Nhớ bạn thơ
Tết sắp về, ngồi lục tìm trên giá sách những tập thơ đã ố vàng in từ thời bao cấp, tôi bồi hồi nhớ từng kỷ niệm với bạn thơ đã đi xa.
Con thuyền không bến (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc |
Tôi nhớ Trần Khắc Tám ngày ấy, gia đình anh ở góc đường Trần Phú (Đà Nẵng), một gian gác trên tầng 4. Nhà nhỏ, nhưng ngăn nắp, và đặc biệt là rất nhiều sách. Tôi nhìn giá sách của Tám mà thèm. Tám vốn luôn nhỏ nhẹ, chân thành. Thơ Trần Khắc Tám với những cánh đồng làng thân thuộc, với hình ảnh “người mẹ bóng đi như chạy giữa cánh đồng/ người chị hát cười răng đen hạt na/ nơi bên cầu tre bóng ai ngồi giặt áo/ những trái dưa trên cát ngủ no tròn”. Bóng dáng người mẹ quê trong thơ Trần Khắc Tám đầy cảm xúc: “Một mình con đi chợ chiều nay/ Ngày xưa ấy mẹ con mình dạo bước/ Mẹ thì già bao giờ cũng đi trước/ Con theo sau/ Mảng ráng chiều cháy đỏ trên đầu/ Thiếu mẹ nhiều khi con lúng túng/ Nhìn về đâu cũng thấy thiếu một người” (Đi chợ chiều nhớ mẹ).
Còn nhà thơ Hoàng Minh Nhân, quê Gò Nổi, Điện Bàn, một “nghệ sĩ” luôn hết lòng với văn nghệ. Anh vốn là cán bộ nghiên cứu, vì văn chương mà bỏ ngành và trở về xứ Quảng của mình để sống và sáng tác. Anh lại đi học viết văn rồi về quê, tình nguyện lặn lội đến các địa phương để tìm các cây bút trẻ, tạo điều kiện cho họ đến gần với hội, tham gia các trại sáng tác văn học. Nhiều người trong số đó giờ đây là những nhà văn, nhà thơ thành danh. Văn xuôi anh viết nhiều, nhưng bạn bè lại thường nhớ thơ của Hoàng Minh Nhân. Nhớ Trái cốc mỏng mảnh vỏn vẹn 30 trang, nhớ Chùm chìa khóa, “đi đâu anh cũng bỏ quên/ ước gì tôi cũng dễ quên/ những mối tình thời trẻ”, nhớ thời nghèo khó: “làm sao có được mươi đồng bạc/ tặng bạn chiều nay trái cốc xanh/ đưa tay anh hái trời xanh vậy/ trái cốc lòng anh mãi để dành”. Hoàng Minh Nhân còn là chủ biên và xuất bản gần 30 tác phẩm có giá trị.
Có hai người bạn làm thơ trẻ mà tôi rất yêu mến là Nguyễn An Hạ và Nguyễn Minh Khôi. Còn nhớ một lần, nâng cốc ở quán rượu, Nguyễn An Hạ đọc mấy câu thơ mà mắt đượm buồn: “Thời gian luôn phía trước/ Bỏ ta giữa lưng chừng/ Với những gì được mất/ Đếm tuổi mình rưng rưng” (Ngồi lại tuổi bốn mươi). Hoặc trong tập thơ Cỏ dại in năm 1996 có mấy câu thơ tình như lời định mệnh: “Nghe trong tôi mộ tình cỏ mọc/ Cuộc đời tôi từ đó chìm rơi”. Có ai ngờ, Cỏ dại cũng là nơi tâm hồn bạn tôi ngàn đời xanh cỏ mọc!
Cũng là cỏ, nhưng là Cỏ hoa ngày thường của Nguyễn Minh Khôi. Năm 2002, có lần Khôi tặng tôi tập thơ và dắt nhau vào quán cà phê ngồi nguyên một ngày. Trời hôm ấy mưa dầm, tôi ngồi nghe bạn mình đọc thơ mà lòng se lạnh: “Mơ hồ một tiếng lá rơi/ Giật mình ngoảnh lại một đời như không”. Một thế giới đầy hư ảo, bạn tôi đã “đặt cược đời mình trên những con chữ chông chênh đầy bất trắc”: “Ta phải về thôi chiều đã tắt/ Sương đã giăng trên những non ngàn/ Phố thị chờ ta về nhập cuộc/ Bạn lòng ơi đành lỡ hẹn đêm này” (Xuống núi). Đời sao qua mau, sao những người bạn thơ của tôi lại sớm chia tay: “Đi qua rồi đi mãi/ Sông kia chảy về đâu/ Đi qua rồi ngoái lại/ Một đời sao qua mau” (Đi qua).
Nhắc đến Trần Từ Duy thì hầu như anh em văn nghệ ai cũng nhớ, một cây bút biếm Đông Ki-Rét của Tuổi trẻ Cười nhưng rất mê thơ. Nhớ một lần, đúng kỷ niệm ngày mất của Thiện, Trần Từ Duy gọi tôi “Hạnh có đến Hoàng Tư Thiện ghé lại cho mình đi với”. Tôi đến khách sạn đón anh, cứ nghĩ thế là chạy thẳng thôi, ai ngờ Trần Từ Duy bảo tôi rẽ đến một quán rượu nổi tiếng để tìm cho ra chai Chivas thứ thiệt mang lên giỗ bạn. Tôi chợt nghĩ, thân hữu mà chân tình như vậy rất hiếm! Đến và đi giữa cuộc đời dâu bể, khi cuộc chơi chưa tàn: “Đâu dễ gì coi như/ Đời ta không có mặt/ Có dễ gì coi như/ Mọi điều không có thật” (Đâu dễ gì coi như). “Kẻ đa tình” ấy đã về với cõi vĩnh hằng: “Ta bây giờ coi như/ trần gian không có mặt”, anh đã về với cõi thi ca.
Nhắc đến rượu và thơ làm sao quên được Hoàng Tư Thiện. Thiện hay uống rượu một mình. Trầm ngâm như chiếc bóng, ít nói. Khi say, Thiện lại đọc thơ đông tây kim cổ, ngất ngây như ma nhập... Một bài thơ cuối cùng chép tay gửi bạn bè, dường như anh đã dự cảm sự ra đi của mình: “Hãy để hồn an nghỉ một đêm nay/ Đầu sẽ gối lên tay này cô độc/ Hãy để hồn sống nốt đêm nay/ Đêm sắp tắt hay mắt ai chừng đã khép” (Chiêu hồn). Trái tim ấy không chịu dừng với bao khát vọng tình yêu. Hồn anh vẫn còn quanh quẩn đâu đây, đắm say yêu cuộc đời này. Ngày hai em tôi còn dạy học ở Điện Bàn, có một lần, Thiện nói với tôi, “tìm không thấy người, nên mình tri âm với bóng, vậy thôi”. Cái bóng ấy là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thơ Hoàng Tư Thiện: “Tôi ngồi với bóng tôi mà/ Tôi và chiếc bóng nữa là có đôi”. Đây nữa, “Cái hư cái thực/ cái mất cái còn/ cái có cái không/ chập chờn cái bóng”. Đến cả cái bóng của mình cũng ẩn hiện mơ hồ: “Mảnh gương trong vắt kia mà/ Sao tôi tìm mãi không ra bóng mình?”. Sống một mình lầm lũi, trôi dạt với thơ giữa cuộc đời này. Đến khi “tắt đèn/ mất bóng /tôi nhìn /thấy tôi”.
Thơ đôi khi linh thiêng như một điềm báo, cũng như “cái bóng” Hoàng Tư Thiện, nhà thơ Nguyễn Trung Bình trong những ngày cuối cùng dường như cảm xúc có điều gì gấp gáp, tuôn chảy: “không có gì xảy ra/ phố đang chảy vào ngày/ ngày đang chảy vào phận người các kiểu/ các kiểu đều chung một lối về là cái chết/ sao người ta cứ giành giật nó từng giây trông mà thương quá là thương” (Phố ngày em đi). Câu thơ chạm vào cái chết như tiên cảm với một thái độ chấp nhận và ít nhiều có sự thanh thản, đón chờ. Làm sao anh em văn nghệ có thể quên được đêm thơ nhạc chia tay Đặng Ngọc Khoa, từ Sài Gòn Nguyễn Trung Bình gọi điện về xin được đọc một bài thơ viếng Khoa đầy xúc động. Lúc ấy Bình đã bệnh nặng rồi, cũng giành giật từng giây với số phận, không đọc hết bài thơ nên Trần Tuấn phải chép thơ ra giấy để đọc thay cho bạn. Mấy ngày sau thì Bình đi cùng với Đặng Ngọc Khoa. Những năm tháng cuối đời, Bình viết nhiều, viết trong tâm thế dữ dội, khác lạ, một giọng thơ trần trụi, thô nhám, đầy nỗi buồn đơn độc. Đọc lại câu thơ này, thương lắm Bình ơi: “Đời này dài sao tình yêu của tụi mình ngắn thế...” (Mắt nâu).
Còn Đặng Ngọc Khoa thời chưa có việc làm, đói rách, mỗi lần ghé Vĩnh Điện chơi Khoa thường đến nhà tôi. Có nhiều đêm thức trắng ôm đàn hát nghêu ngao, không cần biết ngày mai là gì. Thơ Khoa có nhiều dự cảm tủi mệnh về phận mình: “Chưa bình minh đã hoàng hôn/ Đời tôi chính ngọ bồn chồn thân tâm/ Nổi chìm một nửa trăm năm/ Chân chưa vạn dặm ai thầm gọi tôi?”. Bài thơ Đa mang, giờ đọc lại tôi lạnh cả người: “Đừng khóc nữa em, anh về xa/ Gối đầu trên cỏ nghỉ quê nhà/ Làng anh mọc dưới ngôi sao ấy/ Em có bao giờ ngóng sao sa?”. Đặc biệt Đặng Ngọc Khoa hay xuất khẩu thành thơ, làm xong là quên chứ ít khi ghi chép lại. Nhưng bạn bè tôi mấy ai không nhớ mấy câu thơ này: “Sẽ có một ngày như thế tim tôi/ Trước cái chết lẽ nào sợ hãi/ Ngực con tôi trái tim trao lại/ Không trái tim ai ngừng đập trên đời”.
Mà lạ thật, nhiều người làm thơ sao lại chết trẻ thế? Tôi nhớ Vũ Hữu Định, Hoàng Trọng Dũng, Phạm Ngọc Lư, Thái Miên, Phụng Lam... Khó mà quên được một buổi sáng nhà thơ Phụng Lam qua đời đột ngột bên luống rau nhà mình. Anh là người đồng hương Đại Lộc của tôi. Viết lục bát thế này đâu dễ: “Mẹ ngồi ngạch cửa vá mưa/ miếng đông rét, miếng gió lùa ngõ quê/ mũi chìm mũi nổi buồn tê/ phía sông xưa cóng nỗi se sắt mù” (Vá mưa).
Làm sao mà nhớ hết, đây chỉ là nén hương phút giao thừa xin gửi đến những hương hồn đã khuất, chỉ là chút tình của bạn bè văn nghệ xứ Quảng nhớ về nhau...
NGUYỄN NGỌC HẠNH