Lễ hội rước cộ bà Chợ Được: Hướng về nguồn cội
Lễ hội truyền thống rước cộ Bà Chợ Được được UBND xã Bình Triều (Thăng Bình) tổ chức với quy mô lớn diễn ra hôm nay (15.2) nhằm vinh danh những giá trị văn hóa đặc sắc và đề cao tinh thần gắn kết cộng đồng của người dân thôn Phước Ấm.
Ông Trương Công Hùng góp ý với người dân tổ 13, thôn Phước Ấm thực hiện bàn cộ Điện Biên Phủ. Ảnh: QUANG VIỆT |
Chung tay
Năm nay, 4 bàn cộ tham gia lễ hội làm nổi bật các giá trị bất biến của các truyền thuyết, sự kiện là Lạc Long Quân và Âu Cơ, Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ... Từ ngày 8.2 đến nay, thầy giáo Huỳnh Minh Trí - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Độ (xã Bình Tú, Thăng Bình) đã tập trung thiết kế, thực hiện bàn cộ Điện Biên Phủ. “Tôi cùng người dân tổ 13, thôn Phước Ấm gắn bó bấy lâu nay, chung tay hoàn thành rất nhiều bàn cộ cho lễ hội để đồng hành với người dân địa phương” - thầy Trí nói.
Cùng chung ý nghĩ với thầy Trí, rất nhiều thành viên là người già, trung niên, tuổi trẻ của tổ 13, thôn Phước Ấm đã phân chia công việc tái hiện lại trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử qua bàn cộ. “Đỉnh cao của phần tái hiện trận đánh Điện Biên Phủ oai hùng là những trận pháo kích của quân dân ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cát sau khi đã vượt qua rất nhiều thách thức khắc nghiệt. Các âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, dụng cụ hòa quyện vào nhau toát lên tinh thần “đầu nung lửa sắt”, “máu trộn bùn non” như nhà thơ Tố Hữu đã viết về trận đánh” - thầy Trí cho biết.
Tại thôn Phước Ấm, nhiều thành viên cùng tụ lại thực hiện bàn cộ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ông Phan Tú - tổ trưởng tổ 16, cho biết, UBND xã đã hỗ trợ 15 triệu đồng nhưng cộng đồng dân cư góp thêm nhiều tiền của, công sức mới có thể hoàn thiện bàn cộ. “Đến gần lễ hội là người dân tụ họp, cùng chung tay thực hiện bàn cộ vì ý nghĩa to lớn. Đó là tôn vinh các giá trị truyền thống làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương” - ông Tú nói. Với phần rước bàn cộ này, huyền thoại về Lạc Long Quân và Âu Cơ được tái hiện rất sinh động, qua đó, giải thích, khẳng định, ca ngợi nguồn gốc dòng giống rồng tiên của người Việt. Đó cũng là cách người dân khơi dậy, tôn vinh niềm tự tôn, tự hào dân tộc, tình yêu thương, đoàn kết trong tinh thần, tâm thế cộng đồng dân cư. Với bàn cộ Phù Đổng Thiên Vương, người dân thôn Phước Ấm đã tô đậm hình tượng Thánh Gióng oai phong, lẫm liệt, đánh tan giặc Ân rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn bay về trời. Phần rước bàn cộ Hai Bà Trưng tô đậm tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng người Việt và các dân tộc khác của cả nước, đuổi Tô Định về nước, giành độc lập dân tộc.
Lan tỏa
Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết, theo truyền thuyết, Bà Chợ Được vốn là vị nữ họ Nguyễn tên Của, người làng Phường Chào nay là thuộc xã Đại Cường (Đại Lộc) giúp người dân xây làng, lập chợ Phước Ấm thị hà (chợ Phước Ấm bên sông) nhanh chóng sầm uất, phát triển thành Chợ Được. Người dân qua nhiều thế hệ đã tri ân bà, lập lăng thờ ở thôn Phước Ấm ngày nay. Ngày 31.12.2008, lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 19.12.2014, Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Lễ hội được triển khai hàng năm phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Tín ngưỡng gắn với thờ Mẫu này không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân quê. Đó là lòng thành kính với tiền nhân, hướng về nguồn cội, mong cuộc sống thanh bình, no đủ, bình dị” - ông Ba nói.
Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thăng Bình cho biết, Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được đã được UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ 200 triệu đồng và giao hẳn cho địa phương tổ chức. Ngành văn hóa - thông tin huyện đã giúp đỡ về tư liệu, văn hóa, nghệ thuật để lễ hội diễn ra đúng các giá trị vốn có.
Nét độc đáo trong Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được là sự hài hòa, đan quyện của các nghệ thuật tạo hình, hội họa, sân khấu, diễn xướng, đậm chất dân gian. Những nghệ sĩ chân đất của thôn Phước Ấm đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật chưng cộ qua sự điêu luyện của bàn tay, sự năng động, sáng tạo của khối óc để dựng nên các hình tượng độc đáo, cuốn hút người xem. “Các bàn cộ được rước linh đình thu hút rất nhiều người dân trong và ngoài huyện đến chiêm ngưỡng, kính cẩn tôn vinh các anh hùng dân tộc, tinh thần kiên trì, dũng cảm đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như các nét văn hóa quý báu từ nghìn xưa truyền lại. Các giá trị truyền thống đó được khơi dậy đã tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện” - ông Hùng nói. Đến nay, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được đã đi qua 167 mùa xuân.
VIỆT NGUYỄN