Ngàn năm tháp cổ Mỹ Sơn
Năm 2019 kỷ niệm tròn 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2019), đồng thời đánh dấu chặng đường hồi sinh mạnh mẽ của khu đền tháp vốn bị thời gian và chiến tranh tàn phá.
Triển khai nhiều dự án bảo tồn
Lịch sử hình thành khu đền tháp Mỹ Sơn tính đến nay đã hơn 1.400 năm, dù vậy khu di tích chỉ thực sự được biết đến vào những năm cuối thế kỳ 19 đầu thế kỷ 20 khi các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tìm đến. Sự phát hiện này cũng khởi đầu cho chặng đường hơn thế kỷ bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp với sự hợp tác, giúp đỡ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhất là từ sau khi Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, danh hiệu di sản văn hóa thế giới đã mang đến nhiều cơ hội cho Mỹ Sơn, nhất là thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước vào công tác bảo tồn di sản. Thông qua sự giúp đỡ, hợp tác sâu rộng với các quốc gia, tổ chức trong nước quốc tế như Lerici, MAG, JICA, Trường Đại học Milan, Viện ASI (Ấn Độ), tổ chức America Express, Văn phòng UNESCO Hà Nội; Chính phủ các nước Ý, Ấn Độ; Viện Trùng tu di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản… các nhóm tháp đã từng bước được phát lộ, bảo tồn thành công. Điển hình, có thể kể đến dự án Trùng tu bảo tồn nhóm tháp G (Ý) và dự án Bảo tồn các nhóm tháp K, H, A (Ấn Độ). Trong đó, việc bảo tồn thành công nhóm tháp G (2003 - 2013) đã trở thành hình mẫu cho việc trùng tu các nhóm tháp còn lại, không chỉ ở Mỹ Sơn, Quảng Nam mà rộng hơn là các đền tháp trên dải đất miền Trung. “Sự hợp tác bảo tồn giữa các chuyên gia Việt Nam và Ý bên cạnh giúp khôi phục diện mạo di tích còn tạo điều kiện để triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. Đồng thời giúp tạo nên đội ngũ công nhân lành nghề để tiếp tục triển khai những dự án bảo tồn Mỹ Sơn hiện nay cũng như thời gian tới” - ông Hộ nói.
Đặc biệt, danh hiệu di sản văn hóa thế giới cũng đã tạo điều kiện để hoàn thiện hạ tầng, giao thông. Nổi bật, chính là việc nâng cấp tuyến ĐT610 từ Nam Phước đến Mỹ Sơn năm 2007 (dài khoảng 27km, kinh phí 169 tỷ đồng), mở ra cơ hội quan trọng thúc đẩy du lịch di sản phát triển, nâng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng năm bình quân hơn 10%.
Gắn kết du lịch
Năm 1999 chỉ khoảng 3.000 lượt khách tham quan Mỹ Sơn, đến nay con số trên đã tăng lên gấp hàng trăm lần. Năm 2018 Khu đền tháp Mỹ Sơn đón gần 400 nghìn lượt khách, tổng doanh thu 62 tỷ đồng; chỉ trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có khoảng 250 nghìn lượt khách đến tham quan khu di tích Mỹ Sơn, qua đó minh chứng cho sức hút mà danh hiệu di sản mang lại. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - điều hành tour của Công ty TNHH du lịch An Phú (Hội An), đơn vị thường xuyên đưa khách lên Mỹ Sơn, khách tham quan không chỉ khám phá những đền tháp Chăm cổ kính mà còn được trải nghiệm các giá trị thiên nhiên, sinh thái trong lành. Đó là màu xanh của rừng, sự hoang sơ của hệ động thực vật đã được phục hồi phát triển tốt. “Mỹ Sơn hôm nay là một kho tàng với những tuyệt tác kiến trúc, những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đồng thời chứa đựng những kiến thức về vật liệu, kỹ thuật xây dựng từ nhiều trường phái khoa học trên thế giới, điều này đã mang đến nhiều thích thú cho khách” - ông Dũng nhận xét.
Hiệu quả của công tác bảo tồn di sản hiện diện rất rõ nét, từ trùng tu đền tháp đến phục hồi môi trường cảnh quan… Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nhóm tháp đã được mở cửa đón khách tham quan sau khi được bảo tồn thành công như nhóm tháp G, E7, và mới đây là hai nhóm tháp K, H. Kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Bộ VH-TT&DL, người đã có gần 15 năm tham gia các dự án bảo tồn tại Mỹ Sơn cho rằng, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy luôn gắn kết nhau, nhất là trong phát triển du lịch. Đặc biệt, sự đột phá trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học một cách bài bản, đúng nguyên tắc vào công tác bảo tồn và đã được thực tế chấp nhận, dù trước đây là vấn đề rất khó khăn. Qua đó, đã mở ra giai đoạn mới trong việc trùng tu các công trình kiến trúc đền tháp Chăm. Cùng với việc phục hồi các giá trị văn hóa như hình thành đội múa Chăm (2003), phối hợp với ngành giáo dục huyện đưa chương trình Giáo dục di sản vào trường học (2004); phục hồi rừng tự nhiên… đã trở thành những điểm nhấn đáng ghi nhận của Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm, kể từ khi trở thành di sản văn hóa nhân loại.