Lãng đãng Ngũ Hành Sơn

HÀ SẤU 20/01/2019 06:05

(QNO) - Hôm nay 20.1, danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, góp thêm một tín hiệu khởi sắc trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích đặc sắc, phong phú ở xứ Quảng.

Một nhánh sông Cổ Cò chảy lượn quanh danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.S
Một nhánh sông Cổ Cò chảy lượn quanh danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.S

Trong số 11 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 9 được công nhận cuối năm 2018, Ngũ Hành Sơn cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang) nằm trong hạng mục danh lam thắng cảnh. Với việc được công nhận này, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ có được sự hỗ trợ tốt hơn và sánh vai cùng với các danh thắng nổi tiếng ở nước ta đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt trước đó như: Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), hồ Ba Bể (Bắc Cạn), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)…

Qua thăng trầm thời gian, có thời điểm danh thắng Ngũ Hành Sơn đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng bởi thiên nhiên xâm thực và con người, nhất là vào những năm 1980 của thế kỷ trước. Người dân địa phương cho biết, thời điểm đó hầu hết nguyên liệu phục vụ cho làng đá mỹ nghệ Non Nước được lấy từ 5 ngọn núi đá vôi tại đây, việc khai thác cây rừng phục vụ sinh hoạt ở Ngũ Hành Sơn cũng thường xuyên diễn ra. Phải đến năm 1991, khi UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có chủ trương cấm khai thác đá tại Ngũ Hành Sơn, sau đó thành lập đội bảo vệ di tích thì Ngũ Hành Sơn mới giữ được hình hài như bây giờ.

Một con đường dẫn vào danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.S
Một con đường dẫn vào danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.S

Tuy là quần thể danh thắng nhưng Ngũ Hành Sơn lại chứa đựng tổng hợp nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - khảo cổ… với mối quan hệ giao thoa giữa người Việt - Chăm - Hoa từ mấy trăm năm trước, biểu chứng cho một vùng đất xứ Quảng một thời giao thương sôi động với thế giới. Ở khu danh thắng này hiện còn tọa lạc miếu Ông Chài được cho là xây dựng vào giai đoạn đầu thế kỷ XIX, tương truyền là trạm thu thuế các tàu buôn qua lại trên sông Cổ Cò giao thương giữa Đà Nẵng và Hội An. Du khách đến thăm thú, đứng dưới ngọn Hỏa Sơn, nhìn ra dòng Cầu Biện (một nhánh của sông Cổ Cò) êm êm trôi lững lờ bao quanh danh thắng hẳn sẽ phải ngậm ngùi nếu nghe về quá khứ trên bến dưới thuyền độ hơn 200 năm trước của dòng Lộ Cảnh giang huyền thoại.

Những văn bia chứa nhiều sử liệu, tư liệu quý giá về danh xưng Ngũ Hành Sơn, danh xưng các làng xã xứ Quảng, quan hệ bang giao với ngoại quốc… giúp quần thể danh thắng này như một “nhân chứng” về hành trình mở cõi của cha ông tại vùng đất một thời là “phên giậu phía Nam” của nước Đại Việt. Bên cạnh, những cuộc khảo cổ của các chuyên gia dưới chân núi Thổ Sơn đã làm phát lộ nhiều hiện vật chứng minh nơi đây từng là nơi cư trú, giao thương của người Chăm khoảng từ thế kỷ VII đến XI.

Lãng đãng ở Ngũ Hành Sơn, du khách như cảm thụ được cả một câu chuyện dài từ quá khứ đến hiện tại đậm dấu ấn, màu sắc riêng của xứ Quảng mà khó có địa điểm nào khác ở vùng đất này có thể hội tụ được.   

HÀ SẤU

HÀ SẤU