300 năm, Ải Lĩnh xuân vân

LÊ THÍ 02/02/2019 04:23

Ba trăm năm trước, vào mùa xuân năm 1719, chúa Nguyễn Phước Chu có chuyến tuần du Quảng Nam. Khi đi qua đèo Hải Vân có làm bài Ải Lĩnh xuân vân. Đây là bài thơ hay với nhiều điều đặc biệt.

Nhìn từ Hải Vân. Ảnh: Hứa Thạnh
Nhìn từ Hải Vân. Ảnh: Hứa Thạnh

Vị chúa trong lòng dân

Nguyễn Phước Chu (1675 - 1725) là vị chúa thứ 6 của nhà Nguyễn. Ông lên ngôi chúa năm 1691, lấy hiệu là Thiên túng đạo nhân (thường gọi là Đạo nhân thư).

Nguyễn Phước Chu là một trong những vị chúa tài năng bậc nhất trong các đời chúa Nguyễn, có nhiều công lao đối với đất nước, nổi bật là để lại 34 năm cầm quyền thịnh vượng cho xứ Đàng Trong. Dưới thời Nguyễn Phước Chu lãnh thổ nước ta được mở rộng đến tận Hà Tiên. Năm 1692 lập phủ Bình Thuận, năm 1698 lập dinh Trấn Biên (Đồng Nai) rồi Phiên Trấn (Sài Gòn - Gia Định); năm 1708, thu nạp vùng đất Hà Tiên từ tay Mạc Cửu.

Vốn là người “sùng Nho, mộ Phật, học rộng kinh sử, sẵn đạo tâm” nên dưới thời Nguyễn Phước Chu tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong xã hội. Ông là người đã mời Thích Đại Sán sang giảng đạo pháp cho quan dân, xây và trùng tu nhiều chùa như Thúy Vân, Hoàng Giác, Kính Thiên…, đặc biệt là trùng tu và đúc chuông chùa Thiên Mụ.

Năm 1719, Nguyễn Phước Chu có chuyến tuần du Quảng Nam, để lại ba dấu ấn trong đó nổi bật là bài thơ Ải Lĩnh xuân vân:

Việt Nam xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên

Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

                                     (Đạo nhân thư)
Dịch thơ:

Mây xuân đỉnh ải

Việt Nam hiểm trở có non này,

Thục đạo nghìn trùng chót vót thay!

Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn,

Nào hay người ở mấy từng đây?

Không khe suối, cũng dầm xiêm áo.

Chẳng tuyết băng, sao buốt tóc mày.

Gió biển nguyện xin thành mưa móc,

Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày.

                        (Trần Đình Sơn, dịch)

Bài thơ đặc biệt

Ba trăm năm trước, một ngày xuân, một vị chúa tài ba với râu tóc xiêm áo ướt đẫm, rét run đứng trên đèo Hải Vân, hướng về phía Quảng Nam dâng lời nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, đất nước thịnh vượng.

Ải Lĩnh xuân vân là bài thơ hay, chỉ với 8 câu, 56 chữ tác giả đã miêu tả được hình thể và cảnh trí của ngọn đèo một thời được xem là “đệ nhất hùng quan” vào một ngày đầu xuân. Lồng vào đó là nỗi lòng của tác giả. Nhận xét về văn chương xin để các nhà chuyên môn, chỉ xin nêu những điều đặc biệt của bài thơ:

Không biết vì sao bài thơ thất ngôn với 8 câu này khi đưa vào Đại Nam nhất thống chí (viết thời Duy Tân) và khi khắc lên một số chén sứ thì chỉ còn có 4 câu, và trong 4 câu này có khác vài chữ so với bản chính. Chưa có nhà nghiên cứu nào giải thích điều này!

Thơ và hình vẽ minh họa bài Ải Lĩnh xuân vân trên chén sứ.
Thơ và hình vẽ minh họa bài Ải Lĩnh xuân vân trên chén sứ.
Đối với người Quảng, bài thơ là một quà tặng, một trong 3 dấu ấn để lại trên đất Quảng (biển vàng Lai Viễn Kiều ở Chùa Cầu Hội An và bài Tam Thai thính triều) của vị chúa tài ba, người đã “thực hiện” chữ Quảng Nam - với nghĩa mở rộng về phía Nam - một cách trọn vẹn! (Năm 1471, Lê Thánh Tông chỉ mới “quảng nam” đến đèo Cù Mông, còn Nguyễn Phước Chu đã “quảng nam” đến tận Hà Tiên!).

Qua bài Ải Lĩnh xuân vân chúng ta biết được một số tên gọi khác của ngọn núi được xem là ranh giới rất đặc biệt của lãnh thổ nước ta. Núi Hải Vân ngày nay trước đây được gọi là Ải Lĩnh vì trên núi có một cửa ải. Không biết cửa ải đó có phải là nơi sau này Minh Mạng (1826) xây Hải Vân quan? Cũng chưa thấy nhà nghiên cứu nào đề cập chuyện này. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn còn cho thêm một thông tin thú vị là trước đây dân gian còn gọi đây là ngọn Ngãi Lĩnh vì trên đó có mọc nhiều cây ngãi. Đến mùa cây nở hoa, gió bay hoa xuống biển. Con cá nào ăn được loài hoa này sẽ hóa rồng. Đây là một đề tài thú vị cho các nhà nghiên cứu văn học dân gian và các nhà động thực vật. Giống ngãi này vì sao tuyệt chủng, không hề thấy trong danh mục các loại động thực vật của vùng Hải Vân ngày nay.

Trong câu đầu tiên của bài thơ có viết: Việt Nam xung yếu thử sơn điên. Tên Việt Nam được dùng từ thời 1719 chứ không phải đợi đến năm 1804 như chính sử công bố. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ Việt Nam này được viết với ý nghĩa là đi/vượt về phía Nam hoặc vùng đất ở phía Nam của nước Việt. Nhưng một chữ Việt Nam khác được Nguyễn Phước Chu sử dụng trong bài Hà Trung yên vũ cho ta nghi ngờ việc ông dùng Việt Nam như một quốc hiệu. Nên nhớ Nguyễn Phước Chu là người từng chủ trương Bắc tiến để chấm dứt nạn cát cứ, nhằm thống nhất nước nhà; và năm 1701, từng cho người sang nhà Thanh đề nghị công nhận mình là quốc vương một quốc gia độc lập, nhưng chuyện không thành.

Bài Ải Lĩnh xuân vân (cùng một số bài khác) cho thấy Nguyễn Phước Chu luôn đề cao tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc. Khi làm thơ ông luôn đem những cảnh đẹp của nước ta để so sánh với cảnh đẹp của Tàu một cách hết sức… bình đẳng! Xin đơn cử:

- Sự hiểm trở của đèo Hải Vân với đường vào đất Ba Thục (trong bài Ải Lĩnh xuân vân).

- Cảnh của Hà Trung với cảnh Tiêu Tương (Hà Trung yên vũ).

- Tiếng sóng ở núi Tam Thai, Ngũ Hành Sơn với tiếng nước dội vào vách đá ở hồ Bá Dương (Tam Thai thính triều).

Bài thơ đã 3 lần được viết lên chén sứ: Lần thứ nhất dưới thời Nguyễn Phước Chu mà hiện nay còn tìm được 4 chiếc chén với đầy đủ 8 câu thơ và 2 dòng là đề bài và tên tác giả. (Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết 4 chén đó hiện ở trong tay các nhà sưu tập đồ cổ Trần Đình Sơn, Nguyễn Hữu Hoàng và Jochen May). Lần thứ 2 vào năm 1826, dưới thời Minh Mạng (mang ký kiểu Bính Tuất niên chế, Vương Hồng Sển sở hữu). Và lần thứ 3 vào cuối thế kỷ 19 (mang ký kiểu Chính Đức niên chế, do Trần Đình Sơn sở hữu). Chiếc này chỉ có 4 câu và không có tranh minh họa. Nhờ vậy bài thơ đã được lưu giữ bền vững trên những “cổ vật” giá trị!

LÊ THÍ

LÊ THÍ