Trương Đình Hoanh - người xây Hý viện Phi Anh
(QNO) - Là người đam mê hát bộ nên ông Phi Anh luôn ao ước xây dựng nên một hý viện (nhà hát) tại Hội An để mời các đoàn hát bộ về biểu diễn phục vụ công chúng. Năm 1958, Hý viện Phi Anh được khánh thành với sức chứa 1.200 người.
Một chương trình văn nghệ của Trường Mù Hội An tại Hý viện Phi Anh (ảnh tư liệu gia đình). |
Từ hiệu sách…
Ông Phi Anh tên thật là Trương Đình Hoanh (1911 - 1994), xuất thân từ gia tộc Trương Đôn Hậu làng Minh Hương - một gia tộc khá có tiếng tăm, nguyên gốc từ Phúc Kiến - Trung Hoa sang định cư tại Hội An và nhập quốc tịch Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ XVIII.
Thuở còn trẻ, đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, ông Phi Anh là người duy nhất ở Hội An đứng ra thành lập một hãng sản xuất mũ cối trắng mang các nhãn hiệu Triforcasque, BĐ và Ives chatel tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sản phẩm này được xuất bán trên toàn bán đảo Đông Dương.
Ít người biết rằng ngoài những hiệu sách có tiếng tăm tại Hội An như Nhất Tiếu, Trùng Dương, Rạng Đông, Khai Trí, Bình Minh, Thống Nhất…, Hội An còn có một hiệu sách mang tên Phi Anh do chính ông khai mở vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, sau khi ông trở về từ Hà Nội. Hiệu sách lúc bấy giờ tọa lạc tại số 9 đường Rue de, sau này là đường Lê Lợi. Sau đó dời về 120 đường Cantonais, tức đường Nguyễn Thái Học bây giờ.
Ông Phi Anh - Trương Đình Hoanh (ảnh tư liệu). |
Cửa hiệu Phi Anh gần chợ Hội An, đối diện với hiệu buôn Phi Yến nên nổi danh Phi Anh, Phi Yến một thời. Nhiều người tại Hội An đến bây giờ vẫn nhầm hai người là anh em một nhà, nhưng thực chất họ chỉ là thân hữu trong nhóm “Hội An tứ Phi” gồm Phi Anh, Phi Yến, Phi Hùng, Phi Tửu. Ông Phi Tửu lấy tên thật của mình là Nguyễn Tửu để kinh doanh nên không nhiều người ở Hội An biết đến cái tên hiệu này của ông.
Lấy tên hiệu Phi Anh có nghĩa là “ánh sáng viên ngọc biết bay”, hàm chỉ con đom đóm để mở hiệu sách. Mong ước đơn thuần của ông cũng chỉ muốn góp thêm một ánh lửa nhỏ vào trong không gian tri thức của vùng đất văn hóa này, như ông hằng tâm sự.
... đến Hý viện Phi Anh
Là người có uy tín tại làng Minh Hương cũng như tại Hội An, năm 1965 ông Phi Anh được đề cử thay mặt cho Minh Hương Tam Bảo Vụ ký giấy hiến phần đất của Cẩm Hải nhị cung (chùa Bà Mụ) cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam (cũ) để làm trường Bồ Đề dạy Phật học. Ông quan tâm muốn giữ lại phần cổng chính di tích này để lại cho hậu thế, nên chỉ chấp nhận ký với điều kiện phải giữ lại phần di tích này. Nhờ vậy mà bây giờ di tích cổng chùa Bà Mụ (Cẩm Hải nhị môn) đã trở thành một điểm tham quan lý tưởng dành cho du khách sau khi được chính quyền sở tại trùng tu... |
Vốn là người đam mê hát bộ nên ông Phi Anh luôn ao ước xây dựng nên một hý viện tại Hội An để mời các đoàn hát bộ về biểu diễn phục vụ công chúng. Lúc bấy giờ, một người bạn của ông là ông Phan Hương trước đó cũng đã mở một rạp nhỏ sức chứa khoảng chừng trăm người để biểu diễn hát bộ, nhưng trong thời kỳ 9 năm kháng chiến (1945 - 1954) nơi này không hoạt động nữa. Sau 1954, ông Phan Hương đành cho một người thuê mướn để mở ga ra sửa xe.
Đến năm 1956, là chỗ thân hữu với nhau nên khi biết ông Phan Hương có ý định muốn bán khu đất này để lấy vốn kinh doanh, ông Phi Anh bèn đề nghị mua để làm hý viện, có chỗ cho các đoàn trình diễn hát bộ và cải lương phục vụ bà con trong phố.
Trong ý tưởng ban đầu vào năm 1957, ngôi rạp này dự kiến làm vừa đủ cho khoảng hơn trăm khách, lấy tên là Duy Cường Hý viện. Tuy nhiên do địa thế miếng đất khá rộng, đồng thời tính toán cho tương lai vài mươi năm sau khi nền biểu diễn nghệ thuật phát triển, nên sau đó gia đình đổi ý làm một hý viện lớn hơn trên diện tích vẫn còn tồn tại cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Tính toán thì vậy nhưng khi đụng đến thực tế thì bị vướng về vấn đề tài chính khiến ông Phi Anh phải phân vân. Bao nhiêu vốn liếng của ông hầu như đã đổ vào mua mảnh đất, tính theo thời giá lúc đó tương đương 600 cây vàng. Lúc này cần phải có người góp vốn để thực hiện ý tưởng xây hý viện.
Có một câu chuyện khá thú vị là ông Phi Anh vốn có hai vợ là bà Phi Anh (Nguyễn Thị Sơn) và bà Năm Nết (Trần Thị Nết). Tình thân giữa hai nhà Trương, Trần như là một bởi hai anh em ruột cùng cưới hai chị em ruột. Do đó tất cả những người góp vốn đều thống nhất giao cho ông Phi Anh đại điện và đặt tên là Hý viện Phi Anh thay cho Duy Cường Hý viện, bởi tài sản này kể từ lúc đó không còn là tài sản riêng của gia đình ông Phi Anh nữa.
Ban đầu Hý viện Phi Anh dự tính được thiết kế ba hàng ghế dưới lầu và ba hàng ghế trên lầu dành cho khán giả. Giấy phép đã được cấp để xây dựng, tuy nhiên trước khi khởi công, ông Phi Anh chợt nghĩ nếu chỉ có ghế ngồi không thì giá vé quá cao, chỉ phục vụ cho giới khá giả trong xã hội đến thưởng thức, vậy người nghèo thì sao?
Bàn đi tính lại, mọi người thống nhất sẽ giữ ba hàng ghế trên lầu, tầng trệt chỉ làm còn hai hàng ghế ở giữa. Hai bên cánh gà tầng trệt sẽ làm hai hàng bậc cấp bằng gỗ lim. Các bậc cấp từ sàn nhà lên đến cách mái nhà khoảng hai mét, giá vé được bán bằng một phần tư giá vé ghế ngồi, nhờ vậy giới bình dân lao động vẫn có cơ hội để thưởng thức nghệ thuật.
Lại phải xin lại giấy phép một lần nữa, do vậy thời gian bắt đầu khởi động từ đầu năm 1957 mà mãi đến giữa năm 1958 Hý viện Phi Anh mới khánh thành với sức chứa 1.200 người.
Đến năm 1970, hý viện được cho thuê để chiếu phim. Sau 1975, Công ty Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thuê lại rạp để chiếu phim. Sau khi tách tỉnh, Công ty Chiếu bóng tỉnh Quảng Nam tiếp tục quản lý rạp để chiếu phim phục vụ công chúng cho đến tận ngày hôm nay.
TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ