Bảo vật Quảng Nam ở bảo tàng Pháp

LÊ QUẢNG NAM 09/03/2019 07:36

Ở Bảo tàng Guimet (Pháp) có hai gian trưng bày cổ vật Việt Nam, trong đó một số có nguồn gốc từ Quảng Nam, được xem là các “bảo vật” của bảo tàng.

Bảo tàng Guimet.
Bảo tàng Guimet.

Bảo tàng Guimet

Bảo tàng Guimet là cách gọi tắt của Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á -  Guimet, nguyên văn tiếng Pháp là Musée National des Arts Asiatiques - Guimet, là một trong những bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật châu Á nằm ngoài lãnh thổ châu Á. Bảo tàng tọa lạc tại số 6 Quảng trường Iéna thuộc quận 14 của thủ đô Paris, nước Pháp.

Bảo tàng được thành lập bởi Esmile Guimet - một nhà công nghiệp người  Pháp quê ở Lyon. Đầu tiên, Guimet có ý định mở một bảo tàng về tôn giáo Ai Cập và các nước châu Á cổ đại. Sau khi thực hiện chuyến đi tới Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ vào năm 1876, Guimet đã tập hợp được bộ sưu tập lớn các hiện vật (chủ yếu về tôn giáo) và mang về Lyon. Năm 1889, Guimet đã cho khánh thành bảo tàng ở thủ đô Paris với những bộ sưu tập khá phong phú. Từ một bảo tàng tư nhân thiên về tôn giáo, sau đó Guimet đã trở thành bảo tàng về các nước châu Á và được trao lại cho Nhà nước Pháp (Vụ Bảo tàng Pháp quốc quản lý) khi chủ nhân của bảo tàng qua đời vào năm 1927. Từ đây, bảo tàng nhận thêm được những bộ sưu tập quan trọng về Trung Á và Trung Quốc từ những nhà thám hiểm Paul Pelliot, Édouard Chavannes. Cũng trong thời gian này, bảo tàng bắt đầu nhận được các hiện vật về Việt Nam, Lào, Campuchia từ bảo tàng Đông Dương cũng như các hiện vật về Afganistan từ các đoàn khảo cổ Pháp. Ngoài ra bảo tàng Guimet còn nhận được những hiện vật từ nhiều nguồn khác.

Bảo tàng đã hai lần được tu sửa, lần thứ nhất vào năm 1960, bảo tàng đã bỏ hết những trang trí cũ theo phong cách cổ điển mới. Lần thứ hai vào năm 1996, với việc mở rộng không gian trưng bày. Hiện nay bảo tàng có một phòng trưng bày với diện tích 5.500 mét vuông và gần 50.000 hiện vật về nghệ thuật của châu Á, đặc biệt về Phật giáo. Ngoài ra bảo tàng còn sở hữu hơn 100.000 cuốn sách đủ ngôn ngữ, cả châu Á và châu Âu. Trong số các hiện vật ở bảo tàng, số có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 20.000, tiếp theo là Nhật Bản với 11.000, Đông Dương 5.000, ngành dệt của cả châu Á với 4.000, Ấn Độ 1.600 hiện vật, Hàn Quốc 1.000…

Bảo tàng Guimet có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam. Cuối năm 2005, đã có một cuộc triển lãm tại đây với chủ để: “Kho tàng nghệ thuật Việt Nam - điêu khắc Chămpa” gồm 95 pho tượng Chăm đến từ Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, Khu di tích Mỹ Sơn, Bảo tàng Rietberg (Thụy Sĩ) và Bảo tàng Guimet. Năm 2014, Bảo tàng Guimet phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày chuyên đề “Rồng bay - nghệ thuật cung đình Việt Nam”. Nhiều buổi trình diễn nghệ thuật Việt Nam cũng được thực hiện tại đây với sự cộng tác của các nghệ sĩ Việt Nam trong và ngoài nước.

Những bảo vật Quảng Nam ở bảo tàng Guimet

Hiện vật của Việt Nam chiếm hai phòng triển lãm trong bảo tàng Guimet. Trong số các hiện vât Chăm tại đây có một số hiện vật đến từ Quảng Nam. Tiêu biểu là tượng đức Vairocana, là một cái đầu bằng sa thạch (68 x 41 x 46cm). Tượng có đôi môi dày, râu mép rộng, cằm chẻ đôi, đôi má lồi, bộ mặt tươi cười và trẻ trung thoát ra một trạng thái nhân từ. Đôi mắt khép kín như để tách lìa chốn trần thế biến động. Tượng được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật ở Đồng Dương năm 1902, đưa về Sài Gòn, được Philippe Stern chuyển qua Pháp. Tượng hộ pháp dvarapala (67 x 30 x 38cm) được tìm thấy ở Đồng Dương. Thần mặt bừng bừng sát khí, má phồng trướng phẫn nộ, đôi mắt lồi trừng trừng và một con mắt thứ ba trên trán, đầu nghiêng một bên như con thú sẵn sàng vồ mồi. Tượng thiên nữ Apsara và quái vật makara, bằng sa thạch (60 x 122 x 44cm) hình một nữ thiên hiền lành nhả ra từ lỗ miệng quái vật Makara, mắt lồi, sừng hình cuộn, bờm uốn quanh, răng nanh nhọn. Tượng được Henri Parmentier tìm thấy ở Đồng Dương và đưa về Pháp. Ở bảo tàng còn có tượng vũ nữ với dải băng (75 x 28 x 25cm), niên đại vào thế kỷ 10, thuộc phong cách Trà Kiệu muộn, được tìm thấy  ở Trà Kiệu, thuộc hệ thống loại tượng hiếm có trong nghệ thuật Chăm. Tượng voi ở Trà Kiệu, được trang trí dưới các chân đèn, voi có một gương mặt giản dị, bình thản hiền lành. Tượng Ganasa Mỹ Sơn bằng sa thạch (phong cách Mỹ  Sơn A1, thế kỷ 10) hình một người ngồi nhưng đầu lại là đầu voi.

Tượng Vishnu - Garuda Ngũ Hành Sơn - bảo vật tại bảo tàng.
Tượng Vishnu - Garuda Ngũ Hành Sơn - bảo vật tại bảo tàng.

Đặc biệt nhất là tượng Vishnu - Garuda Ngũ Hành Sơn, được bảo tàng đưa lên hàng “bảo vật”. Tượng có kích thước 39 x 59 x 22cm), là một trong ba tượng Vishnu - Garuda tìm được ở nước ta (hai tượng kia  tìm thấy ở Điện Bàn và Quy Nhơn). Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tượng được phát hiện vào thời điểm nào và vì sao lưu lạc sang tận nước Pháp.

Tượng có hình thần Vishnu cưỡi trên cổ con chim thần Garuda. Toàn bộ pho tượng thể hiện một cách cân đối và cân xứng hai nhân vật gắn liền nhau trên một trục thẳng đứng. Thần Vishnu mình trần mặc một cái quần dài xuống tận đầu gối. Trên đầu đội một chiếc mũ cứng hình trụ cao sáu cạnh hình chóp nón, được siết chặt vào trán bằng một vương miện. Trán có một vòng hoa.  Khuôn mặt khá sinh động với cặp mắt to, lông mày cong nổi cao, ria mép cong gắn với môi trên; miệng mỉm cười, tai to và dài. Trong bốn tay của thần chỉ còn hai, tay trái sau nắm cái vỏ sò sankha (tượng trưng cho bầu trời), tay phải trước cầm quả đất bhumi (tượng trưng cho cõi nhân gian).

Tượng Vishnu - Garuda Ngũ Hành Sơn là di vật độc đáo trong truyền thống nghệ thuật Chăm. Đây là loại hình nghệ thuật phổ biến của truyền thống điêu khắc Chăm và Hindu giáo nhưng lại hiếm ở nước ta. Cả nước chỉ phát hiện được có ba tượng trong đó khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã chiếm hết hai. Ba pho tượng, dù ít ỏi cũng đã chứng minh cho truyền thống khá liên tục và lâu dài của loại hình điêu khắc thể hiện Vishnu - Garuda của Chămpa một trong hai dòng nghệ thuật Vishnu - Garuda của Đông Nam Á (dòng kia là của Hindu Java). Tượng Ngũ Hành Sơn có niên đại sớm nhất trong ba tượng Vishnu - Garuda được phát hiện ở nước ta. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh  khẳng định đây là tượng thuộc thế kỷ thứ 8 theo phong cách Mỹ Sơn E1 (tượng Quy Nhơn đầu thế kỷ 10 với phong cách Khương Mỹ, còn tượng Miếu Bà cũng thuộc thế kỷ 10 nhưng theo phong cách Trà Kiệu).

LÊ QUẢNG NAM

LÊ QUẢNG NAM