Cây đa bến nước, cây sung đầu làng

TẤN VỊNH 06/01/2019 04:48

Với cộng đồng các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, già làng có uy tín thường được chọn đứng đầu làng, là thủ lĩnh tinh thần của cả làng. Họ được ví như “cây đa bến nước”, “cây sung đầu làng”, là cây cao bóng cả tỏa bóng mát chở che cho các thành viên trong làng.

Ông và cháu.
Ông và cháu.

Già làng cũng là người giữ mạch nguồn văn hóa, bản sắc của từng tộc người, thể hiện sinh động qua kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà họ là chủ thể chính trong việc sáng tạo, nắm giữ và trao truyền cho thế hệ mai sau.

1. Các vị già làng là người nắm giữ và thực hành các tri thức bản địa được tích lũy lâu đời. Khi lập làng, đồng bào thường chọn những nơi cao ráo, có tầm nhìn xa, dễ dàng quản lý, bảo vệ, đầu nguồn nước hoặc cạnh suối. Nước uống được lấy từ đầu nguồn suối hoặc chảy từ trên cao xuống. Mỗi làng đều có ranh giới phân chia với nhau, ranh giới ấy được xác định bởi ngọn núi, con suối, thác nước, kè đá, rừng cây, thác nước... Khi xác định xong, người ta lấy đá làm cột mốc. Ranh giới này là sự thống nhất từ lâu đời của cha ông hay sự điều chỉnh, thỏa thuận giữa các làng với nhau. Khi đất đai bạc màu hoặc do tác động bởi thiên tai, dịch bệnh... thì cả làng dời đi một vùng đất mới sinh sống. Tính cộng đồng gắn bó trong cư trú của đồng bào rất bền vững. Tâm lý của mỗi thành viên đều muốn cư trú thật gần nhau để “khi tối lửa tắt đèn có nhau”.

Già làng là người am hiểu luật tục, phong tục tập quán. Đêm đêm bên ánh lửa hồng, dân làng thường quy tụ về nhà của già làng, nhà làng hay một gia đình nào đó để nghe chuyện xưa, các hình thức hát kể dài từ đêm này sang đêm khác. Hầu như mọi tình cảm, suy tư họ đều dồn hết vào trong tâm trạng của từng nhân vật trong từng cốt truyện. Trong lúc diễn xướng, nghệ nhân dường như sống trong “một thế giới riêng”, hóa thân vào các nhân vật trong sử thi mà họ hằng yêu mến; còn người nghe mở trí tưởng tượng bay bổng cho tâm hồn trở về với thời xa xưa, huyền thoại. Ngoài dân tộc Ê Đê, một số dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có loại hình tự sự trường thiên này, người Mơ Nông gọi là Ot Ndrông, người Ba Na gọi là Hơmon, người Gia Rai gọi là Hơri, người Mạ gọi là Nôtông, người Ra Glai gọi là Akhat Daluka. Đó là loại hình sử thi, trường ca, một loại hình sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người Tây Nguyên. Các nhà nghiên cứu phân chia thành hai dạng: sử thi sáng thế và sử thi anh hùng. Đây là những áng văn được lưu truyền bằng trí nhớ và truyền miệng của nghệ nhân dân gian về cuộc sống tươi đẹp, ca ngợi những anh hùng huyền thoại, những chàng dũng sĩ đã đánh thắng mọi kẻ thù hung ác, bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng.

Già làng hướng dẫn chỉnh và so chiêng trư ớc khi diễn tấu trong lễ hội. Ảnh: T.VỊNH
Già làng hướng dẫn chỉnh và so chiêng trư ớc khi diễn tấu trong lễ hội. Ảnh: T.VỊNH

2. Ngoài kể sử thi, các già làng còn là người nắm giữ các loại hình diễn xướng dân gian như tấu chiêng, thẩm âm cồng chiêng, chế tác và trình diễn các nhạc cụ tre nứa, đặc biệt là các loại hình dân ca, dân vũ. Vào các đêm hội làng hay những lúc nông nhàn, bên bếp lửa hồng, mọi người tụ tập để nghe già làng kể chuyện và tâm tình qua lại bằng lời hát lý thấm đẫm tình người. Nói lý - hát lý thường được thể hiện trong dịp ăn mừng lúa mới hay lễ ăn thề kết nghĩa anh em... Đặc biệt, trong đám cưới người Cơ Tu thường sử dụng nghệ thuật nói lý - hát lý. Hát lý còn được dùng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc… Mục đích quan trọng của hát lý là thông qua đối thoại để hòa giải những xung đột, tranh chấp giữa các cá nhân, gia đình, cá nhân với cộng đồng hay giữa các cộng đồng với nhau.

Ngôi nhà làng là biểu tượng văn hóa của đồng bào vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, người Xê Đăng, Ba Na gọi là nhà rông, người Giẻ Triêng gọi là nhà ưng, người Cơ Tu gọi là gươl. Già làng chẳng những là công trình sư trong kiến trúc nhà cộng đồng mà còn là những nghệ sĩ tạo hình tài hoa thể hiện các bức tượng, phù điêu, tranh vẽ để trang trí cho nhà làng, nhà ở, nhà mồ. Chỉ với chiếc rìu và vài công cụ đơn sơ, họ đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc dân gian độc đáo. Nếu ở ngôi nhà dài của người Ê Đê ta thấy hình ảnh bầu vú mẹ, nồi đồng, mảnh trăng non... thì khi bước vào ngôi nhà gươl của đồng bào Cơ Tu trước mắt ta là đầy ắp những chi tiết, mảng màu, hình khối miêu tả hình tượng con người, động vật, cây cỏ... tạo sự tươi đẹp, khang trang, ấm áp cho không gian sinh hoạt văn hóa của động đồng làng.

Những năm đầu của thế kỷ 21 là giai đoạn đầy biến động về mặt văn hóa ở các làng bản miền núi do tác động khách quan của quá trình công nghiệp hóa, tái định cư xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông, công trình thủy điện, nhất là chủ trương cải tạo điều kiện cư trú của những làng bản biệt lập, hẻo lánh... Từ đó, các làng bản có sự chồng lấn, đan xen giữa truyền thống và mô hình mới. Cái cũ và cái mới cùng làm nên bộ mặt đa dạng của bản làng dân tộc, trong đó nhiều di sản văn hóa bị mai một, chỉ còn trong ký ức của các già làng.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH