Trẻ em vùng cao trong vành nôi di sản

TẤN VỊNH 02/06/2019 16:04

Bên cạnh việc giáo dục kiến thức phổ thông, giáo dục thể chất, nhân cách, cần cho trẻ em được đắm mình trong môi trường di sản văn hóa để được hưởng thụ và sáng tạo, làm cho dòng chảy di sản được khơi dẫn, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Quà ngọt cho con. Ảnh: T.VỊNH
Quà ngọt cho con. Ảnh: T.VỊNH

Được bảo vệ bởi luật tục

Trẻ em chính là người được thừa hưởng những di sản của cha ông để lại. Trong hệ thống các lễ hội liên quan vòng đời người, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều lễ nghi, nghi thức đặc biệt dành cho trẻ em. Đó là các lễ nghi như lễ thổi tai, lễ đặt tên, lễ thôi nôi... đánh dấu sự ra đời của đứa bé, cầu mong cho bé chóng lớn, khỏe mạnh thành người. Luật tục của các dân tộc đều quy định rõ về việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ em của cộng đồng và đưa ra những định chế rõ ràng để xử phạt những hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có những hình phạt nặng nề dành cho những người phạm tội gây thương tật hoặc tính mạng của trẻ em. Mỗi lần tổ chức lễ hội cộng đồng, bên cạnh những món ăn dành cho người lớn, đồng bào cũng không quên chế biến những món đặc sản dành cho trẻ em. Ẩm thực dành cho trẻ em, cách nuôi nấng, dinh dưỡng cho con cái từ các sản vật của thiên nhiên, núi rừng, được đồng bào quan tâm, thể hiện tính nhân văn trong di sản tộc người.

Đối với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc lo “cái ăn” họ phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để làm ra “cái mặc” cho mình và cho con trẻ. Những chiếc khăn, tấm địu thổ cẩm, chiếc mũ, bộ váy mới đều được các bà, các mẹ, các chị ngày đêm miệt mài làm ra để làm đẹp, giữ ấm cho trẻ em. Trang phục, trang sức độc đáo của trẻ em các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì... làm cho phiên chợ vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc trở nên hấp dẫn trong con mắt của du khách. Ngoài việc trang điểm cho chính mình, phụ nữ dân tộc không quên sắm sửa, làm đẹp cho con cái. Cùng với trang phục, chiếc mũ xinh xắn làm cho các em bé nổi bật hẳn lên. Chiếc mũ của các em gái dân tộc Hà Nhì đen, dân tộc Dao nhìn giống như một bông hoa rừng khoe sắc rực rỡ, được trau chuốc bằng nghệ thuật trang trí hết sức tinh tế, sống động. Theo quan niệm của đồng bào, chiếc mũ này chẳng những làm đẹp cho các em bé mà còn trừ tà ma, xui xẻo, bảo vệ sức khỏe, mang lại điều an lành, tốt đẹp cho con cái. Chiếc mũ càng đẹp thì càng thể hiện tài khéo tay, sự cần mẫn của người mẹ.

Tấm địu con là vật không thể thiếu trong đời sống của đồng bào miền núi Quảng Nam. Ngày nay, nhiều phương tiện trông trẻ hiện đại nhưng tấm địu con vẫn được đồng bào sử dụng khá phổ biến. Em bé được bao bọc trong tấm choàng, treo trên lưng hay đeo trên ngực, tựa chắc vào cơ thể của người lớn vừa gọn gàng, đảm bảo vừa, nhẹ nhàng, dịu êm. Mùa nắng trẻ được che chở bảo vệ làn da non, mùa lạnh thì được giữ ấm từ thân nhiệt của cơ thể người mẹ truyền sang. Tấm địu ấy đã gắn với hình ảnh của các bà mẹ miền sơn cước, gợi lên nét nữ tính và cả sự chịu thương chịu khó.

Nối truyền tri thức dân gian

Trẻ em chính là đối tượng để truyền dạy những tri thức dân gian. Ở các bản làng miền núi, “nguồn sữa” di sản dân tộc sớm ngấm vào máu thịt các em. Lúc còn ấu thơ các em thường được ông bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, nghe già làng kể khan - trường ca quanh bếp lửa ấm cúng. Lớn lên một chút, các em được tham gia tích cực với ông bà, cha mẹ, anh chị tạo ra môi trường diễn xướng, thực hành dân gian. Các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên mở lớp dạy đánh chiêng cho trẻ em. Những đội chiêng nhí ở Đắc Lắc, Gia Lai chẳng những tham gia biểu diễn trong lễ hội tại buôn làng mà con tham gian liên hoan khu vực và quốc gia. Di sản văn hóa của đồng bào Cơ Tu rất phong phú. Trẻ em chính là người được chú ý truyền dạy để kế thừa những vốn liếng di sản quý giá của tộc người. Hôm nay, tại các thôn bản Cơ Tu - nhất là các làng văn hóa truyền thống ở huyện Đông Giang, Tây Giang, thiếu nhi đã được nghệ nhân truyền dạy các bài ca, điệu múa để có thể tham gia sinh hoạt lễ hội cộng đồng. Thiếu nhi thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn (Đông Giang), thôn Pơ Ning, xã Lăng (Tay Giang) đều biết múa điệu tâng tung da dá. Các em được người thân trong gia đình sắm cho bộ trang phục truyền thống và dạy cho những động tác múa cơ bản để có thể tự tin hòa nhịp tạo nên sức sống động của điệu dân vũ trong mùa lễ hội. Nếu con trai theo cha, theo anh rầm rập bước chân trong điệu tâng tung thì con gái cùng bà với mẹ uyển chuyển, dịu dàng trong điệu da dá. Ông bà, cha mẹ là người thầy đầu tiên truyền dạy và tạo ra cảm hứng cho con cháu tham gia giữ gìn di sản. Họ cổ vũ, khuyến khích cho cháu con nối tiếp mình bảo tồn bản sắc. Chính các em làm cho điệu dân vũ đặc sắc của dân tộc Cơ Tu được nối tiếp, khơi thông dòng chảy mạch nguồn văn hóa đến với tương lai. Đây là yếu tố làm cho di sản văn hóa của đồng bào có sự bền vững, không bị đứt đoạn, mai một.

Các em thiếu nhi đồng bào các dân tộc vùng cao cũng là người sáng tạo, tôn vinh di sản của tiền nhân. Các bài ca, điệu múa truyền thống chẳng những được các em biểu diễn ở thôn bản mà còn mang vào học đường, trường dân tộc nội trú, tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng, thi Tiếng hát hoa phượng đỏ, thi năng khiếu và các sân chơi lớn hơn. Những cuộc thi diễn tấu nhạc cụ truyền thống, trình diễn thời trang dân tộc là cơ hội để các em tiếp tục sáng tạo và kế thừa những tinh hoa di sản của dân tộc mình.

Trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện để chăm sóc trẻ em. Bên cạnh giáo dục về kiến thức ở trường học, cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để các em thiếu nhi được gần gũi hơn với di sản sớm có ý thức quý trọng, nâng niu và góp công bảo tồn những nét tinh hoa của cha ông để lại cho con cháu. Do đó, chúng ta cần tạo môi trường để các em được hưởng thụ, học hỏi, thực hành và sáng tạo di sản văn hóa.

TẤN VỊNH