Giữa lặng lẽ bảo tàng...

PHAN CHÍ ANH 19/01/2019 05:08

Tranh thủ một buổi nghỉ giải lao giữa hai ngày họp, tôi chọn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam làm nơi thăm thú. Hà Nội đang rét đậm. Từ ngoài đường Nguyễn Thái Học đông đúc, huyên náo và chật chội, vừa ghé chân vào khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngay lập tức cảm nhận được không khí rất... bảo tàng. Tĩnh mịch. Cổ kính. Trầm mặc.

Một trong 2 tòa nhà kiến trúc Pháp ngót 100 năm tuổi được điểm xuyết thêm một số chi tiết kiến trúc đình làng Việt, hiện là khu trưng bày cố định của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: B.A
Một trong 2 tòa nhà kiến trúc Pháp ngót 100 năm tuổi được điểm xuyết thêm một số chi tiết kiến trúc đình làng Việt, hiện là khu trưng bày cố định của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: B.A

Dù đang trong lúc được nâng cấp, mở rộng với ngổn ngang vôi vữa một góc sân, nhưng cả hai tòa nhà bảo tàng vẫn kiêu hãnh và sang trọng trong một dáng vẻ rất riêng. Nghe đâu, hai tòa nhà của bảo tàng này vốn là lưu xá của con em các quan chức người Pháp, được xây từ những năm 30 của thế kỷ 20 theo kiến trúc Pháp, khi được chuyển hóa công năng thành Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia thì được bổ sung thêm một số chi tiết kiến trúc đình làng Việt Nam...

Hà Nội không thiếu những ngôi nhà có kiểu kiến trúc pha trộn nhưng hài hòa và độc đáo như thế này. Mà ở không gian nghệ thuật này, mọi thứ như càng có vẻ hài hòa hơn khi ở cả bốn góc sân, mấy cây đại cổ thụ đang cho hoa, tỏa hương liêu trai...

Câu chuyện của hiện vật

Hôm tôi đến, ở gian trưng bày không cố định của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm tranh “Xuân sớm” của một nhóm gồm 5 họa sĩ trẻ Hà Nội. Một phòng tranh đa phong cách nhưng có điểm chung là hầu hết đều có tone màu nóng, rực rỡ và ấm áp. Thấy tôi co ro trong chiếc áo ấm dày, một cô gái trẻ, mà sau đó tôi được biết là sinh viên năm thứ ba Đại học Mỹ thuật Hà Nội, động viên: “Đi xem giáp một vòng, thế nào anh cũng thấy ấm hơn”.

Không khác với dự đoán ban đầu, trừ gian trưng bày không cố định đang có triển lãm, khá chộn rộn, tất cả gian trưng bày cố định của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều rất yên ắng. Giữa thăm thẳm những bức - tường - tranh, những pho tượng và các loại hiện vật lớn nhỏ, thảng hoặc mới có vài vị khách, vừa di chuyển vừa ngắm nhìn một cách chậm rãi và lặng lẽ. Và, trong số khách hiếm hoi ấy, chủ yếu vẫn là người nước ngoài. Đến mức, một người Việt là tôi cũng bị cô nhân viên trực ở khu trưng bày mỹ thuật dân gian tưởng là người nước ngoài khi cất lời chào bằng câu hỏi “Are you from Korea?”. Đột nhiên, trong tôi dâng lên nỗi cảm thông và chia sẻ, thương mến và ái ngại... Trong khu nhà đồ sộ đang trưng bày chọn lọc hơn 2.200 trong số hơn 20 nghìn hiện vật, tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu trên diện tích hơn 3.000 mét vuông của bảo tàng, những nhân viên trực đón khách và thuyết minh này liệu có lúc nào cảm thấy... cô đơn? Cạnh lọ hoa tươi và cuốn sổ ghi chép để nghiêm ngắn trên chiếc bàn nhỏ ở góc phòng, không như tôi hình dung, chẳng hề có một cuộn len đan dở hay một phần việc ngoài chuyên môn nào đó mà các bà các chị vẫn hay tranh thủ làm thêm trong lúc rảnh rang... Chị Trương Thị Hảo, nhân viên trực ở gian trưng bày thế kỷ 10 đến 19, phân trần: “Chúng tôi “sống chung”, trò chuyện cùng tranh, tượng, hiện vật ở đây quen rồi. Nhìn vậy chứ không ai rảnh rỗi đâu, anh cứ tìm xem có hạt bụi nào trên hiện vật hay không thì sẽ hiểu...”.

Đúng là không có hạt bụi nào. Và, tuy vắng lặng là vậy nhưng không giây phút nào bảo tàng vắng bóng người, chính xác là vắng hơi người, và những vọng động... Theo một chu kỳ nhất định, tranh, tượng, hiện vật lại được hoán chuyển, cái này tạm xếp vào kho thì cái khác lại được đưa ra. Mỗi hiện vật đều có tiếng nói riêng, hoặc ồn ã hoặc thâm trầm. Ngay như bộ tượng các vị La hán chùa Tây Phương kia, tưởng xuất thế vô ngôn mà hóa ra lại hiển lộ bao nhiêu câu chuyện thế tục. Những hiện vật gốm, đồng, đá nhuốm rêu, đầy vết tích thời gian và không còn nguyên vẹn ở khu trưng bày mỹ thuật tiền - sơ sử, dưới ánh đèn trang trí đầy ngụ ý, như cũng thao thức nói cười... Ở các khu trưng bày mỹ thuật hiện đại và đương đại, chỉ với màu sắc thôi cũng đã huyên náo lắm rồi... Và nữa, một cảm giác choáng ngợp khi mà ở một số gian phòng không quá rộng, cùng một lúc lại được gặp, được chiêm ngưỡng, được chuyện trò cùng những tác phẩm gốc của các tên tuổi tài danh vang lừng trong làng mỹ thuật Việt Nam từ trước đến nay. Những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân... Những  Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái... Những Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Nguyễn Sáng... Họ được xếp cạnh nhau, đứng cạnh nhau, không để so bì cao thấp mà để tôn nhau lên.

Góc Quảng Nam

Ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi không giấu được xúc động và thích thú khi bắt gặp khá nhiều tác phẩm mỹ thuật và hiện vật từ Quảng Nam hoặc có liên quan đến Quảng Nam. Trước khi quyết định ghé đến nơi này, tôi đã định bụng sẽ tìm thử và không ngờ mình đã bắt gặp... Ở đây, các tác phẩm, hiện vật phải trải qua nhiều vòng sàng lọc hết sức khắt khe, phải thật sự xuất sắc, có các giá trị đặc trưng, tiêu biểu, mang tính đại diện vùng miền hay một giai đoạn lịch sử nghệ thuật nhất định nào đó... Bởi vậy, tôi đã ồ lên hơi thiếu kìm nén, đến mức nhân viên hướng dẫn phải chạy đến hỏi có việc gì không, khi nhìn thấy một loạt tượng và phù điêu Chăm phát hiện tại Quảng Nam được đặt gần nhau trong khu trưng bày hiện vật thế kỷ 10 đến 19. Những hiện vật cổ này tôi từng được xem ở Mỹ Sơn, ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Nhưng khi bắt gặp ở địa chỉ danh giá này, trong tôi như sống lại với niềm vui, sự háo hức của lần đầu...

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không khó để tìm thấy những tác phẩm, hiện vật liên quan đến Quảng Nam. Trong ảnh: Bức “Cù Lao Chàm” - tranh sơn dầu của cố họa sĩ Nguyễn Văn Đa.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không khó để tìm thấy những tác phẩm, hiện vật liên quan đến Quảng Nam. Trong ảnh: Bức “Cù Lao Chàm” - tranh sơn dầu của cố họa sĩ Nguyễn Văn Đa.

Những cảm xúc ấy cũng được lặp lại khi lướt mắt qua hàng nghìn bức tranh đủ kích cỡ, chất liệu, tôi tình cờ bắt gặp bức sơn mài “Đập xả lũ Phú Ninh”. Bức tranh được nữ họa sĩ sơn mài Đặng Thu Hương sáng tác năm 1980 sau một chuyến đi thực tế tại đại công trình thủy nông Phú Ninh (Quảng Nam), có tạo hình ấn tượng, khỏe khoắn và hiện đại trên nền những màu sắc cơ bản của sơn mài truyền thống.

Cách không xa nơi bày bức sơn mài này là bức sơn dầu “Cù Lao Chàm” của cố họa sĩ Nguyễn Văn Đa. Là người đi nhiều, sáng tác cũng rất nhiều - nhất là ký họa, nên việc bức tranh vẽ phong cảnh hoang sơ, thơ mộng của Cù Lao Chàm những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước được lọt vào danh mục lưu trữ và trưng bày của bảo tàng mỹ thuật quốc gia chắc chắn không phải là tình cờ... Ở một gian khác là bức tranh phấn màu “Chị Trần Thị Lý” của cố họa sĩ Hoàng Kiệt - người con của dòng họ Hoàng nổi tiếng làng Xuân Đài, Gò Nổi, Điện Bàn; là anh em ruột của các giáo sư danh tiếng Hoàng Phê, Hoàng Quý, Hoàng Tụy, Hoàng Chúng... Dù đã có tuổi đời hơn 60 năm nhưng bức tranh vẫn tươi mới một cách kỳ lạ. Nhìn vào dáng vẻ mảnh mai của người trong tranh, thật khó có thể hình dung đó lại là một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Tôi rời Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi chiều đã muộn. Không khí chừng như mỗi lúc một quánh đặc hơn. Mùi hương xa ngái, cũ càng và liêu trai của hoa đại theo gió lạnh lùa vào những dày hành lang vắng vẻ và hun hút của bảo tàng... Nữ nhân viên lễ tân của bảo tàng cúi đầu chào khách kèm theo một hẹn hò: “Rất hân hạnh được đón anh trong những chuyến tham quan sau”.

PHAN CHÍ ANH

PHAN CHÍ ANH