Nâng chất kiến trúc trung tâm đô thị
Tài nguyên thiên nhiên dành cho phát triển đô thị ở nước ta ngày càng trở nên hạn hẹp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng kiến trúc khu vực trung tâm đô thị trở thành vấn đề cấp thiết để hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, nhất là đối với các đô thị có bản sắc riêng.
Các tuyến phố đi bộ ở phố cổ Hội An giúp du khách tăng sự tương tác. Ảnh: Q.T |
Điểm yếu của sự hoành tráng
Với sự phát triển của kinh tế, việc mở rộng không gian đô thị xu thế tất yếu. Với các đô thị lớn của nước ta hiện nay, khu vực trung tâm đô thị đã và đang là một tổ hợp không gian lớn khi tập hợp nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, có độ nén nhất định về mặt không gian, công năng và tạo sức hút, sự ấn tượng về mặt thị giác của công chúng. Sự tập trung quá mức các nhà cao tầng ở khu vực trung tâm dù tạo ra sự bề thế và cảm giác “choáng ngợp” cho đô thị nhưng điều này khiến cộng đồng sinh sống dễ bị lạc lõng trong không gian cộng thêm việc dễ phát sinh các điểm “đen” đô thị. Theo TS-KTS. Ngô Trung Hải: “Việc xây dựng các tòa cao ốc với mật độ quá dày đặc tại khu vực trung tâm đô thị đơn cử như tại TP.Đà Nẵng sẽ làm gia tăng mật độ giao thông bằng ô tô hơn, tạo nên tình trạng xấu cho giao thông, gây nguy hại cho cảnh quan đô thị và các giá trị truyền thống”.
Vừa qua, TP.Đà Nẵng cũng đã xem xét hạn chế việc xây dựng cao ốc ở khu vực 2 quận trung tâm gồm Hải Châu và Thanh Khê bởi thành phố đã có hiện tượng kẹt xe, thoát nước không đảm bảo… Theo ông TS-KTS. Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng: “Trong lịch sử phát triển đô thị, các đường phố và quảng trường có kích thước phù hợp với nhân trắc học từng là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống cho các đô thị như Huế, Hội An hay 36 phố phường Hà Nội. Khi các tổ hợp công trình hoành tráng thậm chí là “chọc trời” cứ thế mọc lên lấp dần đi các không gian xanh mà lại thiếu các hoạt động giao tiếp xã hội vốn rất cần thiết cho cuộc sống hiện đại thì phố chỉ có thể đáp ứng về mặt vật chất cho thị dân còn đời sống tinh thần đã bị bỏ ngỏ”. Thực tế cho thấy phần lớn trong quy hoạch đô thị mới ở nước ta thời gian qua hướng đến cảnh quan đô thị nhà cao tầng, các con đường rộng với 6 đến 8 làn xe hoặc các quảng trường “tầm cỡ” với mong muốn tạo ra điểm nhấn ấn tượng cho thành phố. Tuy nhiên điểm trừ của các vật thể này là việc nó sẽ làm “loãng” không gian và trống vắng hoạt động giao tiếp xã hội.
Sự tinh tế của không gian nhỏ
Với thành phố đặc thù như Hội An, việc bảo tồn, quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trung tâm và vùng rìa trung tâm càng quan trọng hơn để vừa bảo đảm các giá trị truyền thống của đô thị vừa tạo ra cuộc sống hài hòa cho thị dân, không gian cảm thụ cho du khách. Việc giới hạn chiều cao các công trình nhà ở, khách sạn tại thành phố này đã được thực hiện từ lâu cộng với đó là chủ trương “giãn” thị dân cùng hoạt động du lịch ra ven đô để giảm tải áp lực cho phố cổ. Theo tính toán từ các chuyên gia, bề rộng trung bình của đường phố trung tâm nên từ 10,5 đến 15m trong khi bề rộng đường phố khu đi bộ cần khoảng từ 5 đến 7m và thông số các tuyến phố nằm trong phố đi bộ của đô thị cổ Hội An như: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú… vừa đủ để cường độ sự trải nghiệm của du khách tăng lên khi kích thước bề mặt của con đường giảm xuống. Khi đó sự ví von của một kiến trúc sư đặt vào ngữ cảnh của phố Hội bỗng thấy rất phù hợp: “Ở không gian nhỏ bao giờ cũng thú vị hơn vì có thể nhìn thấy cả tổng thể lẫn chi tiết. Khi đó du khách có thể tìm ra một quán cà phê nhờ âm thanh du dương phát ra hay nhận biết một cửa hàng ăn uống khi ngửi mùi vị của món ăn đặc trưng lan tỏa”.
Khi mà khu vực trung tâm của đô thị cổ hầu như không thể “rục rịch” để mở rộng hoặc chỉnh sửa, Hội An đã khéo léo giữ gìn lại không gian nước, hạn chế can thiệp vào thiên nhiên cũng như cố gắng tổ chức lại các không gian trống và khoảng xanh để tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như không tạo ra sự “ngột ngạt” cho thị dân và du khách. Ta có thể nhận thấy điều này ở bùng binh An Hội, vườn tượng An Hội khi các sự kiện, triển lãm được tổ chức trong không gian mở thay vì bó buộc trong phạm vi hẹp nhất định như nhiều đô thị khác. Thực tế thì ngay cả vùng rìa trung tâm hiện nay, TP.Hội An cũng đang cố gắng tạo thêm nhiều “mảng” xanh khi thu hồi một số dự án để xây dựng công trình công cộng.
Một lợi thế khác của Hội An trong việc nâng chất kiến trúc đô thị là việc nhiều ngôi nhà được xây dựng với các vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như gỗ, gạch không nung… Theo ông Đỗ Duy Thịnh - Đại học Hokkaido, các lối xanh trong đô thị nếu được hướng về phía hành lang sông sẽ mang đến cảm giác tích cực cho con người và làm họ tiến gần hơn đến mặt nước. Việc chọn loại cây xanh theo quan điểm thẩm mỹ cũng rất cần thiết để phù hợp với mục tiêu phát triển của một thành phố du lịch. Những việc này đều đang được Hội An tiến hành.
QUỐC TUẤN