Lộ Hạc thuyền là thuyền nước nào?

HỒ TRUNG TÚ 31/01/2019 03:26

Vua Lê Thánh Tông (1442 -1497 ) khi đem quân đi đánh Chiêm Thành năm 1471, lúc dừng chân trên đèo Hải Vân, nhìn xuống Vũng Thùng Đà Nẵng ông làm bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ”, trong đó có hai câu được nhiều người nhắc đến là:

Thuyền ở cửa Hàn Đà Nẵng vào năm 1892 do Camille chụp.
Thuyền ở cửa Hàn Đà Nẵng vào năm 1892 do Camille chụp.

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền

Dịch nghĩa :

Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc ,

Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh.

Bài thơ theo lối ngâm vịnh, không hay lắm, tuy nhiên hai khái niệm “Đồng Long nguyệt” và những con thuyền “Lộ Hạc” luôn được được giới nghiên cứu lịch sử, địa chí nhắc đến như một nguồn cứ liệu để hình dung về đời sống cư dân vùng đất này, tức Đà Nẵng, vốn rất ít những ghi chép đương thời. Nếu Đồng Long nguyệt được hiểu theo logic địa lý phải là vịnh Vũng Thùng của Đà Nẵng mặc dù không tìm thấy cứ liệu chắc chắn Vũng Thùng từng có một tên gọi khác là Đồng Long nguyệt. Bởi đứng  trên đèo Hải Vân nhìn xuống thì chỉ thấy Vũng Thùng chứ không còn vũng hay vịnh nào khác. Nhưng “Lộ Hạc thuyền” gần như là một công án, đến nay tuy đã có nhiều giả thiết đưa ra mà chưa được chấp nhận.

Cư dân một làng chài ở cửa biển Đà Nẵng vào năm 1892 do Camille chụp. Chúng ta chú ý vào chiếc quần những người dân chài mặc, nó không có dây rút như chiếc quần lá tọa ngoài Bắc mà lưng quần được đánh nải, đó chính là di vết của chiếc váy kama, sà rông, của người Chàm xưa.
Cư dân một làng chài ở cửa biển Đà Nẵng vào năm 1892 do Camille chụp. Chúng ta chú ý vào chiếc quần những người dân chài mặc, nó không có dây rút như chiếc quần lá tọa ngoài Bắc mà lưng quần được đánh nải, đó chính là di vết của chiếc váy kama, sà rông, của người Chàm xưa.

Kiến giải theo sử sách

Đầu tiên là kiến giải của các tác giả Quốc sử quán triều Nguyễn thế kỷ XIX trong “Đại Nam nhất thống chí”, mục về sông núi tỉnh Quảng Nam chép về Vũng Trà Sơn có đoạn: Lại xét sách Thiên Nam dư hạ tập chép rằng: Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở Hải Vân quan, có câu thơ rằng: “Tam canh dạ tĩnh Ðồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”. Đồng Long là tên một vũng biển ở phía nam núi Hải Vân, Lộ Hạc là tên một nước, người nước này thường đến đây buôn bán.

Thuận theo ý kiến của các tác giả Quốc sử quán triều Nguyễn, nhiều tác giả sau này đã đưa ra nhiều kiến giải về nước Lộ Hạc và đi tìm nước có âm gần như vậy. Đầu tiên phải kể đến GS. Trần Quốc Vượng trong sách về “Quảng Nam thời Tiền và Sơ sử” cho rằng đó chính là tên nước Locac thuộc bán đảo Mã Lai ngày nay. Về sau nhiều tác giả khác, khi thấy Locac không  thực sự thuyết phục cũng đã tìm nhiều tên nước, nền văn minh hoặc tên vùng đất nào đó có âm từa tựa như vậy, ví dụ Lavo, một quốc gia cổ ở hạ lưu sông Chao Praya của Ménam. Sông Chao Praya (tiếng Thái แม่น้ำเจ้าพระยา, Menam Chao Phraya; thường được biết đến trong tiếng Việt với tên gọi sông Mê Nam là một con sông lớn ở Thái Lan đổ vào vịnh Thái Lan cách Bangkok khoảng 35km về phía tây).

Thật khó có gì để có thể chắc chắn Lộ Hạc chính là Locac, Lavo, hoặc thậm chí có âm gần hơn là Doha, nay là tên thủ đô của Qatar, vốn thời đó cũng đã có nhiều thuyền buôn đến vùng này. Đó là chưa nói trong đêm tối vua Lê Thánh Tông làm sao có thể phân biệt được đó là thuyền của nước nào đến chứ không phải là thuyền của người dân địa phương. Hay hồi đó thuyền đã có tên nước và cờ khác nhau để phân biệt như bây giờ? Tất nhiên là không thể rồi.

Kiến giải theo phiên âm từ Chăm

Chúng tôi nghĩ cần phải tìm ý nghĩa của từ Lộ Hạc một cách gần gũi hơn, như đó là một từ Chăm chẳng hạn.

Việc phiên âm từ Chăm hay tiếng nước ngoài, hay một âm địa phương nào đó ra từ Hán là một câu chuyện vô cùng phức tạp mà nay ta khó có thể tra từ, âm đó xuất phát từ đâu. Tuy nhiên với phương pháp suy luận logic trên cơ sở những cứ liệu gần gũi nhất ta vẫn có thể hướng sự tìm kiếm vào đối tượng có thể khả dĩ hợp lý hơn.

Theo chúng tôi, trước khi Lê Thánh Tông bình Chiêm năm 1471 Đà Nẵng không phải là vùng đất hoang mà là một thành phố khá lớn, dân cư đông đúc của Chiêm Thành trước đó. Những khám phá khảo cổ mới nhất do Bảo tàng Chăm Đà Nẵng phối hợp với Khoa Khảo cổ trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho thấy mật độ di tích tháp Chăm ở Đà Nẵng là dày đặc với quy mô khá hoành tráng như: An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng, Xuân Dương. Ngoài 7 di tích có nền móng tháp khá rõ ràng như trên Đà Nẵng còn có 8 di tích không còn rõ ràng nền móng như: Gò Đùi, Lùm cây khế, Lùm Giàng, Vường đình Yến Bắc, Nam Thổ Sơn, Thành Lồi (Nam Thành, Hòa Phong), Cây Quăn – Đông Phước, Miếu khe Răm – đá xếp (Hòa Bắc).

Có thể nói chưa ở đâu, ngoại trừ Mỹ Sơn, mật độ các tháp Chăm lại dày đặc như thế. Trong đó di tích tháp Phong Lệ có cạnh tháp hình chữ nhật 23,15x19,30m; thuộc một trong những tháp  lớn nhất trên cả nước.

Chắc chắn trên địa bàn Đà Nẵng, kéo dài từ Nam Ô đến giáp huyện Điện Bàn (Quảng Nam) là một khu đô thị, thậm chí là một thành phố lớn của Vương quốc Champa. Thế nhưng, nếu di tích Đồng Dương có quy mô nhỏ hơn vẫn được gọi là Indrapura (kinh thành Sấm sét) thì khu vực Đà Nẵng vẫn chưa được các nhà nghiên cứu nhắc đến như một đô thị hoặc trung tâm kinh tế chính trị nào đó. Xin lưu ý trên bia ký ở di tích Khuê Trung đã được ghi rõ một nội dung mà nhà nghiên cứu GS. Huber có chép lại, dịch lược trích là: Vợ của Hoàng thân Sārthavāha (người đang cai quản vùng đất này) có tước hiệu là Pu Po Ku Rudrapura; trong đó Pu Po Ku là Nữ Thánh chủ và Rudrapura  là thành phố thần Bão tố. Theo kinh Vệ Đà, thần Bão tố Rudra là tiền thân của thần Siva, vị thần tối cao trong Ấn giáo.

Như vậy, vào thế kỷ X, khu vực Đà Nẵng đã có tên gọi là Rudrapura. Đây là nơi dân cư đông đúc. Thậm chí đến năm 1471, khi tiến đến Cu Đê, Nam Ô nay, quân Đại Việt đã bắt sống một tướng Chiêm là Bồng Nga Sa cho thấy vùng đất này vẫn thuộc sự quản lý của Chiêm Thành cho dù từ thời nhà Hồ, gần 100 năm trước, vùng đất này đã thuộc Đại Việt.

Giả thiết cần nghiên cứu

Liệu chăng Lộ Hạc thuyền là thuyền của chính cư dân Rudrapura ở đây?

Ở Đà Nẵng chúng ta có mấy địa danh có khả năng liên quan đến tên gọi này là Lỗ Giáng (Đại Nam thực Lục thế kỷ 19 ghi là Lỗ Giản, xưa hơn Ô châu cận lục cũng ghi là Lỗ Giản), ngoài ra còn có Quá Giáng, Thạc Giản, Giản Đông. Lỗ Giáng, Quá Giáng nằm ngay gần vị trí dựng bia ghi dòng chữ Rudrapura.

Liệu Lỗ Giản, Quá Giáng với Lộ Hạc có phải chỉ là cách phiên âm khác nhau của Rudra?

Chúng ta biết người Chàm xưa ở vùng Đà Nẵng, theo ghi chép của J.Barrow vào năm 1793 ở ngay vùng cửa sông Đà Nẵng thì người dân ở đây không nói được âm r, như trứng, trời được Barrow ghi ám tả là tlứng, blời. Liệu chăng âm r đã biến thành l để Rudra thành Lỗ Giản, Lộ Hạc?

Nếu quả thật “Lộ Hạc thuyền” chính là thuyền của cư dân Rudrapura, tức Đà Nẵng nay, thì qua câu thơ của Lê Thánh Tông chúng ta có cơ sở hơn để nghĩ về sự phát triển của ngành đóng tàu thuyền và hàng hải của cư dân Chăm xưa nói riêng và Quảng Nam Đà Nẵng sau này nói chung.

Như đã nói, đây chỉ là một ý tưởng khả dĩ hướng sự tìm kiếm vào một mục tiêu cụ thể và gần gũi hơn, có thể giúp ta hình dung về quy mô dân cư vùng đất hơn là các giả thiết trước đó khi cho Lộ Hạc là một nước xa xôi nào đó. Vấn đề vẫn còn để các nhà nghiên cứu chuyên môn sâu hơn vào cuộc.

HỒ TRUNG TÚ

HỒ TRUNG TÚ