Dạy hát dân ca Cơ Tu

ĐÌNH HIỆP 12/06/2019 14:30

Gần một năm nay, đều đặn mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, chị Arất Thị Cúc (cán bộ Trung tâm VH-TT huyện Tây Giang) mở lớp dạy hát dân ca Cơ Tu cho học sinh ngay tại ngôi nhà sàn của mình.

Lớp học dân ca của chị Arất Thị Cúc được dạy tại ngôi nhà sàn của mình. Ảnh: Đ.H
Lớp học dân ca của chị Arất Thị Cúc được dạy tại ngôi nhà sàn của mình. Ảnh: Đ.H

Tự mở lớp dạy hát dân ca

Chị Cúc cho biết tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần hay vào dịp hè, chị cùng với anh em Đội văn nghệ quần chúng Trung tâm VH-TT huyện tổ chức dạy học hát dân ca Cơ Tu cho các em học sinh. Tài liệu là những bản nhạc, bài dân ca của nhạc sĩ Huy Hoàng sưu tầm và sáng tác dựa trên nền tảng làn điệu Cơ Tu cổ. Các làn điệu dân ca này được viết dạng song ngữ Cơ Tu - Kinh; câu từ mộc mạc dễ học, dễ thuộc và dễ hiểu. Nôi dung nói về đời sống văn hóa của người Cơ Tu. Theo chị Cúc các em đến đây học một cách tự nguyện, học đều vào mỗi tối và phần lớn là học sinh phổ thông đang sinh sống ở địa bàn xã A Tiêng. “Nhờ từ nhỏ các em đã được nghe bà, mẹ mình hát ru bằng dân ca Cơ Tu nên học lại rất dễ nhớ” - chị Cúc nói.

Những câu hát ru cổ như bài Lời ru Abel (X’nưl abel t’xít), Con ngủ cho ngoan (A coon bêch pa yêm), Bắt cá (T’bơơn axiu), Mừng lúa mới (Hơnh Gươl T’mêê) đến những bài dân ca cải biên mang âm hưởng đương đại như Tây Giang xinh đẹp (Tây Giang C’ruung liêm), Cô gái trên nương (P’đil co’h harêê), Trai gái Cơ Tu (P’júyh P’đhil Cơ Tu),  Người Cơ Tu theo Đảng (Manứih Cơ Tu tin Đảng)… là những giai điệu mà người dân nơi đây rất thích. Đây là công lao sau nhiều năm sưu tầm, biên soạn của nhạc sĩ Huy Hoàng. Gần 6 năm ròng, ông đã tìm đến huyện miền núi Tây Giang, cùng ăn ở với đồng bào và học tiếng của họ. Từ đó, ông bắt đầu ghi chép, sưu tầm và đặt lời cho những làn điệu dân ca Cơ Tu. Những bài dân ca do ông sưu tầm, biên soạn đã nhanh chóng được phổ cập đến đông đảo người dân.

Được học lớp dân ca Cơ Tu do cô Cúc dạy, em Bling Tơviêng Ngọc tâm sự, từ nhỏ em cũng được nghe dân ca Cơ Tu do bà và mẹ hát, nhưng không hiểu lắm. Nay được cô dạy em rất thích, vừa học hát em vừa học thêm chữ viết Cơ Tu. Cô giáo Alăng Thị Non - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học A Tiêng cho biết: “Nghe tin có lớp dạy học hát dân ca Cơ Tu tôi cũng đến tham gia học để bổ sung kiến thức, phục vụ công việc của một tổng phụ trách. Mong ước của tôi là làm sao thế hệ trẻ biết và yêu mến những làn điệu của dân tộc mình”.

Bảo tồn và phát huy

Lớp học dân ca của chị Arất Thị Cúc đã trở thành một gợi ý hay cho nhiều người làm nghệ thuật cũng như những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian. Vừa qua, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Âm nhạc dân gian Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam, những tiếp cận về sự bảo tồn và phát huy”. Đây là hội thảo trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trong âm nhạc dân gian của người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam” do thạc sĩ Lê Thị Quyên, giáo viên Khoa Âm nhạc làm Chủ nhiệm đề tài. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa miền Trung.

Sau 6 năm sưu tầm, ghi chép, đặt lời, đến nay nhạc sĩ Huy Hoàng đã có hơn 200 bài dân ca Cơ Tu với rất nhiều làn điệu (Cha-chap, Ba-boot, Bhanooch, Càlơi, Karukacon, đến Calau, Colênh...). UBND huyện Tây Giang đã cho xuất bản 2 đĩa dân ca Cơ Tu (đĩa hình và đĩa tiếng). Theo ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, việc bảo tồn và phát huy “Âm nhạc dân gian Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam” là việc làm rất cần thiết và nhiều ý nghĩa. Huyện đang triển khai việc dạy chữ Cơ Tu, khi học sinh, biết chữ Cơ Tu thì việc dạy hát, học, chép dân ca Cơ Tu thuận lợi hơn.

Hội thảo đã thảo luận các chủ đề như: Thực trạng về di sản âm nhạc dân gian hiện nay của người Cơ Tu; Kết quả thực hiện các chính sách về bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc dân gian của người Cơ Tu; Những giải pháp phù hợp, đạt hiệu quả cao cho việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian của người Cơ Tu trong đời sống ngày nay. Thạc sĩ Lê Thị Quyên đã nhiều lần lên Tây Giang, Đông Giang để hoàn thiện đề tài. Bà Quyên cho biết trong tháng 4 và tháng 5.2019, bà đã cùng với các nghệ nhân huyện Đông Giang mở lớp dạy học biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc Cơ Tu. Trong tháng 5 và tháng 6 này phối hợp với ngành Văn hóa huyện (cụ thể là chị Arất Thị Cúc) tiếp tục triển khai dạy hát dân ca Cơ Tu cho học sinh. “Để triển khai đề tài thành công ngoài việc tham khảo các nhà quản lý - văn hóa - khoa học, chúng tôi còn trực tiếp trao đổi, nghe ý kiến từ các nghệ nhân Cơ Tu. Đặc biệt, tôi đã trực tiếp làm việc với nhạc sĩ Huy Hoàng để từ đó có cái nhìn, tiếp cận thực tế hơn nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy “Âm nhạc dân gian Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam ” - bà Quyên nói.

ĐÌNH HIỆP