Ba trăm năm, một danh xưng
Đã ba trăm năm từ buổi binh mã chỉnh tề, ngựa xe đông đúc trong ngày chúa Nguyễn Phúc Chu ban chữ vàng, Lai Viễn Kiều - Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản vẫn luôn đón khách phương xa bằng vẻ mộc mạc chân tình, bằng cái thanh bình, hòa hiếu.
Chữ vàng ban tặng
Năm Kỷ Hợi 1719, mùa xuân tháng 3, chúa Nguyễn Phúc Chu đích thân đem quân vào phía nam xem xét dinh trấn Quảng Nam, chỉnh đốn binh mã; sai Văn chức Nguyễn Khoa Đăng (con Bảng khoa hầu Nguyễn Khoa Chiêm) đi khảo sát, từ Quảng Nam đến Phú Yên cho lập ấp thuộc. Đến Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp nên đặt là cầu Lai Viễn, viết chữ vàng ban cho. Vậy là ngoài những cái tên dân dã có tự lâu: Cầu Nhật Bản, Cầu Chùa (hoặc Chùa Cầu) thì cây cầu độc đáo này còn có một mỹ tự: Lai Viễn Kiều.
Lần ngược về quá khứ, thử tìm hiểu mối lương duyên nào để cây cầu có một định danh được lưu truyền suốt 300 năm qua? Thông điệp của chúa Nguyễn Phúc Chu là gì? Giá trị trường cửu của tên gọi nằm ở đâu? Giải đáp được những điều đó là tôn vinh một biểu tượng của người Hoài Phố, là ghi dấu một vinh dự ngày xưa của xứ Quảng Nam mà không phải nơi nào ở Đàng Trong cũng có được.
Trước hết, đối với chúa Nguyễn Phúc Chu, trong thời gian cầm quyền ông luôn chăm lo phát triển kinh tế, giáo dục, quân sự, thực hiện chính sách an dân. Tháng 6 năm Ất Tỵ (1725), bắt đầu định chức lệ quan bản đường để khỏi tệ nhiều quan nhũng nhiễu dân. Làm sổ hộ khẩu, khai sổ đinh thì sai ký lục, duyệt lại kê tra ở sắc mục trong huyện với phương thức “lấy dân tra xét dân”, nhờ đó biết rõ số dân, phân biệt ruộng tốt xấu để đặt phu dịch, lập quân đội. Thực hiện phép đặt trường tuyển lính, thi lấy nhiêu học miễn lính 5 năm một lần gọi là quận thí mùa xuân. Lại tổ chức hội thí mùa thu để tuyển chọn người làm quan, cứ 9 năm thì học trò các phủ huyện đến ở dinh Phú Xuân, thi trong 3 ngày, kết quả treo bảng trước công đường.
Ông cũng mở rộng đáng kể lãnh thổ Đại Việt sau nhiều cuộc chiến với các vương quốc Chiêm Thành và Chân Lạp. Ông còn là một cư sĩ Phật giáo mộ đạo, có nhiều công lao trong việc trùng tu chùa chiền và hỗ trợ truyền bá Phật pháp trong nước. Thời ông trị vì, theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn: “Nam Bắc nghỉ binh 30 năm, trọn cõi yên ổn, trăm họ giàu có đông đúc, người ta gọi đời thái bình. Ông là đấng minh quân, được vua Gia Long truy tôn: Anh Hùng Mô Lược, Thánh Văn Tuyên Đạt, Khoan Từ Nhân Thứ Hiến Minh Hoàng Đế. Có thể xem ông là người văn võ song toàn.
Rộn ràng xứ sở
Còn phố Hội An, bấy giờ có một vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng. Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn: “Các xã Minh Hương, Hội An, Lao Chiêm (Cù Lao Chàm), Cẩm Tú, Làng Câu thì giữ việc thám báo, hễ tàu đến xứ Quảng Nam vào các xứ cửa Đại Chiêm phố Hội An, cửa Đà Nẵng để buôn bán thì phải nộp các hạng thổ vật, còn thuế thì định lệ theo thứ bậc, tính suốt cả năm được tiền bao nhiêu thì lấy 6 phần nộp làm thuế cảng, còn 4 phần thì quan lại quân dân đề chiếu theo ít nhiều chia nhau. Nếu có tàu bị gió bão giạt đến, không có hàng hóa không thể chịu thuế lệ thì người trưởng tàu làm đơn trình, liền truyền cho tuần nha giữ cửa biển cùng đồn thủ xem qua, cho mua củi gạo, ở 2-3 hôm thì đuổi ra biển, không cho vào cửa biển để khỏi sinh sự”.
Theo sách sử thì thuyền từ các nơi khác về thường chỉ mua được một thứ đặc sản, chẳng hạn từ Sơn Nam mua được củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về là hồ tiêu… Còn riêng thuyền từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, không nơi nào bì kịp được. Tất cả vật phẩm sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An, vì thế khách đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước.
Hàng hóa nhiều đến mức dù cho trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được. Hàng bán đi rất chạy, nhiều lời, không ế đọng. Hàng mang đến thì: sa, đoạn, gấm vóc, vải, các vị thuốc, giấy, vàng, bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kính, pha lê, quạt giấy, bút, mực, kim, cúc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, đồ sành sứ…; đồ ăn uống thì các loại như lá chè, cam, chanh, lê, táo, hồng, bánh, miến, bột mì, trám muối, trứng muối, tương gừng, tương ngọt, đậu phụ, rau kim châm, mộc nhĩ, nấm hương. Kẻ có người không, cùng nhau đổi chác, không ai là không thỏa được sở thích. Phố Hội An có nồi đồng, mâm đồng do tàu Tây phương chở đến bán, thời đó kể tới hàng nghìn hàng vạn cái, người khách buôn về bán lại thường lời gấp đôi. Chỉ riêng năm Tân Mão (1771), tàu buôn các xứ đến Hội An tiền thuế là 30.800 quan.
Chốn nhân tình thuần hậu
Có lẽ lúc nhìn thấy cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” của Phố nên khi dừng chân chúa Nguyễn Phúc Chu đã nghĩ đến mỹ tự cho cầu - biểu tượng của giao lưu kinh tế và giao thoa văn hóa giữa các quốc gia. Lai Viễn Kiều chẳng phải chính là nơi đón người khách ham đi, ham biết từ phương xa tới hay sao! Đó chính là những con người lịch lãm, tức là “đi nhiều, hiểu biết rộng”, một ngày đẹp trời chợt đến nơi đây, chốn nhân tình thuần hậu. Người dân chất phác mời lữ khách dừng lại nghỉ ngơi, để rồi hòa quyện cái lịch lãm, từng trải với cái chất phác, chân tình mà tạo ra một bản sắc độc đáo mà ai ai cũng mến thương truyền tụng: “Để sầu cho khách vãng lai. Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”.
Cây cầu như tấm thịnh tình người dân nơi đây, luôn trải lòng rộng mở mời gọi, chào đón khách muôn nơi. Thông điệp hòa bình, hữu nghị cùng phồn thịnh trong giao lưu, giao thương cởi mở, luôn được xem như bạn bè và được đón tiếp ân cần tại chốn này là điều rõ ràng và chân thành nhất chúa Nguyễn muốn gửi đến cho những nhà buôn ngoại quốc và cho chính các quốc gia của họ.
Vẫn biết, Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản là biểu tượng của Hội An. Với dân nơi đây, đó chính là linh hồn và đã ăn sâu vào tâm thức của từng người, mỗi lần gọi tên lòng lại thêm yêu thương, ấm áp. Thế nhưng, dẫu sinh sau đẻ muộn nhưng cái tên Lai Viễn Kiều vẫn được nhắc đến đồng hành và nổi tiếng không kém hai cái tên kia. Đâu phải ngẫu nhiên, có một điều rất đặc biệt là chỉ khi dừng chân trên cầu này, người lữ khách phương xa mới có thể thưởng thức được bốn trong tám cảnh đẹp của Hội An xưa (Hội An bát cảnh), đó là: Trăng trên sóng Minh Giang (sông Hoài), thuyền đậu bến Cẩm Phô, người qua lại dừng chân nghỉ ở Chùa Cầu, và cảnh mua bán tấp nập rộn ràng của các nhà buôn quế ở phố. Và trong lúc nghỉ ngơi, người bạn phương xa mới cảm nhận được hết hồn Phố, tình người, mới hòa quyện tâm cảnh để tìm được những phút bình an, hạnh phúc nhất.