Hát đúng ca từ

LÊ TRƯỜNG AN 25/01/2019 05:59

Cái hồn cốt quan trọng nhất của một ca khúc dĩ nhiên là giai điệu của nó, phần “xương da” quan trọng thứ hai chính là ca từ. Và phần nào cũng thiết yếu, bổ sung cho nhau để tạo nên một tác phẩm âm nhạc làm say đắm lòng người. Ấy vậy mà xưa nay người ta hát vẫn hay chú ý đến giai điệu mà có phần xem nhẹ ca từ, có rất nhiều người hát sai, rất tiếc trong đó có khi có cả những ca sĩ chuyên nghiệp. Đơn cử ở một vài ví dụ sau đây:

1. Đầu tiên phải nói đến Quốc ca, bài Tiến quân ca của Văn Cao. Trong đó có một câu hát rất hùng tráng là “Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”. Ấy vậy mà không hiểu sao có một thời gian, người ta cứ hát “Súng ngoài xa chen… chúc quân hành ca”, nghe cứ như muốn… lên phường như chơi. May mà người ta đã chỉnh huấn kịp thời. Và bây giờ thì ai cũng biết đó là khúc gì rồi. Không ai còn hát sai nữa. Nhưng có một điều đáng buồn là, ngày nay, trong lễ chào cờ, máy tính làm thay việc hát Quốc ca rồi!

2. Trong nhạc phẩm “Tự nguyện” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, rất nhiều người hát: “Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm. Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”. Thật ra câu sau là: “Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…” chứ không phải  “Nếu là người…”. Bởi không phải là người thì anh/chị… là gì?

3. Trong ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Từ Huy, một người con của quê hương Quảng Nam có một câu rất hay: “Lời mẹ ru con, hiu hiu trưa hè. Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường…”. Vì sao là bắt cá giữa đường? Vì là địa hình ở miền trung du và đồng bằng đất Quảng khá dốc, những nơi làng xóm bà con ta không có hệ thống thoát nước, nên mỗi khi mùa mưa, chính con đường cũng đóng vai trò là con mương thoát nước nên cá rô, cá lóc theo lên là vậy. Một hình ảnh rất nên thơ mà không cần dùng đến một chữ “Quảng Nam” mà tác giả cũng có thể phác họa được hình ảnh quê nhà. Cái tài hoa của người nhạc sĩ là ở chỗ đó. Ấy vậy mà người ta cứ vô tư hát oang oang: “Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đồng…”, thật là một câu… huề tiền và chẳng có giá trị gì về nghệ thuật.

4. Trong bài hát “Thơ tình cuối mùa thu” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Xuân Quỳnh cũng có một câu rất hay: “Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em…”. Câu “Mùa Thu vào hoa cúc” mới thật là thần diệu, người ta có thể tưởng tượng một đóa hoa cúc mỏng manh lại chứa đựng cả một mùa thu bát ngát của đất trời. Thật chưa dễ thấy có đóa hoa cúc nào đẹp đẽ đến như vậy. Không ngoa khi nói rằng câu thơ, câu hát ấy hay không kém gì câu “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” tuyệt diệu của cổ thi. Thế nhưng rất nhiều người lại hát thành “Mùa Thu vàng hoa cúc”, một câu thật quá bình thường mà đến đứa trẻ lớp 3 cũng viết được. Thật là đáng tiếc!

5. Trong bài “Một cõi đi về” nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, có một câu mà người người vẫn hát đi hát lại, đó là câu: “Con tim yêu thương vô tình chợt gọi/ lại thấy trong ta hiện bóng con người…”. Thật ra nguyên văn bài hát là “Con tinh yêu thương…”. Tại sao nói là “Con tinh yêu thương”? Tại vì lòng yêu thương thuộc về tâm hồn, nó không có một lý lẽ nào cả và hầu như chẳng tuân theo sự điều khiển của lý trí. Xem ra, nó cũng giống như một con tinh chợt đến chợt đi mà mỗi người không dễ nào bắt giữ hay sai khiến nó được. Nó đôi khi gây ra phiền toái hay đau khổ nhưng khổ nỗi, chính nhờ nó mà mỗi người mới đủ nghĩa con người. Có một câu danh ngôn: “tôi hiểu hiểu mọi cái xấu xa của con người, nhưng mà tôi không thể không yêu thương con người”. Thế thì mới biết “Con tinh yêu thương” rất là có thật, nó ở ngay trong mỗi con người. Còn “Con tim yêu thương” thì có gì lạ đâu?

Mỗi ca từ nhạc sĩ nghĩ ra đã phải lao tâm khổ tứ mới viết được những ca từ với hàm ý sâu xa, việc hát sai lời chẳng những làm giảm giá trị nghệ thuật của bài hát mà còn là một cách ứng xử thiếu nhân văn đối với những người sáng tạo đi trước. Đáng tiếc là điều đó đôi lúc vẫn diễn ra.

LÊ TRƯỜNG AN

LÊ TRƯỜNG AN