Hình tượng heo trên Cửu đỉnh

LÊ KHẮC NIÊN 17/02/2019 03:55

Con heo hiện diện trên Cửu đỉnh - một biểu tượng của vương triều Nguyễn. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của loại vật nuôi gần gũi này.

Cửu đỉnh trong Đại nội Huế.
Cửu đỉnh trong Đại nội Huế.

Cửu đỉnh

Trải qua 143 năm (1802 - 1945), vương triều Nguyễn đã để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị trên vùng đất Phú Xuân (cố đô Huế ngày nay). Một trong những công trình tiêu biểu trong tổng thể các giá trị văn hóa mà vương triều Nguyễn để lại chính là Cửu đỉnh (9 cái đỉnh lớn). Cửu đỉnh được đặt tên theo miếu hiệu của các vua triều Nguyễn, mỗi đỉnh ứng với một vị vua: Cao đỉnh là miếu hiệu của vua Gia Long, được đặt ở chính giữa, tiếp đó là Nhân đỉnh (Minh Mạng), Chương đỉnh (Thiệu Trị), Anh đỉnh (Tự Đức), Nghị đỉnh (Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (Khải Định). Riêng Dụ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp có miếu hiệu của vị vua nào thì triều Nguyễn đã sụp đổ. Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1835, đến năm 1837 thì hoàn thành.

Đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn được đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu trong Đại nội Huế. Cửu đỉnh triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học hồi đầu thế kỷ 19.

Mỗi đỉnh khắc 17 hình ảnh khác nhau và có chú thích bằng chữ Hán, mỗi họa tiết không chỉ đơn thuần là những đường nét chạm khắc tinh tế mà đó còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cửu đỉnh được coi là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ 19. Đây là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của Việt Nam. Đó còn là sản phẩm thể hiện đỉnh cao trong nghệ thuật đúc đồng của nước ta thế kỷ 19.

Heo - con vật đặc trưng

Trong nhiều họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh, đáng chú ý có hình ảnh về con heo được thể hiện trên Tuyên đỉnh. Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Tuyên đỉnh, khắc các hình: mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam, sông Nhị Hà, chim yểng, con heo, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ”. Tuyên đỉnh cũng như tám đỉnh khác đều khắc rất đa dạng về thiên nhiên đất nước với những hình ảnh tượng trưng cho từng vùng miền cũng như những điểm chung của cả nước. Trong đó, hình ảnh con heo được thể hiện rất sinh động và nổi bật. Heo (Hợi) là một trong 12 con giáp theo quan niệm địa chi của người Phương Đông. Việc được khắc hình ảnh trên Tuyên đỉnh cũng đã cho thấy con vật này có một vai trò quan trọng trong đời sống bởi 153 họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh đều là những hình ảnh đặc trưng.

Hình tượng con lợn được khắc trên Tuyên đỉnh.
Hình tượng con lợn được khắc trên Tuyên đỉnh.

Trên Tuyên đỉnh, hình ảnh con heo được chú thích rõ ràng bằng chữ Hán là “Thỉ”. Thỉ - heo còn gọi là trư, là đồn, là khải, là trệ, là phần. Sách Lễ ký chép là cương lạp. Heo là con vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm và rất có ích cho đời sống con người. Theo Đông y, thịt heo nạc có vị ngọt, hơi mặn, tính bình, là nguồn dinh dưỡng có giá trị trong đời sống, hiện diện trong từng bữa ăn hàng ngày của đại đa số gia đình Việt Nam. Heo cũng là con vật đem lại nguồn thu nhập cho các ngành công nghiệp thuộc da. Ngoài ra heo còn được nuôi để hiến tế thần linh, dâng cúng gia tiên hàng năm.

Ở nước ta, dù heo được xem là biểu tượng của sự may mắn và phồn thực nhưng đôi khi cũng mang ý nghĩa tiêu cực như tính lười biếng (lười như heo), ham ăn… Trong văn hóa dân gian, con heo được thể hiện rất sinh động qua các bức tranh Đông Hồ, thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Con heo trong quan niệm văn hóa cổ truyền ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc, sung túc, no đủ. Heo được nhân cách hóa ở nhiều câu chuyện của nhiều vùng miền. Bên cạnh đó, nó còn là hình tượng được thể hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: điêu khắc, hội họa, âm nhạc… Thậm chí, hiện nay nhiều người còn xem heo là vật nuôi thân thiện, đi đâu cũng mang theo.
Việc chọn con heo để khắc lên Tuyên đỉnh trong Cửu đỉnh đã thể hiện vị trí quan trọng của loài vật này bởi có rất nhiều loài vật khác được dân gian có quan niệm tốt hơn nhiều nhưng hình ảnh con heo vẫn được chọn để đại diện. Qua đó để ta thấy được rằng, loài vật này có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Việt xưa nay.

LÊ KHẮC NIÊN

LÊ KHẮC NIÊN