Bagan di sản thế giới
Cố đô Bagan - thánh địa của Myanmar vừa được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới sau gần 25 năm quần thể chùa tháp này được đề cử.
Nơi đây lưu dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo bởi mật độ dày đặc các kiến trúc, điện thờ, điêu khắc thể hiện lòng mộ đạo và tài năng xuất chúng của người xưa. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng các công trình kiến trúc ở Bagan vẫn giữ được hình hài, là tinh hoa kiến trúc và điêu khắc của đất nước Myanmar. Một số ngôi đền ở đây không chỉ là “dấu vết khảo cổ” mà đang là “đền chùa sống”, thu hút người dân khắp nơi.
Thành phố khảo cổ
Bagan là một thành phố nằm ở miền Trung Myanmar, vốn là kinh đô của Vương quốc Bagan được vua Anawrata thống nhất, tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Trong thời kỳ hoàng kim của Vương quốc Bagan, đã có tới hơn 4.000 ngôi chùa, đền và tu viện được xây dựng. Cho đến ngày nay chỉ còn tồn tại 2.200 ngôi đền, tháp và nhiều vết tích, phế tích của các công trình kiến trúc cổ. Vì vậy, Bagan hiện nay được coi như một “thành phố khảo cổ” đặc sắc, độc đáo nhất của Myanmar, thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới đến chiêm ngưỡng, khám phá.
Trong hàng nghìn di tích kiến trúc Bagan, ấn tượng nhất là 3 ngôi đền tháp quy mô, tiêu biểu, có giá trị lịch sử và nghệ thuật như Dhammaygyi, Thatbyinnyu, Ananda. Đền Dhammaygyi - công trình kiến trúc đồ sộ nhất, rộng nhất ở Bagan. Tương truyền rằng nhà vua Narathu, năm 1170 khi cho xây ngôi chùa này tuyên bố: “Nếu để một cái kim có thể xuyên qua đường nối giữa hai viên gạch thì người thợ xây đó sẽ bị phạt”. Biên niên sử Myanmar khẳng định rằng trong lúc công trình xây dựng chùa đang tiến triển, nhà vua bị ám sát bởi Sinhales nên nó không kịp hoàn thành. Hầu hết phần chính, cửa tò vò, mái vòm của công trình kiến trúc này vẫn còn lành lặn. Đền Dhammaygyi biểu trưng cho ánh sáng của Đức Phật. Do đó, chùa này được hiểu về mặt nguồn gốc như Dhammaramsi, tia sáng của Phật pháp.
Đền Ananda do Kyansittha xây năm 1091 là ngôi đền đẹp và tôn nghiêm nhất Myanmar. Đền này được người dân Myanmar coi là biểu trưng cho sự uyên thâm, trí tuệ của Đức Phật. Đây chính là ngôi đền được bảo quản tốt nhất và còn nguyên vẹn nhất cho tới hiện nay. Có lẽ vì thế mà quần thể đền Ananda này có một vẻ đẹp rực rỡ mà đi từ xa người ta đã bị hút mắt vào nó. Ngôi đền có 4 cổng, mở về 4 hướng, có kiến trúc hình thập tự. Mỗi bức tượng ở đây mang dáng dấp khác nhau, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc… Toàn bộ đền là điện thờ linh thiêng vừa là một bảo tàng đồ sộ được trang hoàng bởi 1.424 bức tượng thạch cao, đá, chạm khắc gỗ, kim loại, đất nung... Tại các hốc tường ở hành lang hiện hữu những bức tượng minh họa Đức Phật từ lúc sinh ra. Trên tầng cao hơn tô điểm thêm 891 tấm bản tráng men miêu tả những câu chuyện Jataka (tiền thân Đức Phật). Trong ngôi đền có một số bức tượng được đắp bằng vàng lá. Người dân và du khách khi lễ chùa, tham quan đền có tục cúng dường khá đặc biệt là mua vàng lá để xát lên bức tượng. Nhìn bức tượng rực vàng đủ thấy sự mộ đạo và thành kính của người dân Myanmar đối với Đức Phật.
Đền Thatbyinnyu là ngôi đền cao nhất ở Bagan. Thatbyinnyu có nghĩa là “thông suốt mọi sự”, là một trong những thuộc tính của Đức Phật. Chùa được xây dựng tại Bagan vào giữa thế kỷ 12 bởi vua Alaungsithu - cháu trai và là người nối ngôi vua Kyansittha - người xây dựng nên đền Ananda. Công trình có 5 tầng, tầng một và hai là nơi cư trú của các thầy tu, tầng 5 là nơi chứa các thánh tích, di vật thiêng liêng, một số tầng còn lại là nơi chứa tro cốt của các sư từng trụ trì nơi đây.
Giữ gìn nguyên vẹn
Điều đáng ngạc nhiên là trải qua hàng ngàn năm nhưng các đền tháp ở Bagan đều giữ được nét dáng kiến trúc thuở ban đầu. Có lẽ vì khí hậu ở đây khô ráo nên các công trình được bảo tồn tốt hơn so với ở những công trình đền tháp tọa lạc nơi ẩm thấp. Nhiều ngôi đền ở Bagan đang ở trạng thái trùng tu và được bảo tồn để chống xuống cấp. Với kỹ thuật trùng tu còn khá lạc hậu, thủ công do chính bàn tay những người dân Myanmar thực hiện nên những đền tháp nơi đây còn giữ được dáng dấp cổ xưa. Với họ, công việc này không hẳn là phục chế một công trình do tổ tiên xây dựng mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo có thừa trong mỗi con người Myanmar.
Trên mảnh đất cố đô, thời khắc được chú ý nhất có lẽ là bình minh và hoàng hôn. Đây là thời điểm linh thiêng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các ngôi đền tháp cổ, thả hồn lãng mạn, để nhìn ngắm và chụp ảnh. Đối với du khách hay những nhà săn ảnh, được ngắm và chụp ảnh quần thể đền tháp Bagan là điều thú vị nhất. Những ngôi tháp cao đối với họ, là địa điểm lý tưởng để thưởng ngoạn Bagan. Vào những ngày đông khách tham quan, người ta còn tổ chức cho du khách bay trên khinh khí cầu (baloon) để nhìn thấy toàn cảnh khu đền tháp.
Trước đây, đền Shwesandaw được coi là địa điểm “hot” nhất Bagan dành cho việc ngắm bình minh và hoàng hôn bao trùm xuống kinh thành cổ xưa. Vì cấu trúc của Shwesandaw có 4 mặt, 5 tầng, mỗi mặt đều có cầu thang nên rất thuận lợi cho du khách ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn. Tuy nhiên, vì sự an toàn của di tích, ngày nay tất cả đền tháp đều cấm cửa du khách và những người săn ảnh leo lên các tầng tháp bên trên. Thay vào đó là người ta đắp những mô đất hay tận dụng những gò đồi cao có view đẹp để du khách thuận tiện tham quan di tích mà không làm ảnh hưởng đến các công trình.
Sau khi đã trùng tu cơ bản, thời gian gần đây, chính quyền và những người quản lý di tích ở Bagan lại có sự ưu ái đặc biệt hơn cho du khách và những nhà săn ảnh tác nghiệp. Họ đã dành 2 ngôi tháp cao giữa trung tâm để du khách và các nhà nhiếp ảnh leo lên tầng cao ngắm cảnh và chụp ảnh thuận lợi. Đây là cách giải quyết khá ổn thỏa để vừa bảo tồn, tránh việc xâm hại di tích vừa quảng bá hình ảnh của mảnh đất cố đô giàu di sản và vừa làm hài lòng khách phương xa khi được tự do thả hồn vào không gian mênh mang của xứ đền tháp.