Nơi lưu giữ văn hóa biển
Dịp lễ hội cầu ngư ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đã thu hút đông đảo người dân bản địa, du khách và người con xa quê tụ hội về. Phong tục đẹp và nét văn hóa làng biển vẫn không mai một là điều rất đáng quý ở xã đảo Tam Hải.
Đoàn thuyền tế lễ trên biển và nghinh Ông. Ảnh: H.L |
Tục đẹp vùng biển
Dịp lễ hội cầu ngư ở xã đảo Tam Hải, nhân dân trên địa bàn xã, du khách và người dân vùng phụ cận cũng như những người xa quê đã tụ hội về tham gia sôi nổi các hoạt động lễ hội gồm: lễ cúng Dinh Bà Chúa Ngọc, lễ cúng tế ở lăng cô bác, cúng Tiền hiền làng Thuận An, lễ cầu ngư trên biển và ở khu vực lăng cá Ông. Cùng với đó là các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, sôi nổi, kết nối cộng đồng như hội thi bơi thúng chai, thi bóng chuyền, đá bóng trên bãi biển.
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, lễ hội cầu ngư ở xã đảo Tam Hải thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Lễ hội là tục lệ đẹp của cư dân miền biển, nhằm cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, nhân dân no ấm... mỗi nghi lễ cúng tế đều chứa trong đó giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, cần được bảo tồn và gìn giữ, phát huy trong cộng đồng.
Lễ hội cầu ngư Tam Hải có nghi thức cúng tế trên biển và nghi thức cúng tế tại lăng Ông. Ông trưởng vạn được dân bầu chọn đứng cúng ở ngoài biển và cúng tế ở lăng cá Ông. Đúng 7 giờ sáng tại Bãi Bấc, hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ tụ hội, vươn khơi trong tiếng trống giục. Đi đầu là đoàn thuyền có 3 chiếc lớn được trang trí đẹp chạy song song, trên thuyền giữa bày trí bàn cúng, hương án, linh vị Ông, có 3 già làng gồm chánh bái, tả bang, hữu bang cùng thực hiện các nghi thức cúng tế, nghinh Ông. Đi theo đoàn thuyền cúng là hàng trăm ghe thuyền vốn là các thuyền ra khơi đánh bắt của ngư dân xã đảo. Sau khi xong các nghi thức tế lễ, các thuyền đồng loạt vượt sóng để nghinh Ông rồi quay trở về Bãi Bấc chuẩn bị cho nghi thức cúng tế tại lăng Ông. Theo truyền thuyết, mỗi lần cá Ông cứu người sẽ lụy, trôi dạt vào bờ. Bởi vậy, khi người dân làng biển phát hiện cá Ông lụy vào bờ sẽ làm lễ cúng rất linh đình, chôn cất và thờ tự. Lễ hội cầu ngư vừa được tổ chức trên bờ lẫn trên biển trong niềm tôn kính thiêng liêng, năm nào cũng thu hút đông đảo người dân tụ hội về dâng hương, ngưỡng vọng. Không ít du khách trong và ngoài nước có mặt ở đảo dịp này tỏ ra thích thú khi hòa mình vào không gian của lễ hội.
Tôn tạo, trùng tu di tích
Hiện khu lăng mộ cá Ông ở xã Tam Hải đã được lập bia di tích cấp tỉnh. Công trình lăng thờ cá Ông là nơi triển khai các hoạt động lễ hội, khu hành lễ, tưởng niệm đã được Sở VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí xây dựng với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng đang từng bước hoàn thiện, dự kiến nghiệm thu và bàn giao trong năm 2019. Với người dân Tam Hải, đây là niềm vui bởi ai cũng mong muốn có một khu thờ cúng khang trang, che mưa che nắng. Cùng với đền thờ, người dân Tam Hải còn mong mỏi được chung tay với Nhà nước xây dựng công trình tường rào, cổng ngõ, bảo vệ khuôn viên di tích. Bên cạnh đó, người dân làng Thuận An cũng đã góp sức trùng tu di tích Dinh Bà Phường Chào trên đỉnh đồi tiếp giáp với Bãi Nờm. Theo nhiều lão làng, từ lâu ông bà của làng biển này đã truyền nhau chuyện một tảng đá nhỏ có ghi ký tự Chăm bỗng trôi đến bờ biển của làng, được ngư dân vớt lên, đưa lên đỉnh núi cao của làng, rồi lập dinh thờ tự. Đúng 2 năm sau kể từ ngày tảng đá trôi đến, lại tiếp tục trôi tới 2 tấm liễn tương truyền đó là hai cận vệ thân cận của Bà cũng được dân làng đưa vào thờ tự ở hai bên tả hữu tại Dinh Bà.
Ông Nguyễn Văn Những, người dân làng Thuận An, bảo rằng, nghe ông bà kể lại, ngày trước dinh to lắm, nằm ngoài đầu làng nhưng sau bị tàn phá bởi chiến tranh, bom đạn nên phải dời địa điểm ngày nay và đã được trùng tu trước giải phóng. Dinh Bà gắn liền với tín ngưỡng tâm linh, nét văn hóa đặc sắc vùng biển. Còn ông Huỳnh Văn Đạo (70 tuổi, thôn Thuận An) kể, dân Thuận An bao đời đi biển nhưng may mắn bình an một phần cũng nhờ ơn đức Bà che chở. Dinh Bà là khu vực rất linh thiêng, ai muốn hái một trái cây gì ở khu vực Dinh Bà cũng phải thắp hương khấn vái rồi mới dám hái. Ông Trần Minh Tập - Trưởng thôn Thuận An cho biết, lễ cúng tế Dinh Bà và lễ hội cầu ngư là những nghi thức lễ hội truyền thống đã ăn sâu vào ký ức người dân Thuận An nói riêng, Tam Hải nói chung. Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng lăng thờ cá Ông. Còn Dinh Bà được trùng tu năm 1972, hiện đã xuống cấp, không có đủ chỗ cho dân làng tụ họp cúng tế nên dân làng đã tính chung tay góp sức xây dựng lại dinh với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng trong năm 2019.
HOÀNG LIÊN