Mở lối tơ lụa Quảng Nam
Qua 5 lần tổ chức, “Festival Văn hóa Tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - Thế giới 2019” tiếp tục mở ra cơ hội kết nối ngành tơ lụa Quảng Nam với những trung tâm tơ lụa trong nước, quốc tế cùng khát vọng hồi sinh các làng nghề dâu tằm nổi tiếng một thời xứ Quảng.
Khai mạc sáng qua 8.8 tại Làng lụa Hội An, “Festival Văn hóa Tơ lụa, Thổ cẩm Việt Nam - Thế giới” năm nay thu hút sự tham gia của Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á và Nhật Bản, Học viện Mekong. Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham dự của 8 quốc gia và đại diện 5 thành phố cùng hàng chục đơn vị sản xuất và làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk; các làng nghề Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận; thổ cẩm Hà Giang, Khơme, Cơ Tu…
Theo ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, festival nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với nhiều tổ chức và thị trường quốc tế. “Sự kiện là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại hành trình phát triển ngành tơ lụa Việt Nam, khởi đi từ nhu cầu giao lưu giữa các đơn vị ngành tơ lụa trong và ngoài nước đến tìm kiếm mô hình gắn kết giữa sản xuất và thương mại, góp phần thúc đẩy sự liên kết sản xuất, mở đầu ra cho sản phẩm, khôi phục các làng nghề truyền thống” - ông Vũ nói.
Kể từ khi Hiệp hội Tơ lụa thế giới được thành lập (2015), Làng lụa Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tích cực gắn kết với hiệp hội, tạo ra các kênh liên kết, mở rộng giao thương hiệu quả. Thông qua Hiệp hội Tơ lụa Quảng Nam, Việt Nam đã liên kết với các thành phố tơ lụa như Como (Italia), Lyon (Pháp), Hàng Châu (Trung Quốc), Kyoto (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan), Siêm Riệp (Campuchia)… Mục tiêu hướng đến là chia sẻ cơ hội về giao thương; liên kết bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa làng nghề, nhất là học hỏi kinh nghiệm hiện đại hóa sản xuất tơ lụa, lấy sản xuất tơ lụa làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế các vùng nông thôn phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, bên cạnh ban hành các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư khôi phục ngành trồng dâu nuôi tằm, tỉnh rất mong muốn Hiệp hội Tơ lụa thế giới quan tâm hỗ trợ về giống, phương pháp nuôi tằm, quảng bá thương hiệu để sản phẩm vươn ra thế giới.
Giấc mơ “Dòng sông tơ lụa”
Một điểm nhấn của festival văn hóa tơ lụa năm nay chính là khát vọng hiện thực hóa giấc mơ “Dòng sông tơ lụa” dọc hai bờ sông Thu Bồn, nơi những bãi biền sẽ lại xanh ngát đồng dâu và tiếng thoi dệt lụa rộn rã trên những làng nghề Mã Châu, Gò Nổi... một thời vang bóng. Và trên dòng sông đó, mỗi ngày lại nhộn nhịp ghe thuyền chở khách tham quan. Theo ông Lê Thái Vũ, đây sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo nhằm đưa quá khứ về với hiện tại. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân để khôi phục lại những biền dâu và đầu ra sản phẩm tơ tằm. Đồng thời, biến nơi đây không chỉ trở thành vựa dâu tằm của tương lai mà còn là một điểm đến trải nghiệm, khám phá sinh thái, làng quê cho du khách” - ông Lê Thái Vũ chia sẻ
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, festival văn hóa tơ lụa không chỉ kết nối các trung tâm tơ lụa trên thế giới, mà còn là một trong những sản phẩm mới góp phần khôi phục làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, quảng bá thương hiệu du lịch, giúp thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế xã hội tỉnh. “Thời gian qua tỉnh đã tập trung khôi phục, phát triển các làng nghề trồng dâu nuôi tằm kết hợp với giá trị văn hóa truyền thống nhằm quảng bá thương hiệu du lịch địa phương, trong đó có thương hiệu về tơ lụa. Do đó, việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm làng nghề nói chung và nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa nói riêng sẽ là hướng đi đáng quan tâm, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Quảng Nam hiện nay và những năm đến” - ông Nguyễn Thanh Hồng nhìn nhận.