Tháng Giêng trẩy hội Đức Bà Phường Chào
(QNO) - Mùng 10 tháng Giêng, đông đảo dân làng Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) và vùng lân cận nô nức kỷ niệm ngày phong sắc Đức Bà Phường Chào tại khu vực lăng mộ Bà ở vùng Gò Muồng - một tín ngưỡng văn hóa tâm linh ngày xuân.
Nghi thức cúng tế theo hình thức cổ lễ tại lăng Bà Phường Chào. Ảnh: PHƯƠNG NHAN |
Từ tờ mờ sáng, dân làng các nơi đã có mặt đông đủ tại khu vực lăng mộ Bà. Ban lễ nghi tề tựu gồm các bậc cao niên, vận khăn đóng áo dài, triển khai các phần nghi lễ quan trọng theo hình thức cổ lễ. Không chỉ thực hiện đầy đủ các nghi thức quan trọng như cúng bái, ban lễ nghi còn mời đoàn hát tuồng về hát phục vụ lễ. Đây là nét văn hóa độc đáo không thể thiếu đầu Giêng của người dân Đại Lộc, là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Bà, thờ thần nữ trên đất Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam và cả nước nói chung.
Người dân cung kính dâng hương, đảnh lễ tại khu vực lăng mộ Bà. Ảnh: PHƯƠNG NHAN |
Theo thần phả do đồng đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Nhâm Thìn, với chức Gia Nghị đại phu tên Học biên soạn năm Khải Định thứ 4 (1919), Bà Phường Chào tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25.2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn 10 (thôn Mỹ Phiếm), xã Đại Cường. Thân phụ của bà làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí; thân mẫu họ Trịnh, húy là Tình và nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Cả ba là “Tam vị khải thần" được thờ tại miếu Nhũ Mẫu.
Sinh thời Bà thích mặc vải lụa điều, ưa vỗ về, nô giỡn, ca múa với trẻ em, thích hát bội và thích đua ghe. Lớn lên, Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ở trần gian được 17 năm, ngày 19.11 năm Gia Long thứ 16 (1817) Bà hiển linh tại đất Phường Chào và được người dân thờ tự chu đáo. Tuy nhiên, do sự biến đổi dòng chảy của sông Vu Gia, ngôi mộ của Bà có nguy cơ bị cuốn trôi nên năm Thành Thái thứ 10 (1898), Tổng đốc Quảng Nam cho cải táng mộ Bà về làng Phước Yên, nay thuộc Gò Muồng (thị trấn Ái Nghĩa), tức khu Hoán Mỹ nay.
Cúng tế tại lễ kỷ niệm ngày sắc phong Bà Phường Chào. Ảnh: PHƯƠNG NHAN |
Từ khi được dời về doi đất cao tại Gò Muồng, lăng mộ Bà Phường Chào được người dân gìn giữ cẩn thận. Hằng năm, dân làng Hoán Mỹ thường tổ chức các ngày lễ tưởng nhớ Bà như ngày 19.11 là ngày kỵ cơm của Bà; mùng 10 tháng Giêng là ngày phong sắc Đức Bà; ngày 25.2 là ngày sinh của Bà. Tại ngày này, dân làng thường tổ chức các lễ theo nghi thức cổ lễ với cúng đất, hát lễ, lễ cúng Đức Bà, lễ dâng hương.
Đặc biệt, tại các ngày lễ, các đơn vị hát tuồng thường nhận lời mời trích một số đoạn tuồng nhằm mục đích biểu diễn cho Bà và người dân xem vì tương truyền lúc sinh thời bà rất mê hát tuồng. Bà được triều đình nhà Nguyễn phong thần 2 lần. Đó là ngày 20.9 năm Thành Thái thứ 6 (1894), triều đình sắc phong thần cho Bà với mỹ hiệu “Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần”; năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình ban sắc gia phong tặng Bà Phường Chào là “Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần”.
Hát tuồng tại buổi lễ. Ảnh: PHƯƠNG NHAN |
Theo các bô lão, Bà Phường Chào được xem là vị thần của làng Mỹ Phiếm (xã Đại cường xưa và nay). Bà hành nghề chữa bệnh bằng các bài thuốc nam, lá cây rất hiệu nghiệm và được dân làng tôn kính. Không những thế, Bà còn đi nhiều nơi chữa bệnh cho dân nghèo như vùng Chợ Được (nay thuộc Thăng Bình), chợ Cửu (nay thuộc TP.Huế); dân làng các nơi vì thế cũng nhớ ơn và thờ cúng Bà. Được biết, lăng Bà đã qua 5 lần trùng tu và sửa chữa: lần thứ nhất - năm 1963 (Quý Mẹo), lần hai - năm 1976 (Bính Thân), lần 3 năm 1993 (Quý Dậu), lần 4 - 2002 (Tân Tỵ), lần cuối cùng là vào ngày 21 tháng Giêng năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Trường - thành viên ban tổ chức nghi lễ năm nay cho biết, mùng 10 tháng Giêng là ngày mà Bà Phường Chào được nhà vua phong sắc “Thượng đẳng thần”, tước sắc cao nhất thời xưa. Đây cũng là ngày mà dân làng chọn để ghi nhớ công lao cứu chữa bệnh tật, cứu độ chúng sinh cho dân nơi đây bà con tề tựu về dự lễ rất đông. Lễ kỷ niệm sắc phong Bà năm nào cũng có đầy đủ các phần: dâng lễ, hát lễ, cúng, hát tuồng, viếng hương Bà; phần tiệc thết đãi dân làng, con cháu. Phần dâng lễ được tổ chức trịnh trọng với những nam thanh, nữ tú được chọn làm người hầu Bà, vận trang phục áo dài khăn đóng truyền thống của người Việt, rước sắc phong vào khu vực lăng mộ hành lễ… Không thể thiếu trong các lễ hội là có sự góp mặt của các diễn viên hát tuồng với những trích đoạn tuồng cổ, tạo cho phần lễ thêm màu sắc, vừa đáp ứng nhu cầu trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng trong ngày xuân.
TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG