Trại sáng tác ở Mỹ Sơn
Lần đầu tiên kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, một trại sáng tác văn học chuyên đề về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, do Chi hội Văn học (trực thuộc Hội VH-NT tỉnh) khởi xướng và thực hiện, với sự giúp đỡ, hợp tác của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, đã được tổ chức.
Khai mạc Trại sáng tác văn học Mỹ Sơn. Ảnh: B.A |
Trại khai mạc ngày 17.2, tiếp đó gần 40 văn nghệ sĩ tham gia chương trình khám phá Mỹ Sơn và các vùng phụ cận diễn ra từ tối 17.2 đến hết ngày 18.2. Sau chuyến đi thực tế tập trung này, các trại viên còn có thêm 40 ngày nữa để tiếp tục tiếp cận, tìm hiểu thực tế và sáng tác. Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, việc tổ chức trại sáng tác theo phương thức “mở” trong một khoảng thời gian khá dài như thế nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận thực tế đầy đủ hơn cũng như tạo ra những khoảng ngưng lắng cảm xúc cần thiết để sáng tác. “Chúng tôi đã vài lần mở trại theo phương thức này và đều rất thành công. Lần này, anh em nhập cuộc rất tốt, lại được Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, hy vọng kết quả sẽ khả quan” - nhà văn Lê Trâm nói.
Ông Phan Hộ - Trưởng ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, đơn vị đã nhiều lần đón các văn nghệ sĩ, nhà khoa học về tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tác nhưng chưa bao giờ được đón cùng lúc nhiều văn nghệ sĩ như lần này. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ dự trại ngay khi đặt chân đến Mỹ Sơn đã tạo được những ấn tượng tốt cho mọi người ở đây, bởi sự háo hức, năng động và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình khai mạc trại sáng tác, một buổi giao lưu văn nghệ mini giữa các văn nghệ sĩ dự trại với cán bộ, viên chức Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã được tổ chức. Trong khi các nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Đỗ Thượng Thế... giới thiệu những tác phẩm về Mỹ Sơn “vừa được viết xong” thì các nhạc sĩ khách mời của trại như Lê Xuân Bá, Huỳnh Đức Long cũng tham gia trình làng ca khúc mới, viết riêng cho di sản văn hóa này.
Đáp lại tình cảm và hòa nhịp cùng những cảm hứng tươi mới, dạt dào của các văn nghệ sĩ, cán bộ, viên chức Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Không gian giao lưu của trại sáng tác, vì thế trở nên gần gũi, ấm áp và đặc biệt, dưới ánh sáng của mùa trăng Nguyên tiêu, chợt nghe như vang lên đâu đó những âm vọng của Ngày Thơ Việt Nam... Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ cho biết, anh đã nhiều lần đến Mỹ Sơn nhưng lần này có cảm giác đặc biệt hơn, cảm xúc đến rất nhanh và tràn ngập. Còn ông Phan Hộ bộc bạch: “Tôi thật sự bất ngờ khi mà chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, một số nhà thơ đã có tác phẩm cho Mỹ Sơn. Được nghe những bài thơ, bài hát còn “nóng hổi” và đậm đà tình cảm, sâu sắc về Mỹ Sơn, tôi và mọi người ở đây đều rất vui và xúc động”.
Sau khai mạc, gần 40 văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác văn học Mỹ Sơn sẽ có thêm 40 ngày nữa để tiếp tục tự đi thực tế (nếu cần) và sáng tác. “Đầu ra” của trại sẽ là một tập sách, gồm thơ, văn xuôi và cả âm nhạc sẽ được xuất bản và phát hành nhân kỷ niệm 20 năm ngày Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2019).
BẢO ANH