Về phe nước mắt...

PHÙNG TẤN ĐÔNG 19/06/2019 09:55

Một câu thơ gần như tuyên ngôn của Dương Tường: “tôi đứng về phe nước mắt”. Làm báo, viết văn không ai là không đứng về “phe nước mắt”.

Phe này toàn là những người “thấp cổ bé miệng”, những người khổ vì nghèo, vì yếu thế, vì oan trái, vì bị đối xử bất công và có lẽ sâu xa hơn, chẳng lọ giàu nghèo mà chỉ là vì trót mang phận làm người, làm người trong cõi ta bà đầy sân hận khổ đau - nói như nhà Phật hay vì trót mang tội tổ tông truyền như lời Chúa…

Nhưng cuộc đời đâu toàn cái sai, cái xấu. Bao nhiêu là người tốt, người lương thiện tử tế khiến cuộc đời thật đáng yêu, đáng sống. Làm sao không xúc động khi ta biết được những người mẹ, người vợ, người cha, người anh, những em nhỏ… đã lặng lẽ hiến tạng để cứu giúp cho đồng loại khi họ đang giành giật với bệnh tật hiểm nghèo để sống hay để bù đắp những gì mà thân thể họ đã mất, từng quả thận, từng trái tim, ánh sáng trong mắt, dòng máu trong thân. Cuộc sống là thế. Bên cạnh những việc làm thiện nguyện đáng trân quý thì vẫn có những việc làm đáng kinh tởm như việc “nuôi người để lấy thận đem bán kiếm lời” hay vì sự cuồng tín, mê muội mà “giết người phi tang trong bồn nhựa đổ bê tông”. Trong một thời buổi mà cái ác, cái xấu có chiều hướng “phổ biến” như chuyện “thường ngày” thì việc “đánh thức sự tử tế để ngăn cái xấu, cái ác” là việc chẳng dễ dàng chi của người cầm bút bởi trong giới họ cũng đã có những con sâu chuyên “làm hàng giả” bằng cách dựng chuyện, bịa chuyện tử tế đánh lừa những người đứng về “phe nước mắt” để đám sâu ấy mưu danh, trục lợi…

Viết như thế nào đây trong một cộng đồng mà chuyện thật, giả cứ luôn chồng lấn, cái tốt như ngọn lửa vừa nhen đã bị cái xấu, cái ác “dội” cho một thau nước lạnh. Vừa mới ngợi ca hành động của người thợ xây quê Hà Lam đang đi trên quốc lộ đoạn qua Hòa Vang đã cùng bạn dừng lại khoan cắt đống bê tông xe tải làm rơi trên đường đã đông cứng, có nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường thì đã thấy một tờ báo mạng đưa clip những kẻ đòi nợ thuê toàn nam giới ở Bình Minh (cũng địa bàn Thăng Bình) đánh dã man một phụ nữ lớn tuổi đến chấn thương sọ não phải nhập viện. Viết thế nào đây khi có người từng giữ vai trò phán quyết, luận tội để thực thi luật pháp thì lại phạm tội “ấu dâm”, những người điều tra buôn lậu lại quyết định bán tang vật với giá bèo khi tòa chưa xử xong vụ án (Vụ “Kỳ án gỗ trắc” sau gần 8 năm mới bị khởi tố (31.5.2019) xảy ra tại C44, Bộ Công an).

Viết thế nào đây khi ngành giáo dục - cơ quan đào tạo con người với ý nghĩa chân chính nhất, nhân bản nhất cho cộng đồng lại “làm hàng giả” trong thi cử. Rốt, người cầm bút phải trải qua “cơn bão lòng” (chữ của Tế Hanh) dữ dội nhất để còn biết suy xét, xúc động, yêu thương con người và để còn tiếp tục đánh thức sự tử tế vốn chưa từng mất đi trong cuộc sống. Nhà thơ Ý, Quasimodo có nói  đại ý, trái tim tôi là một nghĩa trang chôn từng ký ức thiện lành. Người cầm bút phải nuôi dưỡng sự khoan dung ngay trong lòng mình, phải biết đứng về phe nước mắt một cách khôn ngoan, giàu tài hoa, cảm xúc, sự dũng cảm, “vô úy” (không biết sợ) để có những trang viết tử tế chống cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đẹp, lẽ phải…

Cần tấm lòng đẹp, thiện, điều ấy quá hiển nhiên với những người cầm bút trước một vụ việc liên quan đến con người, xã hội. Thế nhưng cuộc sống trong đó có báo chí, văn chương luôn là một vận động không ngừng, luôn sáng tạo đổi mới để tồn tại trong thích ứng với người đọc đương thời. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, bất cứ sự dối trá, cẩu thả nào rồi cũng bị phanh phui. Cần thiết phải trở lại với slogan “chân chân chân, thật thật thật” với từng trang viết đầy sáng tạo từ ngay cả một dòng tin nhỏ.

Và bạn đọc, chắc chắn là bạn luôn đồng hành với chúng tôi vì ta thuộc/đứng về phe nước mắt.

PHÙNG TẤN ĐÔNG