Người quê giữ lửa bài chòi
Tam Phước là xã duy nhất của huyện Phú Ninh thành lập Câu lạc bộ (CLB) Dân ca bài chòi. Trong quá trình sinh hoạt CLB đã chọn lọc và đào tạo được đội ngũ kế cận tương lai, đó là những học sinh con em trên địa bàn xã.
Về Tam Phước nghe hát bài chòi
Vài năm nay, chiều mùng Hai âm lịch hằng tháng, người dân xã Tam Phước lại nhắc nhau về đêm biểu diễn bài chòi ở nhà văn hóa xã do CLB Dân ca bài chòi Tam Phước tổ chức. Như thường lệ, đêm diễn luôn thu hút rất đông bà con nhân dân đến xem và cổ vũ khiến không khí làng quê trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hòa trong những làn điệu quê hương.
Với thành công và cách duy trì hoạt động của CLB trong nhiều năm qua, ông Trần Thanh Tuyến - Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi xã Tam Phước phấn khởi cho biết, việc trình diễn những đêm bài chòi định kỳ hằng tháng đã tạo hiệu ứng rất tốt đối với người dân trong xã. Đây là dịp để bà con cùng thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc, vừa khơi gợi niềm yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ. Những bài dân ca được các thành viên của CLB thể hiện luôn làm nức lòng người xem.
“Quà dành cho những người thắng cuộc tuy không có giá trị cao, song ai nấy vẫn hào hứng, vui vẻ kể cả người thua. Chính nhờ sự tham gia nhiệt tình và ủng hộ từ bà con đã góp phần duy trì hoạt động của CLB” - ông Luyến cho biết thêm.
Tham gia CLB dân ca bài chòi Tam Phước từ những ngày đầu, với vai trò là “chị Hiệu”, cô Lê Thị Phương (SN 1957, thôn Tân Phú) tâm sự: “Thuở nhỏ, những câu hát của bà và mẹ đã ngấm vào máu thịt của mình để đến bây giờ niềm đam mê, yêu thích bài chòi không thể nào diễn tả được. Tôi sẽ dành tâm huyết để góp phần lưu giữ giá trị nghệ thuật truyền thống này. Thường ngày, mỗi thành viên trong CLB đều có công việc khác nhau nhưng trong các đêm diễn, với trang phục áo bà ba, áo dài, các thành viên cháy hết mình với bài chòi để phục vụ bà con”.
Là một trong những khán giả “ruột” của CLB Dân ca bài chòi Tam Phước, chị Nguyễn Thị Tám (thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) cho rằng, những đêm biểu diễn bài chòi hằng tháng của CLB rất ý nghĩa. Đây vừa là dịp để người dân trong xã gặp gỡ, cùng nhau giải trí với những làn điệu dân ca địa phương và nhất là thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ trên địa bàn.
Truyền lửa đam mê
Với nỗi lo lắng về sự mai một của dân ca bài chòi trong thế hệ trẻ hiện nay, CLB Dân ca bài chòi Tam Phước đã đề xuất với chính quyền địa phương ý tưởng giới thiệu và đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học. Qua đó giúp các em học sinh trên địa bàn tiếp cận với làn điệu dân ca xứ Quảng và chính những thành viên trong CLB sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn kiến thức cơ bản và kỹ năng biểu diễn.
Với sự hỗ trợ từ địa phương, Trung tâm học tập cộng đồng xã và CLB Dân ca bài chòi Tam Phước, năm học 2016 - 2017 CLB Tiếng hát dân ca của trường THCS Phan Châu Trinh (xã Tam Phước) chính thức ra mắt với hơn 40 em học sinh tham gia. Và cứ thế, các buổi học bài chòi của các em được diễn ra thường xuyên trong những buổi ngoại khóa hàng tuần, cùng với sự gia tăng về số lượng học sinh tham gia.
Là nhạc công kiêm nhạc sĩ và cũng là người trực tiếp hướng dẫn các em học sinh, ông Đặng Phước Lai cho biết, để lưu giữ và lan truyền loại hình nghệ thuật bài chòi cho người dân và thế hệ trẻ trong xã, ông và CLB sẵn sàng hỗ trợ, chỉ mong thế hệ con cháu hiểu được giá trị của bài chòi và không ngừng nhân rộng về sau. Chính vì vậy, ông Lai liên tục sáng tác những bài ca mới có nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh để các em dễ dàng tiếp cận và ham thích luyện tập.
“Việc tham gia CLB Tiếng hát dân ca của nhà trường, học sinh chúng em được làm quen với nghệ thuật bài chòi quê hương qua sự hướng dẫn tận tình của các cô chú trong CLB xã. Chúng em sẽ cố gắng tập luyện để sau này tiếp tục phục vụ nhu cầu giải trí của người dân trong xã, đồng thời góp phần bảo tồn được loại hình nghệ thuật này” - em Lê Nguyễn Bảo Trân (học sinh lớp 9/1 Trường THCS Phan Châu Trinh, xã Tam Phước) chia sẻ.
Thời gian qua, nhờ có những người đầy tâm huyết như cô Phương, ông Lai mà bài chòi được lan tỏa sâu rộng tại Tam Phước. Theo đó, người dân địa phương, nhất là các em học sinh trong xã từ thưởng thức đã biết cách hát, biểu diễn để cùng phục vụ cho nhu cầu giải trí của bà con, nhất là duy trì, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ.