Heo thừa vú

THẦY CÃI 05/02/2019 06:20

Nếu bạn đọc có dịp du lịch về đồng bằng sông Cửu Long, đi vào những xóm làng cây trái sum sê, bạn sẽ thấy nhiều tấm bảng ghi: “Tại đây mua heo thừa vú”, hoặc ngắn gọn hơn: “Heo thừa vú”.

Ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài những trang trại lớn chăn nuôi heo, bà con ít vốn trong xóm ấp thường chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi nhà chừng mươi con trở lại. Họ nuôi heo không tốn kém gì mấy vì thức ăn cho heo như gạo, cám, cá vụn, khoai lang, rau lang... phong phú. “Heo thừa vú” là một trong những cách chăn nuôi nhẹ nhàng của bà con.

Người nông dân đồng bằng phong con heo nọc - tức heo đực chuyên đi truyền giống, lên đến chức... Nọc chảng đại vương. Nọc chảng đại vương được ăn uống ngon lành; thực đơn hàng ngày của ngài có thêm trứng gà, đậu xanh. Nhiệm vụ của ngài là đi theo chủ đến nhà có heo nái để gieo rắc niềm vui vẻ mà chữ nho gọi là truyền giống.

Do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, bà con có heo nái thường tin tưởng việc gieo giống tự nhiên này nhiều hơn là tin vào kỹ thuật mới thụ tinh nhân tạo. Cho nên, Nọc chảng đại vương được cưng chiều; đi gần thì có chủ nọc dẫn đi; đi xa thì có xe chở; đi đường sông thì có tắc ráng, vỏ lãi đưa. Ngài không cần biết vợ mình là ai, cứ xông tới làm nhiệm vụ truyền giống vừa cao quý và vừa thô bỉ; xong việc là về nhà tẩm bổ no say rồi lăn ra ngủ.

Đây nói về các nàng heo nái. Trời sinh ra có nàng mười vú, có nàng mười hai vú trở lên. Trong số vú đó, thế nào cũng có một hoặc hai cái lép, rất mất thẩm mỹ; đến nỗi các thẩm mỹ viện chuyên bơm ngực cũng chê vì không thể can thiệp để cải thiện được. Mà hễ có vú lép thì khi làm mẹ, những vú ấy không có sữa hoặc sữa rất ít. Sau khi chung đụng với Nọc chảng đại vương, các nàng có chửa. Dàn vú dưới bụng càng gần đến ngày sinh thì càng nở ra; cái nào tròn trĩnh, cái nào lép xẹp đều được chủ heo quan sát và tính toán.

Tính như vầy: Nếu heo nái mẹ có mười hai vú mà sinh được mười hai chú heo con thì chủ sẽ bán đi hai con, giữ lại mười con để bầy heo con được bú mẹ thoải mái. Nếu heo nái mẹ có mười hai vú, trong đó có một vú lép thì chủ nhà sẽ bán đi ba chú heo con, giữ lại chín con... Các chú heo con mạnh khỏe háu đói, bú mẹ rất tàn bạo; hễ mẹ vừa nằm xuống là các chú xông vào húc nhau, đẩy nhau để được bú sữa. Cho nên phải giới hạn bầy heo con ít hơn số vú mẹ thì những con heo con yếu hơn mới có sữa mà bú. Do vậy, chủ heo mới bán đi hai hoặc ba chú heo con. Bán đi đâu? Họ cứ mang đến bán cho những nơi có bảng mua “Heo thừa vú”.

Đây nói về cái bảng “heo thừa vú”. Thuyết chính danh của nhà nho cho rằng danh phải chính thì ngôn mới thuận. Nếu còn các nhà nho theo thuyết chính danh, thì tấm bảng treo phải gọi là “Mua heo thiếu vú” mới đúng, bởi heo nhà này thiếu vú bú mới đem bán  cho nhà kia. Vậy nhưng ba trăm năm nay, bà con nhân dân miền Tây không khoái thuyết chính danh của nhà nho lắm, gọi là heo thừa vú cũng đã quen rồi nên cứ vậy mà treo bảng “Heo thừa vú”. Họ sẵn sàng mua những chú heo con thiếu vú bú mới ba hoặc bốn ngày tuổi về nuôi.

Đó là trường hợp những nhà không có heo nái đẻ nhưng vẫn thích nuôi heo con. Họ mua chừng tám hay chín chú con heo con về, ban đầu tập cho heo con uống sữa hòa với cám gạo; cứng cáp một chút cho ăn dặm cháo gạo. Bầy heo con nuôi kiểu này thường là heo đa chủng tộc; có con giống đại bạch hay Lancaster trắng non, có con Durock da vàng như da bò, có con Danois đen thùi lùi, có con lai giống Thuộc Nhiêu của ta cái bụng phết lê thê dưới đất. Bầy heo này đầy màu sắc, trông rất vui mắt.

Mua heo thừa vú còn là những nhà có nuôi heo nái nhưng heo nái đẻ không đạt số lượng. Có những con heo nái mười bốn vú, tướng mạo cao to nhưng chỉ đẻ sáu hoặc bảy chú heo con. Vậy thì chủ nhà phải mua thêm ba hoặc bốn con heo về nuôi thêm cho đẹp bầy. Loài heo có cái mũi khá thính; heo mẹ nhận biết những con nào không phải là con của mình. Chủ heo can thiệp bằng cách... xức lên mũi heo mẹ một chút nước hoa, mùi thơm càng sến càng tốt! Vậy là không còn nạn phân biệt chủng tộc!

Bà con đồng bằng nuôi heo khá... lãng mạn. Sau khi mua chú heo con về, họ cột cho nó một sợi dây dừa; quàng dây từ cổ ra sau chân trước của con heo. Lựa một cây có bóng mát trong vườn, họ cột từng con heo vào đó; ăn, ngủ, phóng uế cũng một chỗ đó; không làm chuồng. Nếu nhà có vườn rộng, họ làm chuồng, chừa một khoảng đất có trồng cây cỏ; buổi sáng thả ra cho chúng kiếm ăn, buổi trưa buổi tối cho ăn trong chuồng. Cả hai cách nuôi ấy thuận với tự nhiên, con heo lại được vận động nên tránh được các bệnh tật vớ vẩn. Thịt heo này săn chắc, thơm ngon, nhiều nạc hơn so với heo nuôi theo kiểu công nghiệp.

Nếu bạn đi bằng xe hơi từ miền Tây về lại Sài Gòn, đừng quên ghé tiệm bán heo quay nổi tiếng khi qua khỏi đường tránh Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) khoảng 4 cây số. Nơi đây rất dễ nhận ra bởi tấm bảng vẽ chữ Vân Hồng kèm với hình con heo quay to tướng, có đèn led chớp nháy. Tiệm này bán khoảng năm con heo quay mỗi ngày, mỗi con quay xong còn khoảng hơn 50 ký. Da heo được phết mật ong, quay lên có màu hổ phách vàng, giòn và thơm phức; mua đem về nhà để tủ lạnh vài ngày sau chiên hoặc nướng lại, da vẫn giòn tan. Hỏi chị chủ tiệm heo ấy là heo gì, chị tự hào nói: “Heo thừa vú nhà nuôi đó ông!”.

THẦY CÃI

THẦY CÃI