cha, anh kể cho nghe những truyền thuyết về dòng họ, về dân tộc mình; dạy các bài hát dân ca, cách hát lý, chơi các nhạc cụ; dạy cách làm nỏ, làm bẫy, đan lát, làm nhà, khắc vẽ các mô típ truyền thống; cách đi rừng săn bắn, đặt bẫy, đánh cá... Ở đó, người dân trong làng chia sẻ ngọt bùi, cùng chăm lo công việc chung, cùng tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng. Do đó, nhà làng truyền thống không chỉ mang biểu tượng của vẻ đẹp kiến trúc mà còn biểu tượng của sự nâng đỡ, tương tác, hiện rõ tinh thần cố kết cộng đồng.

Kết nghĩa anh em

Để thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, bà con miền núi còn có tập quán kết nghĩa giữa các làng bản với nhau, giữa hai gia đình hay hai dòng họ khác nhau. Lễ Pơngát của người Cơ Tu là lễ ăn thề, kết nghĩa anh em, là một lễ hội truyền thống có từ xa xưa, được đồng bào rất coi trọng, trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Lễ kết nghĩa xuất phát từ nhu cầu kết thân, cũng có khi là để hòa giải tục trả đầu, xích mích với nhau trong lao động sản xuất, hoặc giải quyết các trường hợp tranh chấp về đất đai, nương rẫy, sông suối...

Theo dân làng, nếu không có lễ này thì đồng bào có cảm giác lo sợ mỗi khi bước vào làng khác và ngược lại. Thường thì làng nhỏ không tổ chức lễ kết nghĩa, chỉ có làng lớn có tiếng tăm trong vùng mới đứng ra tổ chức. Khi làng lớn đã làm được lễ kết nghĩa thì các làng khác tự động nghe theo, đoàn kết lại. Thời Pháp thuộc đã từng diễn ra lễ kết nghĩa giữa người Cơ Tu ở Hiên, Giằng với người Kinh ở đồng bằng, gọi là “Hiệp thương Pơngat” (1938 - 1939). Trong thời chống Mỹ, ở miền núi Quảng Nam từng diễn ra những hoạt động nhằm thắt chặt tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc như Đại hội đoàn kết các dân tộc huyện Bến Giằng vào năm 1953.

Cây đa đoàn kết

Trên vùng cao gần biên giới Việt - Lào có hai cây đa sộp hơn 700 năm tuổi với đường kính 4m ở thôn Arầng 1 (xã A Xan, huyện Tây Giang), được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Tại đây cũng có miếu thờ thần, hàng năm vào ngày 18 tháng Giêng, bà con trong thôn Arầng tổ chức lễ cúng, cầu mong làng bản bình yên. Dưới hai gốc cây đa người dân còn xây bệ thờ để thờ thần rừng. Bà con Cơ Tu nơi đây gọi là “Cây đa đoàn kết”. Vì dưới hai gốc cây đa này đã diễn ra việc người dân xã A Xan và xã Lăng (Tây Giang) làm lễ hòa giải với nhau, cùng xóa bỏ hủ tục “săn đầu người” (săn máu, giặc mùa) tàn khốc một thời.

Đối với bà con miền núi, hình ảnh “cây đa bến nước, cây sung đầu làng” không chỉ nói về vai trò của người đứng đầu làng (những thủ lĩnh, người già có uy tín) chở che, mang lại mạch nguồn, năng lượng cho cuộc sống mà còn biểu tượng của tinh thần “muôn người như một”, “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.

Nếu như trong truyền thuyết của người Việt có nói về sự tích mẹ Âu Cơ “đẻ ra trăm trứng” thì trong kho tàng truyện cổ các dân tộc có câu chuyện về “quả bầu mẹ”, giải thích về sự hình thành, ra đời của các dân tộc anh em. “Quả bầu mẹ” là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Một số tộc người còn có tín ngưỡng thờ vật tổ (tô tem giáo), theo đó, các con vật, cây cối được dùng để đặt tên cho dòng họ và có tín ngưỡng thờ con vật ấy. Dòng họ Zơrâm của người Cơ Tu đã lấy con chó làm vật tổ, theo một sự tích. Tín ngưỡng thờ vật tổ, coi trọng vật linh biểu hiện tàn tích của tôn giáo nguyên thủy nhưng giá trị đằng sau “lớp bụi truyền thuyết” này là sự giáo dục về tinh thần cố kết cộng đồng. Tinh thần này luôn được nhắc đến trong ca dao, tục ngữ, lời nói vần của các dân tộc. Luật tục các dân tộc cũng giàu tính nhân văn, đề cao sự hòa hợp, khoan dung, đoàn kết trong cộng đồng.

TẤN VỊNH