Bảo tồn điêu khắc Cơ Tu
Đồng bào dân tộc Cơ Tu có nghệ thuật điêu khắc và trang trí tượng gỗ truyền thống với hình khối, đường nét riêng, sinh động và phóng khoáng. Thời gian qua, huyện Đông Giang bảo tồn và phát huy nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu, trao truyền cho các thế hệ trẻ.
Lão nghệ nhân Y Kông. Ảnh: L.P.L.N |
NÓI đến nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam thì phải nói đến già làng Y Kông (93 tuổi, trú thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang). Già làng Y Kông được xem là “bảo tàng sống” văn hóa đồng bào Cơ Tu. Đến thăm căn nhà gỗ nơi già Y Kông đang sống, ai cũng ấn tượng trước những tạo tác về văn hóa Cơ Tu , từ các nhạc cụ truyền thống như đàn tăm bét alui, đàn abel, đàn anjưl, sáo ra hêm, cồng chiêng, trống... đến ché, vật dụng cổ, đặc biệt là bộ tượng, phù điêu điêu khắc gỗ về manứih (người) và muông thú. Già làng Y Kông cũng là người am hiểu tường tận về kỹ thuật dựng và nghệ thuật trang trí mái gươl. Chiêm ngưỡng tượng điêu khắc gỗ của nghệ nhân Y Kông, nhiều người nhận xét, những bức tượng còn nguyên nét mộc mạc, hoang sơ nhưng đó là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật mang sắc thái văn hóa đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật điêu khắc, gắn liền với văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu từ bao đời nay.
Ấn tượng từ bàn tay tài hoa của lão nghệ nhân Y Kông tạo tác là chiếc quan tài bằng gỗ, như ông nói, là “của dự phòng” khi ông chết đi. Chiếc quan tài làm từ gỗ chò nguyên khối, được ông tạo tác từ năm 2005 và phải mất 5 tháng ròng mới hoàn thành. Chiếc quan tài dành cho người chết nhưng rất “đẹp”, trang trí các con vật thiêng trong tâm thức của đồng bào Cơ Tu với thân hình voi, đầu trâu theo phong cách tả thực, hai bên hông quan tài khắc họa tiết rồng. Già làng Y Kông chia sẻ: “Thời chiến tranh đi theo cách mạng, hòa bình lập lại thì làm cán bộ, chỉ đến khi nghỉ hưu mới dành hết thời gian cho bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Rất mừng là điêu khắc truyền thống vẫn được các lớp cháu con đồng bào Cơ Tu yêu thích và tiếp tục thực hiện, bảo tồn và phát huy trong cộng đồng”.
Ở thôn Gừng, thị trấn P’rao (Đông Giang) còn có “bàn tay vàng” về điêu khắc truyền thống Cơ Tu, đó là nghệ nhân Alăng Đợi. Bước sang tuổi 62 tuổi nhưng ngọn lửa đam mê về nghệ thuật điêu khắc và văn hóa truyền thống Cơ Tu của Alăng Đợi luôn rực cháy. Không qua trường lớp, từ nhỏ thấy cha đục đẽo, tạc tượng trang trí gươl làng, Alăng Đợi chăm chú để mắt và làm theo nên đã “bén duyên” với điêu khắc từ đó. Đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo về nghệ thuật điêu khắc của ALăng Đợi đã tạo tác nên những tác phẩm điêu khắc được nhiều người yêu thích như: Mô hình làng cổ truyền thống Cơ Tu, mái gươl, cột nêu và bộ tượng truyền thống thể hiện đời sống sinh hoạt người Cơ Tu gồm: múa tâng tung da dá; tượng chim, gà, voi, trâu và các mặt nạ tượng thần của các tộc họ… Trong những năm qua, Alăng Đợi đã góp sức và thổi hồn văn hóa Cơ Tu qua các tác phẩm điêu khắc, các điệu múa, các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Căn nhà Alăng Đợi đã và đang hình thành một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của đồng bào Cơ Tu...
Cùng với việc sưu tầm các loại nhạc cụ, nói lý hát lý, phát triển nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, các phong tục tập quán tốt đẹp để phục vụ cho việc phát triển du lịch cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống Cơ Tu, huyện Đông Giang chú trọng phát huy nghệ thuật điêu khắc, xây dựng hơn 60 nhà gươl phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang cho biết: “Trong kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang giai đoạn 2017 - 2019, chúng tôi tập trung bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của đồng bào, đặc biệt là hát lý, dệt thổ cẩm, các điệu dân ca - dân vũ, nghệ thuật tạc tượng, điêu khắc gỗ... Riêng về tạc tượng gỗ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống Cơ Tu, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá các bộ tượng, phù điêu… rộng rãi tại các lễ hội, các hoạt động văn hóa - du lịch trong và ngoài huyện”.
LÊ PHƯỚC LAN NHI