Thơ ẩn náu, đời lẩn trốn

HỨA XUYÊN HUỲNH 17/06/2019 15:33

Tôi mường tượng ra cõi lòng nhạc sĩ Phạm Duy từng có một không gian ẩn náu tĩnh lặng khi ông viết ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng”, lấy cảm hứng từ tuyệt phẩm của Phạm Thiên Thư với hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng... Có gì khác lạ chăng, nếu so với những nơi chốn lẩn trốn bây giờ?

Thong dong một góc Huyền Không sơn thượng - Huế. Ảnh: H.X.H
Thong dong một góc Huyền Không sơn thượng - Huế. Ảnh: H.X.H

1. Nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng chữ “ẩn náu” khi viết về thơ Phạm Thiên Thư. Những dòng lục bát từ “Động hoa vàng” hay “Gọi em là đóa hoa sầu” đã cho Phạm Duy nguồn cảm hứng để “phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại”. Ý này của ông được trích dẫn trong cuốn “Vang vọng một thời” (NXB Hồng Đức – 2014) do Phạm Duy biên soạn, có nhắc những chuyện xung quanh ca khúc phổ thơ Phạm Thiên Thư.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết gì?

“Đối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài “Đưa em tìm động hoa vàng” được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ làm quan, lên non tìm động hoa vàng… Để làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy. Lúc đó tôi tự coi mình cũng là một kẻ từ quan tìm được một nơi ẩn náu là cõi thơ Phạm Thiên Thư” (Phạm Duy, sđd, trang 88).

Thế đấy, các bậc tài hoa vẫn thường có những cuộc kỳ ngộ. Với Phạm Duy và Phạm Thiên Thư (tức tu sĩ Tuệ Không), cuộc gặp của họ là cuộc gặp gỡ giữa một đỉnh núi với một đám mây, như Phạm Thiên Thư từng ví von. Và bàng bạc trong ca từ, giai điệu chính là cõi thanh cao, chốn thoát tục, hoặc dễ hình dung hơn – nơi ẩn náu. Đó có thể là động hoa vàng, nhưng cô đọng hơn phải nhắc đến hình ảnh một ngôi chùa đang khuất trong sương…

Không cần nhẩm lại lời ca chậm rãi theo điệu boston của Phạm Duy nữa, giờ là lúc nên trở lại với không gian ẩn náu của nhà thơ – tu sĩ. Trong bản in trước năm 1975 do Tiếng Thơ xuất bản, tôi đọc được lời thưa “lạ” về nội dung lẫn hình thức của chính Phạm Thiên Thư khi độc giả chưa kịp lật đến trang thơ đầu tiên: “Tưởng nhớ non núi cỏ hoa chim suối sương mù và màu xanh bát ngát của trang trại đá trắng đã dạy tôi yêu mến ma quỷ lẫn thánh thần để hát ca vi vút như cánh hồng hạc tung bay trong không vòm trời”.

Trước khi hồng hạc bay đi, hãy đọc lại vài câu lục bát tài hoa trong “Động hoa vàng”, để như thấy có những cánh nhạn đang tìm về:

“Động nam hoa có thiền sư

đổi kinh lấy rượu tâm thư uống tràn

nến khuya lửa hắt hiu vàng

trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa”.

2. Ấy vậy, vẫn (và hình như sẽ) có những không gian tĩnh lặng nhưng không tạo ra cõi ẩn náu, mà chỉ là một nơi chốn lẩn trốn tầm thường.

Trong tuần vừa rồi, có cụm từ “mới” xuất hiện mà nghe xong vừa thấy lạ vừa gợn lên một nỗi hoang mang: chùa BOT. Khái niệm này được đưa ra khi các đại biểu thảo luận tại diễn đàn Quốc hội. Lâu nay, BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build – Operate - Transfer, có nghĩa Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) vốn dĩ thường chỉ dành để nói về một hình thức đầu tư cho các dự án kinh tế. Còn với tâm linh, làm gì có “dự án” và càng không thể có BOT. Nên “chùa BOT” bao hàm trong đó ít nhiều sự cạnh khóe và rất dễ bị cho là vọng ngữ.

Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tọa phiên chất vấn hôm ấy, cũng yêu cầu cân nhắc khi dùng cụm từ này. “Chúng ta đừng có lấy những công trình tín ngưỡng, tôn giáo để nói như thế là không được. Xúc phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo là không được!” - bà nói. Ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL sau đó, khi “khái niệm” này được nhắc lại lần nữa, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, vị đại biểu có phẩm trật lớn của Giáo hội (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) chính thức khẳng định không có bất kỳ chùa nào được nêu dưới cụm từ lạ như BOT.

Có điều, báo chí và dư luận vẫn chưa thôi băn khoăn và rẽ sang khái niệm mới hơn: “BOT” tâm linh. Họ muốn né tránh khi đề cập các công trình tôn giáo, nhưng với địa hạt tâm linh dường như có một sự thật: đâu đó vẫn còn những cá nhân đang muốn tìm nơi nương tựa mỗi khi thấy phần hồn mong manh. Từ dấu vết đó, người ta sực nhớ đến những trò gieo rắc sợ hãi để kiếm tiền được phát hiện ở một vài nơi, gần nhất là hình thức “thỉnh vong báo oán” ở chùa Ba Vàng (mà Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại tăng) để ngụ ý cảnh giới.

Thế đấy, khi ra với đời thường, có những chốn “ẩn náu” lại thành nơi “lẩn trốn”. Nét thơ mộng, chiêm nghiệm lẽ đời đã nhường chỗ cho bát nháo, sợ hãi.

Thoạt nghe, nhiều người cho rằng không có nhiều mối liên quan giữa câu chuyện văn nghệ của Phạm Duy - Phạm Thiên Thư ngày xưa với cái gọi là “BOT tâm linh” bây giờ. Nhưng khi tĩnh tâm đọc lại, bạn sẽ nhận ra bên trong mình đang có những câu hỏi xoáy sâu: Nhạc từng “ẩn náu” nhẹ tênh trong thơ, vậy cớ sao tâm hồn con người lại không tìm được chốn ngơi nghỉ giữa nhân gian? Điều gì đã làm nên sự khác biệt?

Sách xưa từng dẫn lời ông Thiệu Khang Tiết viết rằng, “thần minh vốn là những đấng ngay thẳng, lẽ nào đi ăn của hối lộ chốn nhân gian” (thần minh bổn thị chính trực tố, khởi thọ nhân gian uổng pháp tang). Không có kẻ hối lộ thần linh, sẽ không có thần linh cong vẹo, chưa kể, với “thần minh” thì lại càng không có chuyện thọ hưởng của đút lót. Vậy nên, ẩn náu hay lẩn trốn, “rằng xưa có gã từ quan/ lên non tìm động hóa vàng ngủ say” hay tất tả ngược xuôi buôn thần bán thánh…, chỉ có riêng bạn mới cảm nhận toàn triệt.

Mong sao sẽ không còn ai nhắc đến “chùa BOT” thêm một lần nào nữa…

HỨA XUYÊN HUỲNH